Đổi mới sáng tạo là 'làm đúng cái đang bị sai'

12/12/2020 07:45 GMT+7

Đổi mới, sáng tạo là: 'làm đúng cái đang bị sai', 'làm hoàn hảo cái đang dở', 'làm để có cái chưa có', 'làm một dấu ấn tốt để tạo ra giá trị cho cộng đồng'.

Đó là 4 ý tưởng để đổi mới, sáng tạo của ông Lê Minh Hoan, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, gợi cho bạn trẻ tại Diễn đàn 'Chuyển đổi số trong nông nghiệp - Động lực từ thanh niên' diễn ra tại Hà Nội chiều 11.12.
Đặc biệt, để khích lệ người trẻ, ông Hoan còn đưa ra 3 lời khuyên: 'Làm cho ra người, làm cho ra việc; và làm cho ra tiền!'.

Phải khơi thông sự sáng tạo

Tham gia diễn đàn, ông Lê Minh Hoan cho rằng sáng tạo trong khởi nghiệp, chuyển đổi số nông nghiệp là yếu tố không thể thiếu. Trong nông nghiệp còn nhiều khoảng trống cần phải lấp đầy. Vì vậy, người trẻ cần phải hành động để xây dựng nông thôn. Ông Hoan chia sẻ nhiều người nghĩ rằng muốn khởi nghiệp phải có vốn, nhưng không phải vậy, con người chính là nguồn vốn. “Chúng ta đừng ở trong bóng tối mà mơ thay đổi cuộc sống. Trước khi thay đổi thế giới, phải thay đổi chính mình…”, ông Hoan khuyên các bạn trẻ.

Trao Giải thưởng Lương Định Của cho 56 nhà nông trẻ xuất sắc

Tối 11.12, T.Ư Đoàn tổ chức lễ trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 15, năm 2020, cho các thanh niên có thành tích xuất sắc trong nông nghiệp. Buổi lễ có sự tham dự của ông Uông Chu Lưu, Phó chủ tịch Quốc hội; anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN; anh Bùi Quang Huy, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên VN; anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư. Tại buổi lễ, T.Ư Đoàn đã trao giải cho 56 “nhà nông trẻ xuất sắc”, trong đó 6 người có trình độ thạc sĩ, 27 người trình độ đại học, cao đẳng. Tất cả 56 mô hình sản xuất kinh doanh của các nhà nông trẻ xuất sắc đều có doanh thu từ 1 tỉ đồng/năm trở lên, trong đó nhiều mô hình có doanh thu trên 10 tỉ đồng/năm; tạo việc làm cho nhiều lao động. Tại buổi lễ, 10 cá nhân tiêu biểu nhận Giải thưởng Lương Định Của 2020 đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng.
Theo ông Hoan thì T.Ư Đoàn đã có vai trò kết nối các bạn trẻ để tạo ra sức mạnh. Nhưng muốn có khát vọng cao hơn thì các bạn trẻ cần có những năng lực tích cực để chế ngự cảm xúc tiêu cực. “Ai cũng thông minh như ai, sự sáng tạo như dòng suối tuôn ra, nếu có đá đặt thì sẽ tắc. Tổ chức Đoàn có nhiệm vụ khiêng viên đá ra khỏi dòng suối đó, để khơi thông sức sáng tạo của chúng ta”, ông Hoan nói.
Nói về cơ hội và thách thức của kinh tế nông nghiệp Việt Nam trong chuyển đổi số, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Nafoods, Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, cho rằng đây không chỉ câu chuyện dữ liệu số hóa, mà là việc ứng dụng khoa học công nghệ, phải đưa vào đó trí tuệ nhận tạo, cơ khí chính xác, công nghệ sinh học…
Theo ông Hùng, muốn ngành nông nghiệp chuyển đổi số thành công, các ngành khác như công nghệ thông tin, sinh học, phân bón… phải đồng hành, cùng phát triển. Và hơn hết, cần sự vào cuộc của các bạn trẻ, ứng dụng công nghệ làm nông nghiệp. “Muốn số hóa, các bạn trẻ phải thay đổi tư duy, không làm nông nghiệp mà công nghiệp trong nông nghiệp, thì mới đưa trí tuệ nhân tạo vào được”, ông Hùng nói.

Có phải là thời cơ làm giàu?

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN-PTNT, cho rằng đây là giai đoạn thích hợp chuyển đổi số thành công. “Nông nghiệp là 1 trong 8 ngành ưu tiên chuyển đổi số đầu tiên, trong đó có chuyển đổi trồng trọt, chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc, kiểm tra thời gian canh tác… Nhưng số hóa phải là trách nhiệm, không chỉ là trách nhiệm của người làm công nghệ mà cả người tiêu dùng bình thường”, ông Toản nói.
Ông Toản cho rằng khi xảy ra dịch Covid-19 đã thúc đẩy việc số hóa do người tiêu dùng phải thay đổi thói quen và sử dụng thương mại điện tử. Từ đó bà con nông dân cũng phải đưa hàng hóa lên sàn và phải tham gia số hóa sản phẩm. Như vậy, muốn số hóa thì tất cả phải hành động. “Số hóa không còn là cơ hội mà là trách nhiệm của mọi thành phần, từ chính sách và doanh nghiệp, người tiêu dùng. Làm thế nào tạo ra chuỗi liên kết, liên minh sản xuất, chất lượng…”, ông Toản mong muốn.
Đặc biệt, ông Toản cho biết lực lượng quyết định sự thành công của chuyển đổi số chính là các bạn trẻ. Kể những câu chuyện về các mô hình kinh tế của bạn trẻ làm giàu nhờ công nghệ, ông Toản nói: “Với công nghệ thì 1 - 2 năm có thể làm giàu, không như chúng tôi trước đây phải mất 10 - 20 năm. Làm giàu nhanh hơn, hiệu quả hơn, tại sao chúng ta không làm?”.
Lấy câu chuyện kinh doanh của mình làm minh chứng, ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn, chia sẻ tới các bạn trẻ hoàn toàn có thể tự tin khởi nghiệp, kể cả từ con số 0 như cách ngày trước ông bắt đầu. “Các bạn thanh niên có thể tự gây dựng, kết nối tới những người làm nông nghiệp, hoặc liên doanh, làm vệ tinh cho các doanh nghiệp”, ông Hùng gợi ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.