Trong khuôn viên rộng khoảng 5 m2, bốn bề được xây gạch lên cao khoảng 1,2 m, phía trên được lợp tấm thiếc che mưa nắng, bà Hà Kim Nhiên (50 tuổi, ngụ ấp Ông Tự, xã Lợi An, H.Trần Văn Thời, Cà Mau) đang say sưa gói... “bánh ú”, không đoái hoài gì đến những người khách lạ vừa đến. Bà lấy cơm thừa sau những bữa ăn làm “nhân”, nhặt lá cây rụng xung quanh để gói thành những cái bánh ú như kiểu con nít chơi nhà chòi. Bà đã ở trong “căn nhà” này suốt 31 năm qua, với một chân bị xích, chai sần.
Căn nhà nơi bà Nhiên bị xích suốt 31 năm qua - Ảnh: Gia Bách
|
Theo lời của những người trong gia đình thì bà Nhiên bị bệnh tâm thần, hay phá phách, xé đồ nên không thể giăng mùng cho bà ngủ; việc ăn uống, tắm rửa cũng rất thất thường. Khi xây “căn nhà” trên cho bà, người nhà đã chừa lại khoảng trống nhỏ để bà “vệ sinh” trực tiếp xuống kênh. Bà Trần Thị Út (mẹ kế bà Nhiên) cho biết bà Nhiên là người con thứ tư trong gia đình có 6 anh chị em, mẹ mất sớm. Bà Nhiên học đến hết lớp 9 thì nghỉ, đến năm 19 tuổi thì phát bệnh. “Ban đầu gia đình cũng có đưa đi trị bệnh nhưng không khỏi, phải chở về. Do Nhiên thường quậy phá, la hét nên gia đình mới xây tường, xích chân đến bây giờ”, bà Út kể. Ông Hà Thiện Kịch, chú ruột của bà Nhiên, nói: “Anh tôi bây giờ bị tai biến, đi đứng rất khó khăn. Chị Út cũng lớn tuổi, làm đâu có ra tiền. Còn mấy anh chị em của Nhiên ai cũng có gia đình riêng, lại không dư dả gì nên đành phải nhốt nó lại như vậy. Bà con hàng xóm lâu lâu có gì ngon thì đem qua cho nó ăn. Thiệt thấy thương đứt ruột”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Thanh Hùng (Khoa Phòng chống các bệnh xã hội, Trung tâm y tế dự phòng H.Trần Văn Thời) tỏ ra bất ngờ vì trong hồ sơ quản lý những người bệnh tâm thần của huyện không có tên bà Nhiên. “Thật hết sức bất ngờ khi trên địa bàn có người bị bệnh tâm thần hơn 30 năm mà chúng tôi lại không hay biết”, ông Hùng nói. Ông Hùng cho biết sẽ liên hệ địa phương và gia đình bà Nhiên để nhanh chóng làm thủ tục đưa bà Nhiên đi chữa trị. Bởi người bệnh tâm thần nếu không được chữa trị thì bệnh sẽ ngày càng nặng hơn, gây nguy hiểm cho gia đình và xã hội.
Trong khi đó, ông Võ Dễ, Phó chủ tịch UBND xã Lợi An, nhìn nhận: “Trường hợp chị Hà Kim Nhiên chúng tôi đã biết từ lâu. Hằng tháng, UBND xã đều có trợ cấp 420.000 đồng và phối hợp với y tế phát thuốc đều đặn. UBND xã cũng đang phối hợp với Phòng LÐ-TB-XH huyện lập hồ sơ để đưa chị Nhiên vào Trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần chữa trị”.
Bình luận (0)