Án chung thân cho kẻ nát rượu đâm chết người vì bị nói 'một ông hai bà'

01/04/2019 10:35 GMT+7

Ba mẹ mất khi chưa kịp nhớ mặt, cái nghèo đeo đẳng, bị vợ chì chiết, Phong lao vào men rượu. Tất cả 'tràn ly' bằng lời dè bĩu 'một ông hai bà' của bàn nhậu kế bên, Phong giết người, gây khốn đốn cho 2 gia đình...

Nhát dao giữa đêm

Sự vụ xảy ra vào một ngày giữa tháng 5.2018, khi Phong (SN 1964) cùng vợ là bà Linh và một người bạn là bà Thảo ngồi uống rượu trước cửa nhà. Cuộc nhậu kéo dài từ 20 giờ đến tận 22 giờ 30, bà Thảo lúc này thấy mệt nên đi về trước. Còn lại vợ chồng Phong tiếp tục chè chén.
Bấy giờ, ở cạnh bên, 3 thanh niên Trung, Phương và Dương cũng đang ngồi uống bia trước một cửa hàng gas. Cho đến tận 1 giờ sáng hôm sau, sau khi đã uống tổng cộng 3 chai rượu gần 1,5 lít, Phong và bà Linh mới chịu dọn dẹp rồi vào phòng ngủ. Còn bàn nhậu của 3 thanh niên kia vẫn tiếp tục cuộc vui.
Thế nhưng chỉ nằm nghỉ được khoảng 15 phút, bà Linh bỗng thấy Phong ngồi dậy, đi tìm chìa khóa để mở cửa nhà. Bà Linh ngạc nhiên hỏi thì không thấy Phong trả lời. Trời đã khuya, sợ có chuyện không hay, bà Linh ngăn cản chồng nhưng không được.
Trước khi ra khỏi nhà, Phong cầm theo một sợi dây xích có ổ khóa thường dùng để khóa xe, đồng thời lấy thêm một con dao nhỏ ở trên bàn giấu vào trong người. Sau đó, Phong tiến đến bàn của Trung, Phương, Dương. Phong bất ngờ dùng dây xích đánh vào người của Trung, nhưng Trung nhanh chóng tránh được và bỏ chạy vào con hẻm gần đó.
Không dừng tay, Phong tiếp tục đuổi theo Trung. Phương thấy bạn nhậu bị đánh, liền đứng dậy cầm một chai bia chạy đến ngăn cản. Trong lúc Phương lao tới, Phong rút sẵn dao và đâm một nhát chí mạng vào ngực trái của “đối thủ” dẫn đến nạn nhân tử vong. Phong bỏ chạy về nhà, lấy xe ra công an phường đầu thú.
Rượu bia nhiều lần trở thành "ngòi nổ" của những vụ án thương tâm ẢNH MINH HỌA: HẠ HUY

'Cuộc đời bị cáo đã là một sự dồn nén'

Bản cáo trạng khiến những người tham dự phiên tòa rùng mình. Những nỗi đau được khơi lại trước công lý khiến bà Hằng (vợ bị hại) và Thùy (con bị hại) cúi đầu, đưa tay lau nước mắt. Họ ngồi ngay sau Phong, không một lần ngước mặt nhìn kẻ đâm chết người thân của mình.
Trong phiên xử của Tòa án nhân dân TP.HCM vào ngày 29.3, Phong bần thần, nói năng vấp váp. Có lẽ bởi bị cáo biết mức án rất cao đang chực chờ phía trước. Xét hỏi về quan hệ giữa những người của hai bàn nhậu, kết quả cho thấy Phong và 3 thanh niên kia chỉ biết mặt nhau vì ở gần nhà, chứ không có thù hằn hay mâu thuẫn gì. Vậy thì nguyên nhân nào khiến Phong lại xuống tay giết người như thế?.
Bị cáo Phong trước vành móng ngựa HOÀI NHÂN
Những khúc mắc được mở dần từ hồ sơ điều tra của Viện kiểm sát và luật sư Vân Anh (người bào chữa cho bị cáo), còn tại phiên xử, Phong chỉ bất lực với những lời khai “không biết”, “không nhớ”, “nghe người ta nói”.
Mâu thuẫn theo đó bắt nguồn từ chính cuộc đời của bị cáo, từ những ngày tuổi thơ khốn khó. Bố Phong mất từ năm Phong 3 tuổi, chỉ một năm sau, mẹ cũng ra đi. Phong được được một người chị họ cưu mang, chỉ học đến lớp 2 thì nghỉ. Những tháng ngày sau đó của Phong tiếp tục ở một vườn cao su vì được người ta thuê trông giữ. Phong lấy vợ, sinh con, nhưng vì quá nghèo không nuôi nổi, anh phải mang con đi cho người khác. Vợ Phong cũng soạn sẵn đơn ly dị rồi rời đi.
Nghỉ việc ở vườn cao su, Phong đi làm bảo vệ. Làm việc mười mấy tiếng một ngày, đồng lương ít ỏi, Phong thường xuyên bị bà Linh (vợ sau) mắng nhiếc, chì chiết và tỏ ra xem thường. Phong chỉ còn biết tìm đến men rượu, những cơn say khiến Phong ngày càng lầm lì và ít nói.
“Hành vi phạm pháp của bị cáo không hẳn là bộc phát nhất thời. Thiếu ba mẹ, thiếu văn hóa, thiếu hiểu biết, bị gia đình và xã hội đào thải, cuộc đời bị cáo đã là một sự dồn nén nhiều năm tháng. Hôm xảy ra vụ án là ngày bị cáo được nghỉ làm về sớm, nên lại tìm đến rượu. Số rượu đêm ấy gấp nhiều lần thường ngày bị cáo uống, khiến bị cáo không còn đủ tỉnh táo. Bấy giờ, lời nói xấu, chỉ trỏ “một ông hai bà” của Trung, Phương, Dương mới trở thành “ngòi nổ” cho tất cả sự uất ức dai dẳng ấy”, luật sư Anh giải thích, trước khi đưa ra lời bào chữa cho Phong.
Lời khai của Phong trong quá trình điều tra lẫn trong phiên xử đều bất nhất, nhưng cả hội đồng xét xử lẫn những người dự tòa đều tin phải có một nguồn cơn dẫn đến hành vi phạm tội với những thanh niên không quen biết. Đúng như trong lời khai ban đầu ở cơ quan điều tra, Phong cho biết 3 thanh niên kia đã có những lời lẽ khiếm nhã về việc Phong ngồi nhậu cùng 2 người phụ nữ.
Gia đình Phương ngồi bần thần trước phòng xử án. Mất mát vẫn chưa kịp nguôi ngoai... HOÀI NHÂN
Hai gia đình bước ra khỏi phòng xét xử trong lúc tòa nghị án. Họ ngồi lại với nhau, cùng động viên nhau, vì hoàn cảnh cả hai bên đều chẳng khá giả gì. Một người vợ mất chồng, một cô con gái mất cha. Một người vợ khác lại sắp phải nghe chồng bị tuyên án. Những người phụ nữ ấy đều không có lỗi, nhưng họ đều phải mang những nỗi đau từ người đàn ông của gia đình…
Bà Hằng nghẹn giọng: “Ảnh mất thì cũng đã mất rồi, chúng tôi có làm gì thì cũng vậy, giờ cứ đúng pháp luật mà thôi”.
Trước đó, trong lúc xét hỏi, bà Hằng và con gái cũng không đòi tiền bồi thường tổn thất tinh thần, chỉ có tiền tang lễ hơn 73 triệu đồng.
“Dù chưa nói chuyện nhiều, nhưng chỗ hàng xóm cũng biết, nhà tôi nghèo khó, vợ chồng nương nhau mà sống. Giờ tôi chỉ có vài ba triệu, mong gia đình chị Hằng nhận trước, số tiền còn lại, tôi sẽ vay mượn, dành dụm để dần trả sau”, bà Linh bất lực nói với bà Hằng.
Sống chung với Phong và không đăng ký kết hôn, nhưng cái nghĩa khiến bà Linh vẫn ở đây, chấp nhận danh nghĩa người thân để đền bù tội lỗi của chồng...
Như một cái giá định sẵn phải trả, Phong nhận án tù chung thân vì tội giết người, khép lại câu chuyện dài của của phận người mồ côi, của cái nghèo đeo đẳng, của chén rượu quá đà...
*Tên bị cáo, bị hại và người thân đã được thay đổi
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.