Năm 2017, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, anh Lương Hữu Phú Lộc (năm nay 27 tuổi) làm việc cho các công ty nước ngoài trong ngành vi mạch. Nhưng vì môi trường công việc gò bó, nhàm chán nên anh quyết định nghỉ việc rồi tìm đường khởi nghiệp.
Sẵn niềm đam mê với điện tử, vi mạch, anh Lộc gặp lại những bạn bè cùng thời đại học rồi tập tành khởi nghiệp. Mảng khởi nghiệp chính của nhóm là tự động hóa và vi mạch điện tử.
Đến năm 2019, từ con số không về kiến thức doanh nghiệp và kinh doanh, sau khi trải qua những thăng trầm trong khởi nghiệp, nhóm bạn trẻ này đã làm ra nhiều sản phẩm "made in Vietnam", từ hệ thống tự động hóa đến thiết bị cảm biến, phần mềm điều khiển tích hợp có ứng dụng các vi mạch đời mới.
Sản phẩm đầu tay của nhóm là hệ thống kiểm soát an toàn sản xuất, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, thị giác máy kết hợp với công nghệ vi mạch. Sản phẩm này giúp kiểm soát các hoạt động, đảm bảo an toàn lao động trong nhà máy, xí nghiệp trong thời điểm các công nhân làm việc.
Ngoài ra, những vi mạch mà nhóm thiết kế có tích hợp wifi, bluetooth vào vi xử lý trên nền ARM hay RISC-V (thuật ngữ được sử dụng trong thiết kế bộ xử lý). Nhờ những đổi mới sáng tạo này, nhóm bạn trẻ đã cung cấp được sản phẩm cho gần 50 doanh nghiệp, tập đoàn lớn ở VN.
Anh Lộc cho biết khởi nghiệp về ứng dụng vi mạch ở VN có nhiều thuận lợi, bởi đây được coi là mảng mới, các chính sách hỗ trợ của nhà nước đã thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp đội nhóm trẻ dễ tiếp cận vốn, sự hướng dẫn, kiến thức quản lý nhanh, gọn.
Nhóm anh Lộc tiếp tục tìm kiếm đối tác, triển khai và tập trung nhiều hơn ứng dụng vi mạch, IoT vào nông nghiệp. Cái tên Công ty TNHH Vietnamese IoT Solutions (VIIS) cũng ra đời từ đó. Anh Lộc kết hợp nguồn lực của nhiều đội nhóm để cùng làm ra sản phẩm cung cấp giải pháp, giảm thiểu rủi ro, giúp nông dân chuyển đổi số trong trồng trọt.
Đầu năm 2023, với sự hỗ trợ chuyên môn từ một số trường đại học, cộng đồng khởi nghiệp nông nghiệp, anh Lộc đã hiểu rõ hơn về quy trình trồng và chăm sóc cây. Từ đó, anh lấy nông nghiệp thông minh là sản phẩm chủ lực và bắt đầu áp dụng tại nhiều nhà vườn ở các tỉnh Tây nguyên, trọng điểm là khu vực Lâm Đồng.
Anh Lộc chia sẻ hệ thống nông nghiệp thông minh của mình tích hợp phần cứng và phần mềm. Trong đó có các phân đoạn như: hệ thống tưới, bón phân tự động, cảm biến giám sát và quản lý mùa vụ - nhật ký canh tác trong trồng trọt… Mỗi ngày hệ thống sẽ tự đánh giá và thực hiện các thao tác như: tưới, châm phân, đánh giá thời tiết. Người nông dân chỉ cần theo dõi vườn, lập quy trình, điều khiển hệ thống qua điện thoại thông minh. Điều này giúp giảm chi phí nhân công, thời gian cũng như nông sản đạt hiệu quả tốt cả về chất và lượng.
Anh Lộc còn phát triển tiếp phần mềm về quản lý khác như: kho lạnh, vận tải, năng lượng… Hiện hệ thống nông nghiệp thông minh của anh Lộc đã được nhiều nhà vườn, doanh nghiệp nông nghiệp tin tưởng và hợp tác lâu dài.
Bình luận (0)