Từ sáng sớm 22.8, tại Quảng trường 29.3 (đường 2.9, TP.Đà Nẵng), 29 chiếc xe khách cỡ lớn đã tập trung dọc các tuyến đường để chờ đón những lao động, học sinh, sinh viên người Quảng Ngãi trở về quê.
Sau gần 1 tháng kẹt lại vùng dịch Đà Nẵng, dù gặp nhiều khó khăn nhưng khi được trở về quê, gặp lại gia đình, người dân ai cũng phấn chấn.
Mang thực phẩm còn lại đi cách ly…
Ngày 31.7 trở thành ngày đáng nhớ của rất nhiều công dân Quảng Ngãi khi Đà Nẵng chính thức thiết lập chốt chặn ở các cửa ngõ TP kiểm soát dịch Covid-19, khiến họ bị kẹt lại giữa bộn bề lo toan.
Đứng đợi làm thủ tục để được lên chuyến xe về quê, sinh viên Nguyễn Quốc Thịnh (Trường Đại học Công nghệ thông tin Việt Hàn) kể, khi Đà Nẵng “phong tỏa”, ngăn không cho người từ TP ra ngoài, em kẹt lại với rất nhiều nỗi lo.
|
“Tiền ăn thì vơi dần trong khi dịch bệnh thì chưa biết khi nào kết thúc. Nhất là khi Đà Nẵng xong đợt một cách ly xã hội và bước sang đợt cách ly thứ hai, em lo lắng không biết sẽ bám trụ thế nào, chỉ mong được về quê để gần gia đình thôi…”, Thịnh nói.
Cũng như Thịnh, nhiều sinh viên khác từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng trọ học không có người thân lo nhất là dịch bệnh còn kéo dài, không thể làm thêm để kiếm tiền trang trải tiền trọ, tiền ăn.
Sinh viên Hồng Quang Thành cho biết khi cách ly xã hội, địa phương nơi em trọ học đã hỗ trợ thêm thực phẩm như: gạo, mì tôm… nên vơi bớt phần nào gánh nặng tiền ăn. Nhưng dịch bệnh kéo dài, gia đình ở quê cũng khó khăn mà lại gửi tiền ăn cho mình nên Thành chỉ muốn về nhà để cha mẹ vơi bớt gánh nặng tài chính.
|
Sáng 22.8, trên những chuyến xe về nhà Quảng Ngãi, có lẽ những lao động nghèo xa quê là những người mừng nhất. Hình ảnh ông Trần Tân (trú H.Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) cầm túi đồ với ít gói cà phê, vài bì dầu gội… lóng ngóng với tờ khai y tế khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng.
Ông Tân ra Đà Nẵng làm nghề sửa điện, nước được khoảng 1 tháng thì Đà Nẵng thực hiện cách ly xã hội. Ông cũng phải nghỉ việc theo. Tiền công kiếm được ông đã gửi về quê phần lớn để nuôi gia đình. Số ít còn lại ông giắt lưng để gắng cầm cự qua dịch bệnh.
|
“Từ khi cách ly xã hội, không ai thuê mướn tôi làm công nữa nên cũng chẳng có thêm tiền mà phòng thân. Số tiền dành dụm được, tôi mua ít gạo, mắm, mì tôm… Rồi hằng ngày quanh quẩn nơi phòng trọ mà lòng cứ như lửa đốt vì dịch bệnh không biết khi nào mới qua...”, ông Tân kể.
Lắc lắc gói đồ trên tay, ông Tân thật thà: “Số cà phê với dầu gội này là phần còn lại mà tôi dự trữ để dùng trong thời gian cách ly. Giờ mang về Quảng Ngãi để đi cách ly tiếp”.
Hẹn Đà Nẵng khi hết dịch
Ông Tân chia sẻ, khi thực phẩm vơi dần, Đà Nẵng lại bước vào đợt cách ly thứ 2. “Lúc này tôi chỉ muốn về quê. Dù có cách ly 14 ngày nữa mới được bước chân về đến nhà, nhưng như vậy cũng yên tâm hơn khi ở giữa TP mà không có công ăn việc làm”, ông Tân nói.
Bởi vậy, khi hay tin chính quyền Đà Nẵng lên phương án cho người ngoại tỉnh về quê, ông Tân mừng khấp khởi. Hằng ngày, ông cứ hỏi han rồi nhờ người lên mạng đăng ký để sớm về nhà…
|
“Khỏi phải nói là mừng thế nào. Dù phải cách 14 ngày nữa nhưng cũng hơn phải ở lại Đà Nẵng mà không có việc làm, người nhà lại trông ngóng. Hẹn Đà Nẵng khi hết dịch, tôi lại trở lại để mưu sinh…”, ông Tân nói.
Nữ sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng - Hà Thị Thu chia sẻ, ban đầu em không có ý định về quê với hy vọng dịch Covid-19 sẽ sớm qua. Nhưng thời gian kéo dài đã gần 1 tháng nên khi biết thông tin Đà Nẵng tạo điều kiện cho người Quảng Ngãi về quê, Thu liền tìm hiểu đăng ký.
“Em về quê dù cách ly thêm 14 ngày nữa nhưng đã có gia đình lo. Chỉ mong Đà Nẵng sớm trở lại yên bình để em sớm quay lại học tập. Em cũng nhắn gửi với các bạn người Đà Nẵng là bảo trọng. Sau dịch gặp lại nhau…”, Thu xúc động.
|
Với tâm thế mong ngóng để trở về quê, từ sáng sớm 22.8, hàng trăm công dân Quảng Ngãi, đa số là sinh viên tại Đà Nẵng đã đổ về Quảng trường 29.3 để viết tờ khai y tế phòng chống Covid-19.
Mỗi người lên xe đều nhận được một tờ khai và phải điền đầy đủ thông tin, sau đó nộp lại cho nhân viên y tế của Quảng Ngãi kiểm soát ở mỗi cửa xe.
Làm công tác kiểm soát y tế tại một xe khách, Nguyễn Thị Thu Hoàng (sinh viên tình nguyện Trường Cao đẳng Y tế Trường Đặng Thùy Trâm, Quảng Ngãi) liên tục hướng dẫn các bạn sinh viên điền đầy đủ thông tin và dùng máy đo thân nhiệt cho mỗi người.
|
“Sau khi đo nhiệt độ của người dân, phát hiện trường hợp nào sốt, ho sẽ cho qua một xe khác. Còn nếu không sốt mọi người sẽ được đưa lên xe với số lượng không quá 20 người”, Hoàng nói và cho hay: “Mỗi người lên xe đều phải thực hiện nghiêm túc việc kê khai đầy đủ các thông tin về tên, nghề nghiệp, địa chỉ, số điện thoại, tiền sử bệnh tiếp xúc, bệnh tật…”.
Trung tá Nguyễn Ngọc Thạnh (Phó trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Quảng Ngãi) phụ trách đưa đón người dân Quảng Ngãi cho biết, việc đón công dân Quảng Ngãi từ vùng dịch về quê đã được địa phương chuẩn bị từ lâu và đã đăng tải để người dân tiếp cận thông tin qua số điện thoại đường dây nóng. Theo trung tá Thạnh, trong ngày hôm nay (22.8), tỉnh sẽ đón 728 người.
|
“Với quan điểm nhanh, gọn, phục vụ ân cần người dân để người dân được về quê một cách trọn vẹn nhất, chúng tôi bố trí 29 đầu xe ô tô. Mỗi chiếc đảm bảo theo quy định giãn cách với khoảng 25 – 30 người. 29 chiếc xe sẽ vận chuyển hết người dân đăng ký, kể cả số lượng phát sinh cũng sẽ vẫn được đưa về hết trong ngày hôm nay”, trung tá Thạnh nói.
Về công tác cách ly người dân khi dân khi được đưa về Quảng Ngãi, trung tá Thạnh cho biết thêm, tỉnh có 5 khu cách ly với sức chứa khoảng gần 1.000 người.
|
“Theo đó, đội ngũ phục vụ trong khu cách ly cũng đã sẵn sàng. Khi số người rời Đà Nẵng về đến thì sẽ bố trí đến tất cả các khu cách ly. Đội ngũ nhân viên y tế tỉnh Quảng Ngãi sẽ khám lâm sàng, sàng lọc để thực hiện cách ly theo quy định và lấy mẫu xét nghiệm”, trung tá Thạnh thông tin thêm.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Bình luận (0)