Đổi mũ bảo hiểm giả lấy mũ thật

14/03/2013 17:35 GMT+7

(TNO) Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, một trong những trọng tâm của chiến dịch tuyên truyền cao điểm xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) từ ngày mai 15.3 là chương trình đổi MBH giả lấy MBH thật có hỗ trợ.

(TNO) Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, một trong những trọng tâm của chiến dịch tuyên truyền cao điểm xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) từ ngày mai 15.3 là chương trình đổi MBH giả lấy MBH thật có hỗ trợ.

Tại cuộc họp báo chiều nay 14.3, trước mắt Ban An toàn giao thông Hà Nội cũng đã ký biên bản ghi nhớ với công ty sản xuất MBH Á Long thực hiện chương trình đổi mũ giả lấy mũ thật, người dân khi đổi mũ sẽ được hỗ trợ từ 30.000 - 70.000 đồng/mũ.

Ông Hiệp cho biết, hiện tại có 74 doanh nghiệp (DN) sản xuất MBH trên cả nước, trong đó có 67 DN sản xuất trong nước và 7 DN nhập khẩu. Ủy ban sẽ tiếp tục kêu gọi các DN tham gia chương trình đổi mũ. Mỗi địa phương trong cả nước sẽ phải có vài trăm điểm bán MBH đạt chuẩn cho người dân, cũng như thực hiện chương trình đổi mũ. Theo đó, người dân sẽ được hỗ trợ khi mang mũ giả, mũ rởm, mũ cũ đến đổi lấy mũ mới.

Để tránh tình trạng căng thẳng có thể đẩy giá mũ lên cao khiến người dân chịu thiệt, ông Hiệp cho biết, các cơ quan chức năng sẽ yêu cầu người sản xuất phải cam kết và công bố giá sản xuất, giá niêm yết, không thể nâng giá lên khi thực hiện trợ giá.

“Chúng tôi khảo sát một chiếc mũ thật bán tại Phố Huế là 290.000 nhưng giá thành DN đăng ký là 200.000 đồng, chúng tôi lấy đây là mức giá chuẩn, có nghĩa là khi người dân đổi mũ sẽ chỉ phải bỏ ra 150.000 đồng để mua mũ mới. Hiện mũ thật nhà sản xuất chiết khấu 25% cho người bán (lãi), nếu thực hiện chương trình đổi mũ thì DN sẽ đưa thẳng đến tay người dân bỏ qua khâu trung gian để tiết kiệm 25% này. DN sẽ có lãi ít đi do phải tăng thêm chi phí, nhưng đây cũng là trách nhiệm xã hội của DN”, ông Hiệp nói.


Loại mũ này vẫn có thể bị xử phạt vì không được xem là MBH - Ảnh: Ngọc Thắng 

Cũng theo đại diện Ủy ban An toàn giao thông, nếu tình trạng căng và các DN không tuân thủ cam kết, “chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép nhập khẩu mũ phục vụ người tiêu dùng”.

Đội mũ nào bị xử phạt như hành vi không đội MBH?

Theo ông Hiệp, sẽ chưa xử phạt với mũ giả, mũ kém chất lượng vì chưa đủ điều kiện. Nhưng theo Nghị định 71, người dân vẫn bị xử phạt với hành vi không đội MBH và đội mũ không cài quai. “Người dân cần phân biệt đâu là hành vi được xem là không đội MBH: đấy là các loại mũ mềm, lưỡi trai, mũ nhựa, mũ ghi rõ không dành cho người đi xe mô tô, gắn máy. Cái này người dân chắc chắn biết và cơ quan chức năng cũng phân biệt được và cũng không có gì mâu thuẫn với thông báo mới đây của Bộ Tư pháp”, ông Hiệp cho biết.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.