Từ vùng núi Tây Bắc đến miền rẻo cao của miền Trung, măng đắng đã trở thành món ăn quen thuộc mà thiên nhiên ban tặng. Nói vậy là bởi măng đắng hoàn toàn tự nhiên, mọc nhiều trong rừng, được người dân tự chặt để chế biến thành nhiều món ngon.
Đúng nghĩa của tên gọi, măng đắng luôn có vị đắng dù chồi măng chỉ nhỏ bằng ngón tay cái. Tôi vẫn đùa với cô bạn tôi rằng quả là măng đắng “nhỏ nhưng có võ”, thế nên vạn người mê.
tin liên quan
Đến Nghệ An nhất định phải thử món canh ngọn lụi miền núiNếu có dịp dừng chân ở miền tây xứ Nghệ, bạn sẽ được thưởng thức món canh “húa sán”, hay còn gọi là canh ngọn lụi với hương vị đặc trưng của miền sơn cước.
Sáng, măng đắng theo lưng anh chồng từ rừng về nhà, ở đó, cô vợ đang chờ để dùng lạt tre buộc thành từng bó gọn gàng. Chiều, cô vợ cõng cả gùi măng, cõng luôn cả nắng xuống chợ để thực khách kịp bữa tối. Nhất là sau mỗi trận mưa, măng đắng mọc lên rất nhiều, lại non nên gùi măng bao giờ cũng nặng trĩu.
Người ta chọn măng đắng để chế biến thành nhiều món. Khâu sơ chế khá dễ dàng, chỉ cần một con dao nghiêng cắt một đường ngoài vỏ, rồi dùng mũi dao lách hết phần vỏ để lộ phần măng non, trắng bóc.
Muốn chế biến măng thành nhiều món thì ít nhiều cũng phải luộc sơ một lượt. Thường thì món măng đơn giản nhất là luộc chấm mắm tôm. Khi luộc, dùng thêm trái cà rừng để bớt đắng. Cầu kỳ hơn sẽ làm món trộn, nấu canh hầm xương hay nấu món “nậm-nhoọc” đặc trưng của người Thái.
Riêng tôi, từng thưởng thức nhiều món từ măng đắng song thích nhất là cách chế biến món trộn cùng một số rau khác như đọt rau lang, đọt bí, lá tàu bay... Tất cả được luộc sơ rồi đem đảo đều cùng măng đắng đã luộc và thái mỏng. Các loại gia vị được cho vào đĩa rau nhưng không thể thiếu hạt “mặc khẻn” (tiêu rừng). Thêm một ít đậu phộng rang rồi trộn đều, vậy là có ngay đĩa rau trộn của núi rừng độc đáo.
Măng đắng trộn rau vẫn giữ nguyên vị đắng đặc trưng nhưng thơm và ngọt hơn nhờ những loài rau khác. Lại thêm chút bùi bùi của đậu phộng, mùi thơm của hạt tiêu rừng khiến món này luôn “cháy hàng” trước trên mâm cơm.
Mùa măng đắng tháng tư bao giờ cũng vui, vui từ con đường xuống chợ với câu chuyện bẻ măng, vui đến mâm cơm gia đình với lời khen chị gái hôm nay khéo tay. Trên chuyến xe về xuôi, măng đắng cùng hòa theo tiếng nói chuyện rôm rả của du khách như mang hương rừng đến với mọi miền quê.
|
|
|
Bình luận (0)