Đổi mới tư duy về văn hóa (*)

09/12/2021 06:06 GMT+7

Để có thể biến văn hóa thành nguồn lực, khai thác các di sản như những tài nguyên, điều quan trọng đầu tiên là phải đổi mới tư duy, nhận thức một cách căn bản.

Văn hóa phải là hồn cốt, khí chất dân tộc

Để làm được điều này, trước hết phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm văn hóa không chỉ là một lĩnh vực hoạt động phạm vi quản lý của ngành văn hóa mà là nền tảng tinh thần của xã hội, là hồn cốt, khí chất của dân tộc.

Khi ban hành Nghị quyết số 33 năm 2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, T.Ư đã nhận ra tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Chính vì vậy, khi đánh giá, Bộ Chính trị đã đưa ra những kết luận hết sức quan trọng, theo đó việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả chưa cao. Tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, văn hóa đặc trưng của một số dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một dần. Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa thực hiện tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với thực tiễn sáng tác…

Bạn trẻ đọc sách tại Đường sách TP.HCM

Ngọc Dương

Bộ Chính trị cũng chỉ ra những hạn chế trên đây do nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức xã hội và một bộ phận nhân dân nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người đối với phát triển bền vững đất nước. Vị trí, vai trò của văn hóa chưa thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý chưa thực sự đổi mới, nhất là trong việc xây dựng, đào tạo, bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa…

Cùng với đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa, cũng phải đánh giá đúng và thấy hết những khó khăn khi khai thác các nguồn lực văn hóa. Đó là những trở ngại trước các thói quen, tập tính và hạn chế của cư dân nông nghiệp khi bước vào thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa, mà một trong những nhược điểm lớn, gây rất nhiều hậu quả tai hại là không có thói quen nhìn xa, là tâm lý “ăn xổi”. Đó là tâm lý bình quân cào bằng - sản phẩm của cơ cấu kinh tế - xã hội nông nghiệp - công xã.

Khơi dậy khát vọng của cả dân tộc

Một trong những điều quyết định thành công trong sự nghiệp phát triển, đưa đất nước đi tới phồn vinh, là phải khơi dậy khát vọng của cả dân tộc, đặc biệt là giới trẻ, như tinh thần Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra. Giáo dục văn hóa, lịch sử cho mọi tầng lớp từ lãnh đạo đến nhân dân, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên, cần được coi như một nhiệm vụ mang tầm chiến lược. Khát vọng sẽ dẫn tới tự tin và có thể biến những gì mình có thành lợi thế, thành sức mạnh.

Vấn đề đặt ra hiện nay cho Việt Nam là làm thế nào để động viên được cao nhất sức mạnh này trong công cuộc xây dựng đất nước và cạnh tranh quốc tế. Thêm vào đó, trong văn hóa Việt Nam, truyền thống hiếu học và khả năng trí tuệ của người Việt đã và đang trở thành một yếu tố bảo đảm cho sự phát triển với tốc độ cao của đất nước và trở thành một thế mạnh khi cạnh tranh quốc tế trong tương lai.

Một trong những nét đặc sắc đồng thời cũng là thế mạnh của con người Việt Nam là tính cách mềm dẻo, cởi mở và dễ hội nhập. Đây là một yếu tố hết sức thuận lợi trong hoàn cảnh ngày nay, khi mà thế giới ngày càng phát triển theo xu thế hội nhập và chu kỳ thay đổi công nghệ ngày càng có xu hướng rút ngắn. Trong khi đó, văn hóa của chúng ta đa dạng, phong phú với bản sắc hết sức độc đáo. Đó là lợi thế lớn cho Việt Nam trong thời kỳ chủ động hội nhập.

Chúng ta đã nói nhiều tới sự phát triển chậm trễ, những “món nợ lịch sử” mà sớm muộn chúng ta phải trả (như công nghiệp hóa chẳng hạn). Nhưng xét về nhiều phương diện, trong hoàn cảnh thế giới ngày nay, sự chậm trễ đó đang tạo cho chúng ta một lợi thế: lợi thế của người đi sau. Ô nhiễm môi trường đang là mối lo của cả nhân loại vì trong quá trình công nghiệp hóa trước đây, nhiều quốc gia, dân tộc đã không có hiểu biết đầy đủ và kinh nghiệm cần thiết trong lĩnh vực này.

Những nước công nghiệp hóa sau không chỉ có điều kiện đi tắt, đón đầu về công nghệ hiện đại hóa mà còn có đầy đủ kinh nghiệm của các nước đi trước để học tập. Nhưng điều có ý nghĩa quan trọng hơn trên phương diện bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống là chúng ta vẫn còn kịp, nếu như có được sự nhận thức sáng suốt và đầy đủ về tầm quan trọng của việc xây dựng một nền văn hóa mang bản sắc dân tộc, xứng với tầm vóc lịch sử của dân tộc và biến tất cả những gì mình có thành lợi thế trong cạnh tranh quốc tế.

(*) Bài viết được trích từ tham luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021. Tựa đề do Thanh Niên đặt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.