Tại đây, các đại biểu cho rằng, công tác Hội cần phải tạo ra dấu ấn, thương hiệu đặc thù, tránh sự chồng chéo. Đặc biệt, Hội cần phải có sự đổi mới mạnh mẽ, đi vào thực chất hơn để nâng cao hiệu quả hoạt động ở cơ sở. Theo các đại biểu, một vấn đề lớn đáng quan tâm hiện nay ở ĐBSCL là TN nông thôn bỏ quê lên những đô thị tìm việc làm. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị Hội tăng cường nhân rộng, giới thiệu những mô hình phát triển kinh tế phù hợp và bền vững, hỗ trợ vốn làm ăn, đào tạo nghề cho TN theo nhu cầu xã hội.
Bên cạnh đó, Hội cần quan tâm hơn nữa đến những TN tôn giáo và tổ chức những hoạt động hiệu quả giúp TN chậm tiến, TN hoàn lương, TN có nguy cơ vi phạm pháp luật. Theo chị Huỳnh Thị Hoài Thu - Bí thư Tỉnh đoàn kiêm Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Đồng Tháp, Hội cần tổ chức những chương trình phù hợp tình hình thực tế ở từng khu vực, chẳng hạn vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL đang khiến nhiều người dân và TN quan tâm.
Đúc kết buổi giao ban, anh Phan Văn Mãi lưu ý: “Hội nên có sự khác biệt về phương thức hoạt động với Đoàn, chứ không phải là khác biệt đối lập. Theo đó, Hội có thể thay mặt Đoàn đến những nơi Đoàn chưa đến, tổ chức những hoạt động Đoàn chưa thực hiện. Vì vậy, hình thức, cách thức hoạt động của Hội phải nhẹ nhàng, linh hoạt. Chúng ta không bỏ chi hội mà chuyển dần hình thức hội cơ sở theo địa bàn thành những tập hợp đúng nhu cầu, sở thích, nghề nghiệp, đối tượng nhằm chăm lo, đáp ứng nhu cầu của TN. Làm sao để hoạt động Hội của chúng ta trở nên đa dạng, thực sự trở thành mặt trận đoàn kết tập hợp TN, là ngôi nhà của các tầng lớp TN”.
Như Lịch - Hoàng Phương
Bình luận (0)