Hiếm hoi gặp được cùng lúc 2 nữ phi công: cơ trưởng Nguyễn Phương Anh và phi công 9X Nguyễn Mai Tuyết Dung trên cùng một chuyến bay ngay trước ngày quốc tế phụ nữ 8/3, hành khách không khỏi bất ngờ bởi ngoại hình nhỏ nhắn và xinh đẹp của họ.
Cá tính và mạnh mẽ, Nguyễn Phương Anh - nữ cơ trưởng của Vietjet cho biết chị đã vượt qua nhiều nhiều thử thách để trở thành một trong những nữ nhân “quyền lực” ngồi trên khoang lái chinh phục bầu trời. Được biết, Phương Anh từng làm tiếp viên hàng không trong 7 năm. Những năm tháng theo đuổi giấc mơ bay, được đi nhiều nơi trên thế giới, nhìn hình ảnh các đồng nghiệp phi công đẹp trai, quyền uy trong bộ đồng phục bay đã dấy lên niềm mơ ước trong chị.
“Ngay từ đầu khi tôi bắt đầu quyết định đi học phi công, ai cũng nhìn tôi với ánh mắt hoài nghi. Một đứa con gái nhỏ nhắn như tôi làm sao làm nổi?”, Phương Anh chia sẻ.
“Chính bản thân tôi, tôi cũng không dám chắc mình sẽ làm được. Nhưng rồi thời gian và sự nỗ lực không ngừng, mồ hôi và nước mắt, tôi đã chứng minh với bản thân mình, với gia đình và bạn bè thấy rằng quyết định của mình là đúng. Giờ đây, khi được gọi là cơ trưởng, tôi thấy đó là cách trả lời ngọt ngào, đầy hãnh diện nhất cho những gì mình đã cố gắng phấn đấu trong cả một quá trình”.
|
“Năm 2013 mình tốt nghiệp đại học Sư phạm TP.HCM, khoa Sư phạm Anh. Sau đó, mình được nhận vào làm tại một trường đào tạo phi công ở TP.HCM với định hướng ban đầu là dạy tiếng Anh cho các bạn học viên phi công mới. Tại đây, 6 tháng đào tạo lý thuyết bay vận tải đã thay đổi cuộc đời mình. Chỉ sau khi học môn “Principles of flight”, mình đã ngay lập tức có hứng thú với nghề và mau chóng lập kế hoạch theo đuổi nó”, Tuyết Dung cho biết.
Nói về áp lực công việc, cả hai nữ phi công đều cho rằng muốn thành công thì đòi hỏi phải có nhiều quyết tâm. Với nghề phi công thì nam giới hay nữ giới đều là một công việc đầy trách nhiệm và thử thách. Là một nữ phi công, nó càng khó khăn bội phần trước áp lực của công việc chinh phục buồng lái. “Tôi đã phải tự rèn luyện và phấn đấu không ngừng để nâng cao tay nghề và chứng minh bản thân trước các đồng nghiệp nam”, Phương Anh nhớ lại.
Được cho “làm công việc của đàn ông”, đòi hỏi sự quyết đoán và mạnh mẽ, thế nhưng Phương Anh và Tuyết Dung đều tự nhận mình là người nữ tính và luôn muốn được chăm sóc, chia sẻ và yêu thương.
Phương Dung cho biết chị đã có ý trung nhân và sớm tiến tới hôn nhân. “Mình được dạy rằng “hôn nhân phải bắt đầu từ tình yêu”. Hôn nhân không phải bắt đầu từ sự hy sinh của người đàn ông, hay từ sự chịu đựng của người phụ nữ, hay là từ nghề nghiệp của bất kì ai.... Nếu trong hôn nhân mà chỉ có một người cố gắng, còn người còn lại buông xuôi, thì dù mình có làm nghề phi công hay bất kì nghề nào đi nữa, đời sống gia đình cũng không bền vững.
“Phụ nữ hiện đại là người vừa có thể có vị trí cao trong xã hội, vừa biết dành thời gian chia sẻ việc gia đình. Người đàn ông hiện đại cũng là người có sự nghiệp theo ý của anh ấy, và đồng thời là người biết chia sẻ với người phụ nữ của mình. Nếu biết cân bằng cuộc sống gia đình và ngoài xã hội, thì mình sẽ tìm được một người đàn ông hiện đại phù hợp để xây dựng một gia đình hạnh phúc”, chị bộc bạch.
|
“Là phụ nữ, tôi lại càng phải sắp xếp chi tiết, chu đáo thời gian biểu của mình, để vừa có thể hoàn thành tốt nhất công việc, vừa chăm sóc cho gia đình. Tôi nấu ăn cũng khá . Những khi có thời gian hiếm hoi rảnh rỗi, tôi cũng sắp xếp nấu nướng, tổ chức những buổi tiệc nhỏ cho gia đình mình. Khi vợ chồng cùng đi bay thì nhờ ông bà chăm sóc bé”.
Hai nữ phi công cho biết trong mỗi dịp lễ tết, đối với người phụ nữ, gia đình là nơi họ gắn kết. Nhưng đối với những người làm trong ngành Hàng không thì thời gian đó lại là những chuyến bay không ngừng nghỉ, mang đến niềm vui, đưa hành khách về đoàn tụ với gia đình họ.
Bình luận (0)