Đối sánh theo từng chỉ số như trên là tiếp cận mới trong quản lý chất lượng, mang lại giá trị nhất định, từng bước xây dựng văn hóa chất lượng. Tuy nhiên, việc đối sánh từng chỉ số còn mang tính phiến diện, chưa đánh giá đầy đủ về chất lượng giáo dục của địa phương này so với địa phương khác. Vì vậy, cần có giải pháp đối sánh tổng hợp nhiều chỉ số hơn mới khắc phục tình trạng trên.
Đối sánh trung bình điểm thi các môn vẫn còn bất cập
Một trong những mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục cấp THPT. Trong đó, mục tiêu cấp THPT của chương trình giáo dục 2006 là hoàn thiện học vấn phổ thông.
Học sinh (HS) hoàn thành chương trình THPT phải nắm vững kiến thức, kỹ năng của các môn học. Văn, toán, ngoại ngữ là những công cụ quan trọng, cần thiết đối với HS nên là 3 môn thi bắt buộc, còn 3 môn thi khác do Bộ GD-ĐT chọn hằng năm.
Từ năm 2017, ngoài 3 môn thi bắt buộc, HS được lựa chọn một trong 2 tổ hợp khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân) hoặc khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) để thi. Đây là phương thức phân hóa HS theo "định hướng nghề nghiệp" mà mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đặt ra: "Trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng".
Trung bình điểm thi 9 môn của một địa phương, trường học, là điểm bình quân của trung bình các môn thi văn, toán, ngoại ngữ, lý, hóa, sinh, sử, địa, giáo dục công dân của địa phương/trường học đó. Chỉ số này đánh giá mức độ phù hợp đầu ra HS so với mục tiêu "hoàn thiện học vấn phổ thông", chưa phù hợp với mục tiêu "định hướng nghề nghiệp".
Trong khi, hầu hết HS THPT hiện nay có xu hướng phân hóa theo nghề nghiệp ngay từ lớp 10, nên tập trung cho 3 môn toán, văn, ngoại ngữ và một số môn học liên quan đến tuyển sinh ĐH, các môn còn lại HS chỉ học để vượt qua điểm liệt. Điều này dẫn đến một số địa phương HS phân hóa nghề nghiệp mạnh xảy ra độ vênh giữa chất lượng thật với trung bình điểm thi. Ví dụ, Hà Nội, là địa phương dẫn đầu nhiều mặt giáo dục nhưng trung bình điểm thi 9 môn xếp thứ 25/63, hay Đà Nẵng có trung bình điểm thi 9 môn xếp thứ 42/63. Với vị thứ này không phản ánh đúng chất lượng của hai địa phương nói trên.
Đối sánh tổng điểm 3 môn toán, văn, ngoại ngữ áp lực cho vùng khó
Toán, văn, ngoại ngữ là 3 môn thi bắt buộc với tất cả HS nên việc đối sánh tổng điểm của các môn này sẽ so sánh, đánh giá khá đầy đủ về mặt bằng chung chất lượng giáo dục cốt lõi của các địa phương.
Toán, văn và ngoại ngữ tham gia vào nhiều tổ hợp tuyển sinh đại học (ĐH) nên những địa phương có thứ hạng cao theo tổng điểm 3 môn này sẽ không chỉ lợi thế trong xét tuyển ĐH mà chứng tỏ đảm bảo "giai đoạn sau phổ thông có chất lượng".
Tuy nhiên, coi trọng chỉ số tổng điểm 3 môn trên sẽ gây áp lực cho các địa phương miền núi, vùng khó khăn, nhiều HS dân tộc, do dạy và học toán, ngoại ngữ còn nhiều hạn chế. Nếu nhà trường quá tập trung vào 3 môn học này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học những môn khoa học tự nhiên – kỹ thuật và khoa học xã hội – nhân văn.
Đối sánh tỷ lệ trúng tuyển ĐH – nhập học vẫn chưa phản ánh đúng chất lượng
Tỷ lệ HS trúng tuyển ĐH – nhập học so với số HS tốt nghiệp THPT năm 2022, là một chỉ số mới được Bộ GD-ĐT công bố. Chỉ số này vừa thể hiện chất lượng giáo dục, vừa phản ánh điều kiện kinh tế - xã hội và cả tinh thần hiếu học của HS.
Đa số địa phương có kinh tế - xã hội phát triển, chất lượng giáo dục tốt có tỷ lệ trúng ĐH – nhập học cao, nhưng cũng có địa phương chất lượng giáo dục không cao lại có tỷ lệ trúng tuyển ĐH cao, một phần nhờ vào tinh thần "học để thoát nghèo". Chẳng hạn, Thừa Thiên-Huế có thứ hạng trúng tuyển ĐH xếp thứ 2, Khánh Hòa xếp thứ 4, nhưng không thể nói rằng, hai địa phương này có chất lượng giáo dục cao hơn TP.HCM (xếp thứ 5) và Hải Phòng (7).
Như vậy, đối sánh chỉ số tỷ lệ trúng tuyển ĐH – nhập học vẫn chưa phản ánh đúng chất lượng giáo dục. Một số địa phương có tổng điểm 3 môn toán, văn, ngoại ngữ và trung bình điểm thi các môn thấp nhưng tỷ lệ đỗ ĐH cao là nhờ xét điểm học bạ.
Vì vậy, để có đánh giá một cách toàn diện về chất lượng giáo dục THPT, cần có sự đối sánh sáng tạo theo chỉ số mới là: Tổng thứ hạng của cả 3 chỉ số trên. Với cách đối sánh này, cả nước chia làm 3 nhóm: nhóm 20 địa phương top đầu, 23 địa phương top giữa và 20 địa phương top cuối về chất lượng giáo dục THPT.
Giải pháp đối sánh để xây dựng văn hóa chất lượng
Phương pháp đối sánh "tổng thứ hạng ba chỉ số" như trên chưa phải là đối sánh chính thức do Bộ GD-ĐT đưa ra. Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy những địa phương có thứ hạng "tổng thứ hạng ba chỉ số" cao là những địa phương có chất lượng giáo dục tốt.
Bình Dương là địa phương tốt nhất về chất lượng giáo dục THPT, bởi địa phương này không chỉ có điểm thi các môn cao, mà chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi cũng thấp nhất cả nước. Các địa phương trong top 10 là các thành phố trực thuộc trung ương (Hải Phòng, TP.HCM, Hà Nội) và địa phương có truyền thống giáo dục như Nam Định, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Tiền Giang.
10 địa phương top cuối có 6 địa phương thuộc vùng núi phía Bắc, 2 địa phương Tây nguyên và 2 địa phương đồng bằng sông Cửu Long, là những địa phương khó khăn về kinh tế, có kết quả thi tốt nghiệp THPT thấp trong nhiều năm.
Đối sánh là một quy trình mang tính tích cực, cung cấp các đo lường khách quan nhằm đưa ra các giá trị mang tính sáng tạo, đặt ra mục đích và phương hướng cải tiến dẫn đến đổi mới trong giáo dục. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần tiếp tục thực hiện đối sánh và công bố thêm nhiều chỉ số có ý nghĩa khác, như tỷ lệ trúng tuyển ĐH theo phương thức xét tuyển của các địa phương.
Dựa vào kết quả đối sánh về tổng 3 thứ hạng này, các địa phương cần xem xét, đối chiếu, chẩn đoán nguyên nhân vì sao địa phương mình lại có thứ hạng cao hoặc thấp, từ đó có giải pháp cải tiến, từng bước xây dựng văn hóa chất lượng.
Nhà nước có chính sách đầu tư cho chất lượng giáo dục vùng khó, đồng thời đầu tư, mở rộng quy mô và chất lượng đào tạo ĐH, cao đẳng, để nâng cao tỷ lệ nhập học ĐH, CĐ của HS Việt Nam, vì năm 2019 tỷ lệ này của Việt Nam là 28,6%, thuộc nhóm thấp trong khối ASEAN, và chỉ bằng một nửa so với bình quân 55,1% của các quốc gia có thu nhập trung bình cao.
Bình luận (0)