Bô rác tạm phường Hiệp Thành (Q.12, TP.HCM) một buổi trưa nắng, xe chở rác liên tục ra vào, đất ở bô rác nhão nhoét sau cơn mưa trước đó, mùi rác hòa với mùi đất bùn bốc lên ngai ngái. Dưới những chiếc dù lớn, mái chòi được che tạm bợ để tránh mưa tránh nắng vẫn có nhiều người ngồi uống nước, ăn cơm, nghỉ trưa sau một buổi lựa rác.
Nên duyên vợ chồng nhờ… bãi rác
Tôi đến bô rác tạm vào buổi trưa để có thể gặp được những người lựa rác trong lúc họ đang nghỉ ngơi. Theo sự chỉ dẫn của quản lý bô rác tạm là bà Lê Thị Thu Nga (55 tuổi), tôi tìm đến một căn chòi nhỏ được được dựng sát mép vách bô rác. Căn chòi dựng tạm này của vợ chồng chị Đỗ Thị Phượng (49 tuổi) và anh Võ Văn An (44 tuổi).
Theo bà Nga, anh An và chị Phượng đã vào làm lựa rác ở Bô rác tạm phường Hiệp Thành được hai năm. “Nghe đâu trước khi vào đây là đã làm ở bô rác khác lâu rồi”, bà nói.
Căn chòi cao khoảng 1m5, được dựng tạm bợ bằng gỗ và tre, mái lợp bằng bạt. Căn chòi nhỏ được chia làm hai ngăn chỉ vừa đủ đặt hai chiếc ghế cho hai vợ chồng, thêm một thùng nước, võng và một số đồ dùng lặt vặt được đựng trong giỏ tre. Xung quanh là rác. Đây là nơi ăn trưa, nghỉ ngơi và trú mưa của vợ chồng chị Phượng.
|
|
|
|
|
|
Khác với tưởng tượng của tôi, chị Phượng cởi mở, hay cười và không ngại khi nói về nghề nghiệp của mình. Chị chỉ về phía người đàn ông đang móc rác ở phía đằng xa và giới thiệu đó là ông xã. Anh An ít nói hơn vợ, anh chỉ quay lại chòi khi thấm mệt để uống nước và nghỉ ngơi rồi quay trở lại bô rác lớn.
Cả hai người cùng làm nghề lựa rác, ban ngày anh chị ở Bô rác tạm phường Hiệp Thành tối đến mới về nhà cùng hai con nhỏ ở Phường Bình Hưng Hòa B (Q.Bình Tân, TP.HCM).
Anh chị nên duyên vợ chồng cũng nhờ bãi rác. Ngày đó chị làm nghề lựa rác ở một bô rác gần vòng xoay Phú Lâm (Q.6, TP.HCM) sau đó anh chuyển vào làm cùng chỗ. Hai người gặp nhau rồi đến với nhau. Chị Phượng và anh An có với nhau hai đứa con, con gái đầu 15 tuổi, con trai út 12 tuổi. Cả hai đều đi học và ở chung với bà nội trong khi hai anh chị đi làm.
“Mới đó mà cũng mười mấy năm rồi chứ có ít gì đâu”, chị Phượng bất giác nói khi nghĩ đến cuộc sống hôn nhân của mình. Từ ngày có gia đình, chị xoay quanh công việc lựa rác ở bô và nhà chăm con ở nhà mà không nghĩ rằng thời gian trôi nhanh đến thế.
Nuôi con cũng nhờ... bãi rác
Một ngày làm việc ở bô rác thường bắt đầu từ lúc 8 giờ sáng, chị Phượng sẽ tranh thủ chở con đến trường rồi đến bô. Khi có xe đến đổ rác, công việc của anh chị và những người lựa rác khác là phân loại rác trong nhà chứa rác lớn để xe mang rác đã phân loại đến nhà máy xử lý rác. Những thứ có thể bán được như vỏ chai nhựa, bìa giây, lon bia... thì nhặt lại gom ra để ở chòi rồi cân bán lấy tiền.
|
|
|
|
Khoảng 4 giờ chiều sau khi bô rác ngưng hoạt động, những người lựa rác sẽ quét dọn, gom rác rơi vãi từ xe chở. Nếu muốn kiếm thêm thu nhập thì có thể ở lại bô rác để lựa thêm rác gom ra chòi.
Vợ chồng chị Phượng có 2 đôi ủng khác màu. Tới lúc làm, chị Phượng đeo găng tay, lấy ủng "một chiếc ông, một chiếc bà" rồi phân loại rác đã gom ra để ở chòi để tiện cân ký.
“Người ta tạo công ăn việc làm cho mình rồi nên mình phải có trách nhiệm với công việc, mình quét dọn sạch sẽ. Công việc cũng không gò bó giờ giấc, mình muốn có tiền thì mình làm, mình không thích làm thì nghỉ. Mỗi ngày vợ chồng tôi lựa rác ra cân cũng được khoảng 200.000 đồng một người. Nhờ vậy mới có tiền gửi về cho bà nội chăm mấy đứa con”, chị chia sẻ.
|
|
|
|
Tôi phải cố gắng tươi cười với chị Phượng vì bản thân vẫn chưa quen với mùi bãi rác. Tôi hỏi chị sống ở bãi rác như vậy có thấy bất tiện không, ăn cơm ở bãi rác chị có thấy ngon miệng không. Chị chỉ cười buồn đáp rằng nghề của mình mà không chịu được thì sao mà sống. Với những người mới vào bãi rác, không quen là điều bình thường. Nhưng với những người đã mưu sinh ở bãi rác mười mấy năm như chị Phượng và anh thì mùi rác đã quá quen thuộc.
Buổi trưa hai anh chị mua cơm hộp vào chòi ngồi ăn tạm cho qua bữa tối về nhà mới ăn cơm gia đình. Cuộc sống cực khổ, chị Phượng không than thở mà vẫn giữ nụ cười rạng rỡ.
“Làm nghề nào cũng là cái nghề, không sợ hôi thối, chỉ cầu xin cho mình mạnh khỏe, mưu sinh kiếm đồng tiền nuôi hai đứa con. Để nó học được ngày nào hay ngày nấy. Nếu sau này nó học không nổi thì có thể đi làm kiếm tiền. Còn bây giờ nó còn đang đi học thì gắng lo cho nó đi học đến nơi đến chốn chứ không bỏ ngang được. Mình làm một người mẹ, một người cha mình phải có trách nhiệm với con mình”, chị bộc bạch.
Bình luận (0)