Đội nữ đua thuyền lừng danh đất Quảng

25/08/2024 06:02 GMT+7

Chúng tôi về thôn Diêm Điền, xã Tam Tiến, H.Núi Thành (Quảng Nam) để tìm hiểu đội nữ đua thuyền có thành tích lừng lẫy của tỉnh Quảng Nam. Một phụ nữ là dân địa phương nói đặc sệt chất Quảng: 'Hỏi đội đua ghe nữ ni hả? Mấy cô nớ bơi kinh quá đi. Cứ tham gia giải là vô địch'. Rồi chị sốt sắng dẫn tôi tới nhà đội trưởng Lê Thị Tự Ái.

Mẹ thủ lĩnh, con "người đẹp thuyền đua"

Bà Lê Thị Tự Ái (48 tuổi) là tay bơi cự phách, cũng chính là thủ lĩnh của đội đua thuyền nữ. Còn cô con gái Lê Thị Hằng (30 tuổi) được mệnh danh "người đẹp thuyền đua". Nhà của họ nằm sát mép sông Trường Giang. Khi tôi tới nơi, căn nhà vắng tanh. Hỏi người dân xung quanh thì được biết thủ quân đội đua thuyền nữ vừa chở loa kẹo kéo cho người trong xã thuê. Trong khi đó, Hằng đi bán hải sản chưa về. Cả hai mẹ con bà Ái đều là phụ nữ đơn thân, phải tự bươn chải mưu sinh.

1.jpg

Lê Thị Hằng, biệt danh "người đẹp thuyền đua", vừa đi chợ bán cá về đã nở nụ cười ngay bến sông cô thường cùng đội tập bơi đua ở đây

QUANG VIÊN

2. [Hai mẹ con chị Ái nhận cúp vô địch trong một giải đua thuyền truyền thống của tỉnh Quảng Nam]_[NVCC].jpg

Hai mẹ con bà Ái nhận cúp vô địch trong một giải đua thuyền truyền thống của tỉnh Quảng Nam

NVCC

3.jpg

Đội đua thuyền nữ xã Tam Tiến, đại diện H.Núi Thành tham dự giải đua thuyền truyền thống tỉnh Quảng Nam và đoạt giải nhất

LÊ THỊ HẰNG CUNG CẤP

Chờ đến trưa thì Hằng về. Nhận ra vẻ đẹp "tự nhiên hương"của cô thôn nữ này, tôi chợt hiểu tại sao nhiều người ở đây dành biệt danh "người đẹp thuyền đua" cho Hằng. "Hai mươi mấy tuổi em đã biết bơi đua rồi. Em mê bơi đua hơn mê... chồng", nở nụ cười tươi như hoa, Hằng nói.

Tôi thắc mắc vì sao xinh đẹp như vậy mà 30 tuổi rồi vẫn đơn thân, cô hóm hỉnh thổ lộ: "Em có chồng rồi, nhưng vì mê bơi đua quá nên… bỏ chồng". Hằng còn kể, trên Facebook của mình, nhiều người vô comment hỏi chuyện chồng con, cô nói đùa rằng đã có 3 đời chồng rồi. Ông chồng nào không cho đua thuyền là bỏ. Nghe vậy, mọi người mới tá hỏa. Thật ra, cô mới một lần lên "thuyền hoa", còn thuyền đua thì kể từ năm 2018 đến nay, năm nào có giải đua thuyền cô cũng tham dự.

Trò chuyện với Hằng một lúc thì bà Ái tất tả kéo chiếc xe tự chế chất dàn âm thanh vừa đem cho người trong xã thuê cũng về tới. Thủ quân đội đua thuyền nữ cho biết, ông xã mất nên bà tự kiếm tiền trang trải cuộc sống bằng dàn âm thanh này. Hôm nay, bà Ái còn tranh thủ đi kêu "con bơi" (ở Quảng Nam những người đua thuyền được gọi là "con bơi") để chuẩn bị ra Đà Nẵng bơi thuê cho một đơn vị, trong giải đua thuyền do thành phố này sắp tổ chức.

"Dòng máu" đua thuyền và những người nghiện bơi

Đội đua thuyền nữ của xã Tam Tiến có khoảng 25 người, nhưng thôn Diêm Điền đã góp đến 15 con bơi. Trong đó, gia đình của "người đẹp thuyền đua" có 5 thành viên. Hằng cho biết dòng họ cô có truyền thống 3 đời đua thuyền. Ông nội cô từng là con bơi danh tiếng vùng này. Chú ruột là tay chèo lái của đội đua thuyền nam. Các cô của Hằng đều là những tay đua thuyền rất giỏi. Mẹ của Hằng lúc mới về làm dâu cũng bén duyên luôn với nghề đua thuyền. "Mười mấy năm trước mẹ đã tham gia đội đua ghe thôn ni rồi. Bà nhanh chóng trở thành con đua chính, rồi thủ quân luôn", cô con gái bà Ái chia sẻ.

4. [Tập dợt vất vả nhưng ai cũng cười tươi vì được đua thuyền là niềm vui của họ]_[LÊ HẰNG].jpg

Tập dợt vất vả nhưng ai cũng cười tươi vì được đua thuyền là niềm vui của họ

LÊ HẰNG

Hỏi vì sao ở xã này, nhất là thôn Diêm Điền có nhiều con bơi như thế, bà Ái chỉ ra dòng sông trước nhà cho biết, hầu hết phụ nữ ở đây quen với nghề sông nước từ nhỏ. "Đặc biệt là không chỉ có cánh đàn ông mà phụ nữ vùng này dường như ai cũng có máu đua thuyền rất mạnh", bà Ái nói. Đúng như lời bà Ái, khi tôi đến nhà bà Lê Thị Din, một trong những tay đua lớn tuổi. Bà Din cho biết năm nay đã 60 tuổi nhưng khi thủ quân Lê Thị Tự Ái "gọi lên tuyển" để tập dợt chuẩn bị bơi giải là bà bỏ hết công việc để tham gia. Ông Trần Cư, chồng bà Din, nói chân chất: "Kệ. Vợ còn ưng bơi thì để bơi thoải mái cho bả vui".

Ông Cư cho hay phụ nữ ở đây còn nhiều người ham đua thuyền lắm. Như chị Nguyễn Thị Đào mới sinh con được 6 tháng tuổi cũng tham gia bơi giải. Có cô đang mang bầu cũng xung phong bơi. Lúc chuẩn bị bơi, mọi người la dữ quá thì cô này mới chịu bỏ dầm lên bờ.

Có lẽ nếu không ham, không biết hy sinh vì cộng đồng, cũng như luôn khát khao khẳng định đẳng cấp của mình, thì chắc chắn những phụ nữ phải một nắng hai sương, vất vả mưu sinh mỗi ngày không thể nào duy trì được đội đua thuyền "danh bất hư truyền" này. Được biết, mỗi khi chuẩn bị vào giải, họ phải thu xếp việc nhà để ráp đội hình bơi dợm (bơi tập) cả tuần. "Mấy bữa đầu bơi dợm gân cốt giãn ra, nhức mỏi ghê lắm, nhưng ai cũng ráng rồi quen dần", người đẹp của làng đua Lê Thị Hằng kể.

Trong các cuộc tỷ thí chính thức trên đường đua, những con bơi nữ càng phải dốc hết sức lực để bơi; chuyện tay chân bầm tím, trẹo vai, sái cổ… cũng là chuyện thường. "Hy hữu vẫn có sự cố chìm thuyền, chị em bơi tán loạn, nhưng chẳng ai ngán hết. Còn vô địch thì ai cũng mừng ré. Có đứa khóc luôn", bà Din hào hứng.

Liên tục về nhất trong các giải đua thuyền truyền thống cấp huyện cho đến cấp tỉnh, nhưng hỏi ra thì được biết phần thưởng cho đội hạng nhất cũng chỉ "tượng trưng". Ông Huỳnh Minh Quang, nguyên Phó trưởng thôn Tú Phong (nay là Diêm Điền), tiết lộ: "Phần thưởng cho đội vô địch có đáng chi mô. Họ bỏ công sức tập luyện nhiều ngày, tới chừng vô địch thì chia mỗi người chừng hơn 1 triệu đồng. Các chị em bơi vì đam mê chớ tiền bạc đâu có kể vô". Đúng như thủ quân Lê Thị Tự Ái bày tỏ: "Bơi đua là ham vui, vì danh dự của xã, của huyện chứ không phải cái nghề kiếm cơm".

6.jpg

Hằng cùng mẹ và cô ruột Lê Thị Ry (bìa phải) đều là những con bơi cự phách của đội đua thuyền xã Tam Tiến, đại diện H.Núi Thành đi thi các giải tỉnh

LÊ HẰNG

5. [Bà Din 60 tuổi vẫn mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá và sẵn sàng _lên tuyển_ khi thủ quân Lê Thị Ái gọi đến]_[QUANG VIÊN].jpg

Bà Din 60 tuổi vẫn mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá và sẵn sàng lên tuyển khi thủ quân Lê Thị Ái gọi đến

QUANG VIÊN

Chúng tôi được biết nhiều phụ nữ trong đội đua phải dầm mưa dãi nắng làm đủ việc để kiếm sống. Bà Lê Thị Din đêm đêm cùng chồng đi đánh lồng dưới sông Trường Giang để có thể kiếm 100.000 đồng. Những tay bơi như các chị Trần Thị Thanh, Đặng Thị Lực, Phạm Thị Bé đều có hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt là gia cảnh "nghèo rớt mồng tơi" của chị Phạm Thị Bé, chèo lái chính thuyền đua. Theo ông Huỳnh Minh Quang, vợ chồng chị Bé không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập cả chồng lẫn vợ chưa tới 100.000 đồng/ngày, nhưng phải nuôi thêm 3 đứa con. "Cô ni mất cả hai hàng tiền đạo (ý nói gãy hàm răng trước). Cổ nói ráng bơi giải kiếm tiền trồng răng, mà giải vô địch phần thưởng tiền chia cho cổ cũng hơn triệu đồng chớ mấy. Vô địch mấy chục giải, chưa chắc đủ tiền trồng răng. Tội nghiệp quá", ông Quang chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.