Đồi mồi trên da: Có thật sự vô hại?

22/02/2025 04:07 GMT+7

Nhiều người thường coi đồi mồi là tình trạng 'hiển nhiên' của da khi lớn tuổi nên ít để tâm. Tuy nhiên, hiểu biết kỹ về đồi mồi cũng có thể giúp phòng và khống chế sự phát triển của chúng, thậm chí dự báo được bệnh nguy hiểm cho da.

Đồi mồi (đốm nâu) là sang thương sắc tố da dạng phẳng hoặc hơi gồ nhẹ trên bề mặt da, xuất hiện ở cả nam và nữ mọi chủng tộc và lứa tuổi. Các nốt đồi mồi thường tồn tại lâu dài, có thể tăng về số lượng theo tuổi tác hoặc theo tần suất tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Một số vết ở những vị trí được bảo vệ khỏi ánh nắng có thể mờ dần và biến mất.

Đồi mồi trên da: Có thật sự là căn bệnh vô hại? - Ảnh 1.

Các nốt đồi mồi thường tồn tại lâu dài, có thể tăng về số lượng theo tuổi tác

Ảnh: AI

Phân loại đồi mồi, theo dõi kỹ để phát hiện dấu hiệu ung thư da

Theo bác sĩ Lê Cao Trí, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, các loại đồi mồi thường thấy là:

Lentigo Simplex: Xuất hiện những năm đầu sau sinh và giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành; có ở thân mình và tứ chi. Dát nhỏ, màu nâu hình tròn hoặc bầu dục hoặc mảng mỏng, bờ đều hoặc răng cưa, có thể có bề mặt khô và biến mất theo thời gian.

Do ánh sáng mặt trời: Thường gặp nhất từ tuổi trung niên, xuất hiện ở những vị trí tiếp xúc lâu ngày với ánh nắng mặt trời như mặt, cổ, vai, bàn tay, cẳng tay, cẳng chân. Dát hoặc mảng mỏng, màu vàng, nâu sáng hoặc sẫm, bờ đều hoặc không đều, có thể có bề mặt khô. Thông thường đường kính 5 mm, có thể lan rộng đến vài cm hoặc kết hợp lại với nhau. Có thể biến mất qua quá trình sừng hóa dạng lichen. Khi ở dạng không điển hình, có thể khó phân biệt với ung thư hắc tố tại chỗ (melanoma in situ).

Dạng vết mực: Số lượng ít hơn so với đồi mồi do ánh nắng mặt trời, xuất hiện sau khi bị cháy nắng ở những người có làn da rất trắng. Màu không đều, từ nâu sẫm đến đen.

Đồi mồi sau PUVA (quang hóa trị liệu), nhuộm đen da: Hình dạng tương tự như đốm nâu dạng vết mực, có ở bất kỳ nơi nào tiếp xúc PUVA, giường nhuộm đen da.

Đốm nâu do xạ trị: Xuất hiện ở nơi chiếu xạ (vô tình hoặc do điều trị). Liên quan đến viêm da do xạ trị giai đoạn cuối.

Dát sắc tố melanotic macule: Có ở bề mặt niêm mạc hoặc bán niêm mạc như môi, âm hộ, dương vật, hậu môn, màu nâu nhạt đến nâu sẫm.

Đồi mồi có liên quan đến các bất thường cơ quan khác: Dạng cụm (có liên quan bất thường thần kinh, phát triển tâm thần); dạng hoa văn; đồi mồi trung tâm mặt dị tật thần kinh (liên quan khuyết tật trí tuệ); đồi mồi liên quan đến các hội chứng di truyền…

“Bất kỳ sự thay đổi nào về hình dáng, màu sắc, kích thước của đồi mồi so với ban đầu cũng có thể là dấu hiệu của một bất thường nghiêm trọng như ung thư da. Ví dụ: kích thước tăng nhanh, màu sắc không đều, nhiều màu sắc, bờ không đều, chảy máu, đau”, bác sĩ Cao Trí cho biết.

Do đó, người có đồi mồi cần có những hiểu biết nhất định, không chủ quan với sự xuất hiện hay thay đổi của các vết đồi mồi trên khắp cơ thể để kịp thời đến thăm khám, chữa trị tại cơ sở y tế uy tín.

Đồi mồi trên da: Có thật sự là căn bệnh vô hại? - Ảnh 2.

Khi ra ngoài, nhất là khung giờ từ 10 giờ sáng đến 16 giờ - cần sử dụng khẩu trang, quần dài, áo dài tay, găng tay, vớ có màu sẫm, mũ nón rộng vành, kính râm...

Ảnh: AI

Hạn chế tái phát, ngăn ngừa đồi mồi mới như thế nào?

Có thể ngăn ngừa đốm nâu liên quan tiếp xúc với tia cực tím bằng cách bảo vệ da thật cẩn thận dưới ánh sáng mặt trời.

Theo bác sĩ Trí, che chắn vật lý bằng quần áo, mũ nón, kính râm… có hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa nốt đồi mồi mới so với kem chống nắng. Nên hạn chế ra nắng; khi ra ngoài từ 6 giờ sáng đến 18 giờ - nhất là khung giờ từ 10 giờ sáng đến 16 giờ - cần sử dụng khẩu trang, quần dài, áo dài tay, găng tay, vớ có màu sẫm, mũ nón rộng vành, kính râm.

Bên cạnh đó, nên sử dụng kem chống nắng trước khi ra ngoài nắng 30 phút, thoa loại phổ rộng, thành phần chống nắng vật lý như titanium dioxide, zinc oxide (ít nguy cơ kích ứng da hơn so với kem chống nắng hóa học). Lựa chọn loại kem có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên, thoa đủ liều lượng và thoa lại sau mỗi 2 giờ hoặc thường xuyên hơn nếu đi bơi hoặc ra mồ hôi nhiều.

Điều trị đồi mồi như thế nào?

Theo bác sĩ Lê Cao Trí, đồi mồi thường không ảnh hưởng sức khỏe, nhưng gây mất thẩm mỹ, kém tự tin khi giao tiếp. Điều trị có thể làm mờ hoặc mất các nốt đồi mồi; tuy nhiên, bất kỳ phương pháp điều trị nào đều có nguy cơ xảy ra tai biến hoặc tác dụng phụ, người bệnh cần được khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa da Liễu để hạn chế nguy cơ. Các phương pháp điều trị cụ thể như:

  • Thuốc thoa tại chỗ: Đôi khi gây kích ứng da tại chỗ thoa.
  • Lột da bằng hóa chất (peel da): Nguy cơ tạo sẹo hoặc tăng sắc tố sau viêm nếu thực hiện không đúng cách.
  • Liệu pháp đông lạnh Cryotherapy: Sử dụng nitơ lỏng.
  • IPL: Dùng ánh sáng xung cường độ cao.
  • Laser sắc tố: Hiệu quả nhất, bằng công nghệ ly giải quang nhiệt có chọn lọc phá vỡ những hạt sắc tố melanin mà không tổn thương mô xung quanh.

“Sau các thủ thuật điều trị, người bệnh cần tránh nắng tối đa và chăm sóc da nhẹ nhàng, đúng cách theo sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị”, bác sĩ Trí nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.