Những ngày miền Trung lũ lụt, khắp nơi người dân kêu gọi ủng hộ để bà con vượt qua lúc khó khăn này. Trên mạng xã hội nổi lên chuyện nấu bánh chưng, bánh tét, bánh tày và tiếp tế ngay ra những nơi còn mênh mông nước lũ.
|
Theo đó, trên một nhóm với hơn 350.000 thành viên, anh Q.C viết: "Em khuyên các đoàn từ thiện khôngnên làm bánh chưng ạ. Vì bây giờ bánh gói xong chưa có xe vào ngay phải chờ 1 ngày xe mới có. Thời gian xếp hàng cũng mất 1 ngày. Nếu từ bắc hoặc các vùng núi phía bắc vào đến Quảng Trị hoặc Huế cũng phải gần 2 ngày mới đến. Vào đến nơi liệu đã đến tay bà con luôn chưa hay vẫn phải thời gian xuống hàng! Với cả chờ cano hoặc bộ đội trong đó nhận hàng đi phát. Tôi hỏi các bạn là bánh chưng hạn sử dụng sẽ là bao lâu, chưa tính hàng chất trong xe, bánh nóng thì thời gian sử dụng càng ngắn lại".
Do đó, anh Q.C cho rằng gói bánh chưng gửi đến bà con miền Trung là không khả thi vì con đường đến miền Trung hiện vẫn còn một số nơi bị kẹt xe hoặc ngập lụt.
Trả lời Thanh Niên, anh Q.C cho biết, anh là tài xế chở bánh chưng từ Hà Nội, sau 1 ngày 1 đêm vào đến Huế thì bánh đã hư. Giải thích nguyên nhân bánh hư, anh Q.C nói do bánh luộc xong chưa có thời gian để cho bánh khô mà xếp lên xe để vận chuyển nên bánh bị hấp hơi dẫn đến bánh chua, không ăn được nữa.
|
PV cũng trao đổi với một người trong nhóm gói bánh chưng gửi đi miền Trung và được chia sẻ, sau chuyến đầu mọi người không có nhiều kinh nghiệm nên mới xảy ra sự cố như vậy. Sau lần này, nhóm đã rút kinh nghiệm, đóng bánh trong sọt nhựa có lỗ thoáng.
Người này cũng đưa ra lời khuyên, các đoàn thiện nguyện làm bánh gửi đi miền Trung không nên đóng vào thùng giấy vì cả thùng giấy và trong thùng xe tải nhiệt độ cao, bánh dễ bị hư. Thay vào đó nên hút chân không trước khi đóng gói và để trong sọt thoáng để tránh hư hỏng.
Dưới bài viết này, nhiều người dùng mạng xã hội tỏ ra tiếc nuối vì số bánh hỏng trên. Đồng thời, một số tài khoản cũng nhắc tên bạn bè để lưu ý khi làm bánh gửi cứu trợ miền Trung.
Tài khoản Nguyễn Văn Bính viết: "Mong mọi người lưu ý khi cứu trợ bằng bánh chưng, thay vào đó có thể tiếp tế lương khô, nước lọc, bánh mì...".Nickname Thùy Linh Đặng thì nêu ý kiến: "Em cũng nghĩ nên mua lương khô, hoặc có thể cơm cháy chà bông, sữa, thịt hộp... thì có lẽ sẽ an toàn hơn chứ nếu để bị hỏng bánh thì tiếc quá".
Bảo quản bánh thế nào?
Cũng ngay dưới bài viết này, nhiều người đã chia sẻ kinh nghiệm nấu, bảo quản bánh chưng được lâu ngày. Chị B.T.H nhận xét, những ngày này nhiều nơi gói bánh số lượng lớn, tốn nhiều thời gian và công sức nhưng khi chưa đến tay người dân mà bánh bị hư là điều rất đáng tiếc. Thay vào đó, chúng ta có thể hỗ trợ người miền Trung bằng các đồ dùng cần thiết khác như: đèn pin, bình sạc dự phòng, quần áo, sách vở, chăn, màn, chiếu, gối, nước uống, sữa...
|
Còn nếu vẫn có ý định nấu bánh thì chị H. gợi ý một số nguyên tắc cần phải lưu ý như sau: "Bánh sau khi nấu xong phải ép nước thật kỹ; Dùng khăn lau thật sạch nhựa chảy ra quanh chiếc bánh sau khi ép xong; Nếu bánh được hút chân không thì phải để bánh thật nguội lạnh; Bánh hút chân không sẽ để được lâu và sạch sẽ; Bánh phải để nguội mới đóng sọt nhựa gửi đi nếu không sẽ bị biến dạng trong quá trình vận chuyển; Phải dùng sọt nhựa thoáng khí, không được đóng vào thùng kín sẽ làm bánh bí hơi dẫn đến bị thiu".
Facebooker Đoàn Đệ Thác Bờ thì lưu ý: "Gói bánh chưng, bánh tét tiếp tế bà con là khả thi nhưng cần lưu ý hút chân không, hoặc phải gửi đi bằng thùng xe lạnh mới bảo đảm được".
|
Chị Lê Thị Thu Huyền (34 tuổi) - đại diện nhóm ở Đắk Nông từng gói bánh tày gửi đi Quảng Trị chia sẻ, để bánh không bị hư trong quá trình vận chuyển, nhóm của chị chỉ gói bánh bằng nhân đậu phộng luộc trộn nếp, nấu bánh thật chín xong vớt ra để thật nguội rồi gửi đi liền.
"Theo kinh nghiệm làm bánh của tôi, nếu làm nhân thịt đậu xanh mà để trong thùng xe nhiệt độ cao thì bánh sẽ rất nhanh hư nên tôi chỉ làm bánh đơn giản để gửi ra miền Trung, nhưng ăn no bụng và hợp khẩu vị trong thời điểm này", chị Huyền nói.
Bình luận (0)