Theo CDC Đà Nẵng, mặc dù những ngày qua thời tiết không thuận lợi do mưa lớn..., nhưng các đội tiêm vắc xin Covid-19 lưu động của 7 quận, huyện trên địa bàn thành phố vẫn đến tận nhà tiêm cho gần 700 người không thể di chuyển.
Đây là nhóm người bệnh, người không thể tự chăm sóc bản thân, không đi lại được ngay cả khi có sự hỗ trợ. 100% nhóm người này được tiêm vắc xin Pfizer và theo dõi sau tiêm.
Một người bệnh bất động được đội tiêm lưu động đến tận nơi hỗ trợ tiêm vắc xin Covid-19 |
CDC Đà nẵng |
Theo thống kê, nhóm người này tại TP.Đà Nẵng còn khoảng 1.400 trường hợp và sẽ được các đội hỗ trợ tiêm lưu động đến tận nhà tiêm vắc xin trong đợt phân bổ kế tiếp.
Bác sĩ (BS) Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng, cho biết những trường hợp người già, người bệnh không thể di chuyển, không ra khỏi nhà được nhưng vẫn có nguy cơ mắc bệnh do người thân (đã chích vắc xin) lây sang. Thực tế tại TP.Đà Nẵng đã có nhiều trường hợp mắc Covid-19 là những người già, người bệnh bất động không tiêm vắc xin và bị lây nhiễm khi người thân mang bệnh về nhà, hoặc từ hàng xóm, người quen đến nhà chơi.
“Những người này lại nằm trong nhóm có nguy cơ cao về chuyển nặng và tử vong hơn so với người khác, nếu không may bị mắc bệnh. Với vắc xin thì mỗi người đều có quyền lợi được tiêm, được vắc xin bảo vệ và mục đích tiêm phòng cũng là để giảm tỷ lệ bệnh chuyển nặng, tử vong nếu mắc phải. Vì vậy địa phương hỗ trợ hết mức có thể”, BS Thạnh nói.
Việt Nam đã tiếp nhận hơn 183,1 triệu liều vắc xin Covid-19 |
Đội lưu động hỗ trợ theo dõi tại chỗ
Theo CDC Đà Nẵng, các đơn vị phụ trách tiêm chủng đều có đội cấp cứu lưu động và phương tiện kèm theo, sẵn sàng hỗ trợ cấp cứu tại các điểm tiêm chủng. Với mỗi trường hợp được tiêm vắc xin tại nhà, ngoài việc khám sàng lọc, theo dõi sức khỏe sau tiêm, các đội tiêm cũng cung cấp số điện thoại đội cấp cứu lưu động để người dân liên hệ trong trường hợp cần thiết.
Cụ thể, tại các điểm tiêm chủng ở mỗi quận, huyện đều bố trí đội theo dõi và xử trí các sự cố bất lợi sau tiêm chủng, bố trí xe cấp cứu trang bị đầy đủ các trang thiết bị để vận chuyển bệnh nhân trong trường hợp xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng. Với các trường hợp tiêm tại nhà, đội tiêm lưu động đều khuyến cáo người nhà chủ động theo dõi 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong 7 ngày đầu với các vấn đề bất thường theo bảng theo dõi, hướng dẫn chi tiết.
Theo CDC Đà Nẵng, ở đợt tiêm này, ngoài các trường hợp người già yếu, người bệnh không thể di chuyển, TP.Đà Nẵng còn triển khai tiêm vét mũi 1 vắc xin AstraZeneca cho người dân từ 18 tuổi trở lên đang cư trú trên địa bàn thành phố. Đồng thời, tiêm mũi 1 vắc xin Pfizer cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi và phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên, theo đề xuất của UBND các quận, huyện.
CDC các quận, huyện cũng triển khai tiêm mũi 2 vắc xin AstraZeneca, Pfizer và Vero Cell cho các trường hợp đang cư trú trên địa bàn đã đăng ký từ các kênh.
Bình luận (0)