Một ngày tháng 8.1966, một chàng trai gốc miền Trung tần ngần đứng lại trước tấm bảng bằng đồng ghi dòng chữ “Trường đại học Văn khoa - Faculté des Lettres” gắn trên trụ cổng bên trái của một tòa nhà lớn trên đường Cường Để, Sài Gòn.
Anh bước vào văn phòng, gặp một cô giáo đang ngồi thu hồ sơ: “Thưa cô, em muốn ghi danh học dự bị”. Cô mỉm cười, thân thiện: “Em sao bản chứng nhận tạm thời tốt nghiệp tú tài 2 cho cô, giữ bản chính lại, cầm bản sao đến giấy với cái khai sinh nữa, cô sẽ đưa đơn em điền vào là xong”.
tin liên quan
Bàn cách phục hưng và phát triển văn hóa trà Việt(TNO) Hiệp Hội chè Việt Nam sáng nay 18.12 phối hợp với một số đơn vị đã tổ chức hội thảo “Phục hưng và phát triển văn hóa trà Việt ” lần thứ nhất tại TP.HCM.
Chàng trai ấy là tôi, mới vừa từ Quảng Nam vào, chẳng quen biết ai giữa cái đất Sài Gòn này. Người tôi gặp đầu tiên là cô giáo thu đơn ghi danh của Trường đại học Văn khoa. Cô thật tử tế, không chỉ với riêng tôi mà với tất cả những ai đến gặp cô để ghi danh học dự bị đại học.
Nụ cười thân thiện của cô khiến tôi cảm thấy ấm lòng, tự tin hơn. Tôi sao bản chứng nhận tốt nghiệp tạm thời tại quận 5 rồi đi xe buýt về lại trường. Làm một tờ đơn ghi danh học dự bị, nộp một bản sao khai sinh, một bản sao chứng nhận tốt nghiệp tú tài tạm thời, tôi đã là sinh viên năm dự bị của nhà trường.
Ai muốn ghi danh vào Đại học Văn khoa ngày ấy cũng phải học qua lớp dự bị. Đậu xong năm dự bị, có một nền tảng kiến thức về chuyên khoa rồi, người ta mới học lên các năm chứng chỉ của văn khoa.
Đậu năm dự bị ở đây, người ta mới được dự thi vào các khoa văn, sử, địa, tiếng Anh, tiếng Pháp bên Trường đại học Sư phạm. Nói cách khác, chứng chỉ dự bị văn khoa là “chìa khóa” mở ra con đường vào các chuyên ngành khoa văn chương, xã hội khác của Đại học Sư phạm Sài Gòn.
Trường Văn khoa của chúng tôi ngày ấy là hai dãy nhà cũ nền cao, có lầu - dấu vết của một trại lính pháo binh thời Pháp để lại. Mãi đến năm 1957, khu vực này mới có tên là Trường đại học Văn khoa, trực thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Có lẽ người ta đã sửa sang nó nên có những giảng đường ở lầu 1 và lầu 2 chứa được hàng trăm sinh viên.
Thế nhưng “sĩ phu” ngày đó không đông lắm, lớp dự bị ban văn chương nhiều lắm cũng chỉ khoảng trên dưới 60 người. Tôi đã học ở đó trước khi thi vào Trường đại học Sư phạm Sài Gòn bên đường Cộng Hòa (Nguyễn Văn Cừ ngày nay).
Ngày ấy, trường hoàn toàn không có căn tin, sinh viên vào đây chỉ để học chứ không phải để nghỉ ngơi thư giãn cà phê thuốc lá. Không ai điểm danh, không ai kiểm tra kiểm soát sĩ số của lớp nhưng sinh viên vẫn tự động lên lớp học đông đủ.
Mỗi sinh viên một cái ghế có gắn mặt bàn xoay, lên lớp nghe thầy giảng là tự ghi cours (bài giảng). Ai bận bịu ghi cours không đủ xin mời xuống văn phòng, hỏi mua cours của thầy này, cô kia mà tự học. Nếu rớt một năm, nữ phải “ngồi” lại để chờ năm tới; nam thì bị lính “kính mời” vào quân trường. Vì vậy, người ta phải tự động học.
Bên tay phải của Đại học Văn khoa là Trường đại học Nông Lâm Súc; phía trước mặt là Trường đại học Dược khoa. Cách trường chúng tôi khoảng một trăm mét chếch về hướng Sở Thú là hai trường trung học lớn Trưng Vương và Võ Trường Toản.
Cái khu vực học thuật văn hóa này bình thường thì rất êm đềm, sinh viên văn khoa ngoài giờ học có thể đi bộ qua trước cổng Trường Trưng Vương tán tỉnh mấy cô bạn nhỏ xinh xắn gốc Bắc. Thậm chí, có tay còn mơ mộng hơn, làm thơ gắn lên các gốc cây dầu, cây sao mà tán tỉnh:
Hỡi người em gái Trưng Vương
Tên anh là X bên Trường Văn khoa…
Thơ văn tán tỉnh hơi bị sến nhưng biết làm sao được. Người ta học thi pháp thì phải biết ứng dụng thi pháp để làm thơ! Người ta học trường nào thì phải “rào” khu ấy, nghĩ ngợi làm gì cho xa xôi để uổng phí một đời trai dự bị đại học.
Nói nào ngay, cũng có một số anh chàng nghĩ đến các bạn gái xinh đẹp Trường Gia Long nhưng không anh bạn nào dám chạy xuống quận 3 để tán tỉnh mấy bạn Gia Long bởi chẳng ai có xe gắn máy, đạp xe đạp thì lại càng hộc xì dầu.
Hỡi người em gái Gia Long
Nhìn em là thấy… tơ lòng thòng ra!
Vâng, đó là những ngày Văn khoa êm đềm. Thế nhưng cũng có những ngày Văn khoa nổi sóng, không gian nồng sặc mùi lựu đạn cay và ồn ào tiếng la hét. Lấy thí dụ như một ngày cuối tháng 6.1967, khi chúng tôi vừa thi xong môn Pháp văn thì có cuộc biểu tình lớn của sinh viên ba trường nổ ra.
Mật vụ mặc áo montagout đeo kiếng đen, cảnh sát áo trắng, cảnh sát dã chiến mang mặt nạ rào kẽm gai che hết đường Cường Để đến tận sân Hoa Lư. Bên trong ba trường, sinh viên kéo ra giăng biểu ngữ chống Mỹ, chống hai ông Thiệu - Kỳ. Con đường học thuật văn hóa bỗng trở thành con đường đàn áp bạo lực.
Cảnh sát không phân biệt nếp tẻ, cứ thấy nam sinh viên trẻ là múa dùi cui đánh, khóa cổ, kéo tay đẩy lên xe cây. Họ gọi đó là “dàn chào”. Tôi cũng được họ “dàn chào” tích cực như vậy. Thuở ấy, tôi luyện ưng trảo cầm nã thủ cũng khá, đi bên cạnh tôi là anh Đào Xuân Kiểu (sau này là Hiệu trưởng Trường trung học Nguyễn Việt Hồng, Cần Thơ) - dân biển Bình Thuận mạnh như sư tử.
Mấy tay cảnh sát áo trắng chụp tôi và Đào Xuân Kiểu; chúng tôi bèn đánh ra mấy quyền thái thậm lăng tằng rồi… chạy tuốt qua sân Hoa Lư về tới cư xá Quảng Đức. Đêm ấy nghe đài phát thanh, mới biết hai anh bạn Nguyễn Hữu Tú cùng lớp dự bị và Lê Trúc - sinh viên nông nghiệp, bị bắt đưa lên nhốt quân lao buộc đi lính!
Trường đại học Văn khoa đã trải qua những ngày an bình và những ngày sóng gió. Nơi ấy, nhiều chàng trai, cô gái đã tốt nghiệp cử nhân và vào đời, đem hết tinh thần, trí tuệ, tuổi trẻ và tài hoa cống hiến cho đời.
Nơi ấy, những người thầy Lê Khắc Hoạch, Giản Chi, Nguyễn Văn Trung, Kim Định, Nguyễn Duy Cần, Lưu Khôn… càng ngày càng trọng tuổi nhưng tâm huyết của họ và những tác phẩm nghiên cứu, giảng luận của họ thì còn mãi trong trái tim của nhiều thế hệ sinh viên.
Tôi xa cuộc đời sinh viên từ năm 1970. Năm 1975, trường được đổi tên thành Trường đại học Tổng hợp. Năm 1996, trường đổi tên thành Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM. Năm 2007, tôi được Khoa Báo chí và Truyền thông của trường mời thỉnh giảng hai môn Tiểu phẩm tạp văn và Tường thuật văn hóa nghệ thuật giải trí.
Nhiều năm qua, tôi vẫn về trường làm giám khảo cho các cuộc thi văn nghệ quần chúng do các thầy cô và công nhân viên chức của trường biểu diễn. Trường xưa nay đã có thêm một dãy nhà mới năm tầng khang trang đẹp đẽ, trong đó có một hội trường khá ấm cúng. Cuối tháng 6 năm nay, tôi lại có dịp về trường, cùng với hai nghệ sĩ - diễn viên Bạch Tuyết và Kim Xuân làm giám khảo cuộc thi.
Con người văn khoa luôn lãng mạn và hoài cổ. Ngồi nghe thầy cô và các công nhân viên chức của trường hát múa, tôi cứ nghĩ về ngày xưa thân ái. Năm tới đây 2017, trường sẽ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập, các thầy cô và các em sinh viên sẽ có thêm những ngày vui lớn. Mới đó mà trường tôi đã 60 tuổi! .
Bình luận (0)