Đó là định hướng của Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đông Phong, hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM chia sẻ trong buổi lễ khai giảng chương trình đạo tạo trình độ Tiến sĩ bằng Tiếng Anh (UEH.ISB.PhD) sáng ngày 15.12 vừa qua.
Đừng chỉ đổ trách nhiệm trên vai sinh viên
Việc Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế Đông Nam Á (AEC) và hơn nữa là ký kết hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) được các nhà kinh tế phân tích rất nhiều về cơ hội lẫn thách thức. Một trong số đó là nguồn nhân lực trong nước chưa đáp ứng đủ yêu cầu hội nhập. Câu chuyện sinh viên Việt thực sự hiểu gì về AEC, TPP và chuẩn bị gì cho giai đoạn sắp tới được đẩy lên cao trào khi con số này còn quá ít ỏi. Rất nhiều sinh viên chưa thể hiểu rõ được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc hội đủ tiêu chuẩn một người công dân toàn cầu và những “từ khoá” trên ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước ra sao. Bởi lẽ, thế giới quan của các em đang ngồi ghế nhà trường khác hẳn so với những nhà làm kinh tế vĩ mô.
Vậy làm thế nào để sinh viên hiểu được và chuẩn bị thật tốt để chủ động tận dụng những đặc quyền mà chỉ những nước tham gia AEC hay TPP mới có được mới là việc cần được quan tâm đúng mực. Trong bối cảnh phát triển và hội nhập của đất nước ngày một sâu rộng như hiện nay, giảng viên lại chính là một mắt xích rất quan trọng trong chuỗi cung ứng nguồn nhân lực cho thị trường mới. Việc đào tạo đội ngũ các nhà khoa học chất lượng có khả năng nghiên cứu khoa học chuyên sâu và có khả năng giảng dạy tốt bằng tiếng Anh là điều tất yếu.
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đông Phong - Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM - phát biểu khai mạc lễ khai giảng chương trình đào tạo tiến sĩ
|
Một mục tiêu, một yêu cầu
Để làm được điều này, 14 nghiên cứu sinh trong chương trình tiến sĩ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh bằng tiếng Anh của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM chỉ có một tiêu không hề đơn giản là có tên lọt vào danh sách nhà nghiên cứu ISI (The Institute for Scientific Information) danh giá. Các nghiên cứu sinh cũng chỉ cần đáp ứng một yêu cầu mà chương trình đặt ra là sự cam kết hoàn thành thật tốt.
Bên cạnh đó, chủ trương của chương trình Tiến sĩ chính là đào tạo ra những nhà khoa học có trình độ cao về lý thuyết, năng lực thực hành phù hợp và năng động có khả năng làm việc, nghiên cứu độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề mới có ý nghĩa khoa học. Chương trình cũng đảm bảo các Nghiên cứu sinh được trang bị đầy đủ các kiến thức nền tảng cho nghiên cứu chuyên sâu, nắm vững phương pháp nghiên cứu khoa học và đào sâu khai thác những vấn đề trong nghiên cứu cho từng ngành chưa được giải quyết.
PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Đào tạo Quốc tế ISB, chia sẻ chi tiết về chương trình đào tạo
|
Ngoài ra, nghiên cứu sinh sẽ được học lý thuyết đi đôi thực hành đứng lớp giảng dạy bằng tiếng Anh. Đây là một điểm đặc biệt mà các chương trình đào tạo trong nước hiện nay vẫn chưa thực hiện được. Đặc biệt, mỗi nghiên cứu sinh được yêu cầu phải có hai bài báo, trong đó có tối thiểu có một bài đăng trên tạp chí có uy tín - của phân loại SSCI hoặc ESCI. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong - Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM nhấn mạnh: “Chương trình chỉ dành cho người ham học, ham nghiên cứu và trở thành nhà nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, viện nghiên cứu trong tương lai. Chương trình không dành cho những người chỉ để lấy bằng tiến sĩ Đại học Kinh tế để làm cơ quan quản lý, làm những việc không có tính chất nghiên cứu”.
Hy vọng với quyết tâm cao độ của nghiên cứu sinh và sự hỗ trợ tối đa của nhà trường sẽ giúp gia tăng số lượng đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ với năng lực nghiên cứu khoa học cao và phương pháp giảng dạy tiên tiến. Từ đó, tạo lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trên trường quốc tế.
14 nghiên cứu sinh của chương trình hứng khởi tham dự lễ khai giảng
|
Bình luận (0)