Ánh mắt trẻ thơ say đắm điệu múa lân mừng Trung thu

21/09/2018 11:27 GMT+7

Những ngày cận Trung thu, các hộ làm đầu lân ở Thừa Thiên - Huế càng tất bật. Họ được “giao phó” để tạo nên sản phẩm đầy màu sắc nhưng vẫn giữ nét riêng của đất kinh kỳ.

Ngày 20.9, ngày hội lân Huế tại bia Quốc học sẽ khép lại sau 2 ngày tranh tài sôi động. Lễ hội đầy màu sắc này do Sở Du lịch Thừa Thiên- Huế tổ chức, quy tụ 15 đội thi của đất Huế và cả những địa phương lân cận (Đà Nẵng, Quảng Trị). Nhưng không phải đội nào cũng “mạnh dạn” tranh tài ở nội dung múa Mai hoa thung hôm 19.9. Bởi chỉ có 6 đội tranh tài cao thấp trên cột, các đội còn lại chuyên chú vào thể loại Địa cầu bửu.
Hàng vạn người dân Huế đã hồi hộp theo dõi các “vũ điệu” Mai hoa thung. Mai hoa thung xứng đáng trở thành “đất diễn” của xứ kinh kỳ. Đây là lý do khiến ông Lê Hữu Minh, quyền Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế, cả quyết hội lân năm nay góp phần gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của đất cố đô.
[VIDEO] Lân Huế khai hội Trung Thu
“Chúng tôi tổ chức ngày hội lân Huế nhằm phát triển truyền thống văn hóa của xứ Huế, qua đó thu hút du khách đến với Huế nhiều hơn. Nhưng quan trọng là tạo ra một sân chơi cho giới trẻ Huế vui dịp Trung thu”, ông Minh nói.
Ấn tượng lân cố đô
Những vũ điệu trình diễn trên cột của lân Huế, nhất là Mai hoa thung, luôn gắn chặt với kỹ nghệ làm đầu lân. Với những người am tường, đầu lân càng nhẹ càng dễ “bay bổng” trên cột, tạo điều kiện tối đa cho nghệ nhân biểu diễn.
Từ tháng 4 âm lịch, các gia đình làm đầu lân tại Huế đã chuẩn bị cho “mùa” Trung thu. Mỗi mùa Trung thu, họ có thể làm ra hàng ngàn sản hẩm lớn nhỏ. Sau đó, lân Huế được vận chuyển đi khắp nơi, ra Hà Nội hay vào đến TP.HCM. Thông thường, mỗi sản phẩm đầu lân hoàn chỉnh cần khoảng thời gian trên dưới 3 ngày. Từng gia đình đã kết hợp để hoàn tất sản phẩm, phân chia rạch ròi từng công đoạn: nhà này làm khung, nhà kia trang trí… Đối với những đầu lân đặc biệt được đặt hàng từ nhiều tháng trước, thì mọi chuyện phức tạp hơn.
Trung thu sớm với màn biểu diễn Mai hoa thung trước bia Quốc học Huế
Ngày hội quy tụ 15 đội thi của đất Huế và cả những địa phương lân cận (Đà Nẵng, Quảng Trị)
Lễ hội lân vừa khép lại đã nhắc nhớ nhiều người về xứ sở riêng của lân Huế, với những nét đặc trưng. Cung ứng sản phẩm nhiều nơi, với số lượng lớn, nhưng sản phẩm mà các võ đường hay nhóm thanh thiếu niên đặt mua sẽ được trang trí theo một phong cách khác.
“Lân xứ Huế khác so với các nơi. Vùng đất kinh kỳ nên người dân Huế rất kỹ lưỡng trong việc lựa chọn đầu lân, và kỹ thuật múa lân ở đây cũng mang màu sắc riêng”, nghệ nhân Trần Duy Trung (60 tuổi, trú tại kiệt 11, đường Trần Hưng Đạo, P.Phú Hòa, TP.Huế) cho biết. Theo ông Trung, lân Huế thường rực rỡ, chuộng màu vàng, đỏ, xanh và “kỵ” màu đen. “Ở Huế tuyệt đối không dùng màu đen. Hình dáng đầu lân thì lấy cảm hứng từ nghê, rồng và những mẫu vật đặc trưng của văn hóa cung đình”, ông Trung giải thích thêm.
Trẻ em phải chen lấn để được xem múa lân
Anh Trần Duy Trưng, con trai ông Trung, cho hay đầu lân Huế thường được nghệ nhân “giảm” tối đa trọng lượng do sử dụng nguyên liệu tre, mây, giấy, hồ dán… Muốn bắt mắt hơn, họ gắn thêm sành, sứ. “Lâu nay, múa lân truyền thống ở đất cố đô, tại võ đường hay biểu diễn Mai hoa thung, đòi hỏi người múa phải ôm đầu lân nhảy qua các trụ trên giàn cao, nên yếu tố trọng lượng rất quan trọng”, anh Trưng giải thích.
Những vũ điệu ấn tượng trước bia Quốc học Huế đã khép lại những ngày hội lân, nhưng không phải ai cũng biết có một phần công sức thầm lặng của nghệ nhân đắp dán và tâm nguyện muốn lưu giữ, bảo tồn nét văn hóa của họ vào mỗi kỳ Trung thu…

Nhiều người chọn cho mình những góc theo dõi độc đáo
Những người không chen được thì theo dõi qua màn ảnh nhỏ
Được người lớn cõng lên để nhìn thấy các đoàn lân biểu diễn
Đội mưa để theo dõi trọn vẹn phần biểu diễn
Chăm chú theo dõi
Lễ hội lân vừa khép lại đã nhắc nhớ nhiều người về xứ sở riêng của lân Huế
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.