'Bác sĩ' 8X chuyên 'chữa bệnh' những cuốn sách cổ trăm năm: Vài tháng mới lành lặn

29/11/2020 11:14 GMT+7

Bùi Tiến Phúc (31 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) là người phục dựng sách Hán Nôm , tư liệu cổ tư nhân duy nhất ở Việt Nam. Nhiều năm tìm tòi, học tập về nghề nơi xứ người, anh vẫn mang nhiều trăn trở về công việc ít người biết đến này.

Tốt nghiệp chuyên ngành Hán Nôm tại trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), Phúc tiếp tục sang Đài Loan học về nghành tu bổ, phục chế sách cổ và bảo tồn di sản văn hóa. Trở về nước, anh mở Hán Nôm Đường với mong muốn phục chế và bảo tồn các di sản văn hóa của Việt Nam, mà cụ thể là tranh, sách, sắc phong cổ. Nhiều người vẫn gọi anh là 'bác sĩ sách'.

Tách rời từng trang sách để chữa trị là một trong những công đoạn tốn nhiều thời gian nhất

Bác sĩ sách cũng tận tâm từng chút

PV Thanh Niên tìm đến Hán Nôm Đường tại Q.Tân Phú khi Phúc đang miệt mài với công việc của mình. Anh đang “giải phẫu” cuốn Kim Vân Kiều Truyện có tuổi đời gần 100 năm.
Công việc này đòi hỏi sự tập trung cao độ, bởi vì trải qua gần 1 thế kỷ, các trang sách đều đã bị hư hỏng, rất mỏng và có nhiều vết rách do mọt ăn. Chỉ cần người tu bổ không cẩn thận một chút thôi sẽ rách luôn cả trang sách. Phúc phải tách rời từng trang sách một, kiên trì và tỉ mỉ như một người thợ thủ công.
Chàng trai 8X với nghề tu bổ sách: ‘Nhiều người còn không biết có nghề này’

Chị Trần Bội Tuyền đang cùng chồng chữa bệnh cho sách

Phúc chia sẻ đây là công đoạn khó nhất trong quá trình tu bổ một cuốn sách cổ, vì nó đòi hỏi sự cẩn thận trong từng bước nhỏ nhất. Sau đó Phúc sẽ tiến hành phân loại các trang sách, tùy theo mức độ hư hỏng mà có cách “chữa trị” khác nhau.
Đối với các trang sách bị thủng bởi mối mọt, Phúc sẽ dùng giấy gió đã được nhuộm màu gần giống màu của trang sách để bồi giấy, che đi các lỗ thủng này. Với các trang sách bị ố màu do thời gian, anh sẽ ngâm vào thuốc hóa học để làm trang sách trắng trở lại. Cứ như vậy Phúc “chữa trị” cho hàng trăm trang sách một cách cẩn thận.
Nghe qua thì đơn giản, nhưng để tu bổ hoàn chỉnh một cuốn sách phải trải qua 19 bước khác nhau, tốn rất nhiều thời gian và công sức. Phúc cho biết: “Chỉ riêng công đoạn tách rời từng trang sách phải mất vài tiếng, thậm chí là vài ngày, có cuốn tôi mất gần 1 tuần mới làm xong”.
Chàng trai 8X với nghề tu bổ sách: ‘Nhiều người còn không biết có nghề này’

Một nhân viên tại Hán Nôm Đường đang miệt mài với công việc của mình

Để có thể bắt bệnh và chữa trị cho từng trang sách, người tu bổ phải hiểu tất cả các kiến thức về giấy, từ nguyên liệu, cấu tạo, cho đến kỹ thuật in ấn, đóng sách, thậm chí là cả kiến thức về hội họa, hóa học. Do vậy muốn thành thạo nghề phải học rất lâu. Ở Đài Loan, Phúc học ngành này trong gần 6 năm.
“Nhiều người không biết, nói là làm gì có nghề gọi là bác sĩ sách hay bác sĩ giấy. Thật ra công việc của tôi thực sự như một người bác sĩ, chỉ khác đối tượng khám chữa bệnh của tôi là những bức tranh, quyển sách mà thôi. Tôi cũng phải học tập rất nhiều kiến thức chuyên ngành, kỹ thuật mới có thể ra hành nghề được. Tại sao có bác sĩ cho người, cho động vật mà không có bác sĩ cho sách? Trên thế giới người ta đã làm nghề này lâu rồi”, Phúc tâm sự.
Chi phí tu bổ không hề rẻ, vì tất cả các dụng cụ để làm đều được vợ chồng anh nhập khẩu từ Nhật Bản, Đài Loan, Anh, Mỹ. Phúc cho biết những dụng cụ này đắt gấp 10 - 12 lần so với Việt Nam, vì vậy mà chi phí anh tu bổ cho sách lên đến 1 - 3 triệu, còn tranh cổ có thể đến 10 triệu.
Chàng trai 8X với nghề tu bổ sách: ‘Nhiều người còn không biết có nghề này’

Toàn cảnh Hán Nôm Đường tại Q.Tân Phú

Bảo tồn di sản văn hóa 

Là một du học sinh, được đi nhiều nước trên thế giới, Phúc cho biết mình rất buồn khi các hiện vật di sản văn hóa ở Việt Nam, mà cụ thể là sách, các tờ sắc phong bị mai một, hư hại dần vì không được chú trọng tu bổ, bảo tồn.
“Ở Đài Loan người ta rất chú trọng việc này. Tôi đã được tiếp xúc và tu bổ cho các cuốn sách tuổi đời lên đến 200 năm. Còn ở Việt Nam, sách hơn 100 năm tuổi là đã hư hỏng nặng nề, việc phục chế rất khó”, Phúc tâm sự về những cuốn sách mình đã từng tu bổ.
Một trong những kỷ niệm mà anh nhớ nhất là có lần anh đăng một bức hình tu bổ sách cổ lên Facebook, có một bạn trẻ bình luận: “Rách thế này mà sửa gì nữa, làm chi cho mất công”. Phúc đã viết một bài chia sẻ trên Facebook về thế nào là tu bổ sách, tại sao phải làm công việc này và ý nghĩa của nó là gì.
Anh tâm sự: “Tôi nghĩ nhiều người Việt Nam cũng giống như bạn trẻ này, nghĩa là không coi trọng việc bảo tổn di sản văn hóa, dù những cuốn sách cổ hàng trăm năm tuổi rất có giá trị văn hóa, lịch sử. Chẳng lẽ vì rách đi một vài chữ trong đó mà vứt bỏ đi cả cuốn sách hay sao? Mình đừng vội đánh giá sách là không có giá trị và vứt đi”.
Đó cũng chính là mục đích khi anh mở Hán Nôm Đường, ngoài mục đích phục chế sách cổ, tranh cổ cho những người có nhu cầu, anh còn mong muốn bảo tồn thêm nhiều di sản văn hóa Việt Nam hơn nữa.
Phúc chia sẻ những tờ sắc phong từ đầu thế kỷ 19 là những thứ quý giá nhất mà anh từng được tu bổ. Những tờ sắc phong này là các di sản văn hóa tại các đình làng, các di tích cấp quốc gia, do đó anh rất trân trọng, tự mình đi đến tận nơi để mang về tu bổ.
Điều anh trăn trở nhiều nhất về nghề là làm sao để có thêm nhiều người trẻ theo nghề tu bổ sách, để dần dần xã hội thấy được tầm quan trọng của công việc này. Khi xã hội chưa coi trọng, những người làm nghề tại trong các bảo tàng, thư viện lưu trữ có mức lương thấp thì sẽ không ai theo nghề này nữa.
Anh chia sẻ rằng sách, tư liệu cổ ngày càng nhiều, do vậy anh vừa làm việc vừa kết hợp đào tạo thêm người trẻ để kế thừa công việc của mình. Hiện tại Hán Nôm Đường của anh có 3 nhân viên, vừa phụ việc vừa được anh dạy nghề miễn phí.
Anh cười: “Kể cả có thêm 10 Hán Nôm Đường nữa thì tôi cũng rất vui, vì có người chia sẻ bớt công việc với mình. Tôi đảm bảo việc chỉ có nhiều lên chứ không ít đi đâu”.
Chị Vũ Thùy Linh (22 tuổi), nhân viên tại Hán Nôm Đường cho biết: “Mình vào đây làm gần 2 tháng. Mình thấy công việc này khó, không phải ai cũng có thể làm được, phải chịu khó và kiên trì. Mình thích đọc sách từ nhỏ nên cũng rất thích công việc này”.
Chị Trần Bội Tuyền (29 tuổi), người vợ Đài Loan của anh Phúc cho biết từ khi sang Việt Nam làm việc cùng chồng, chị muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam nhiều hơn. Chị tâm sự: “Có nhiều hiện vật cổ ở Việt Nam sử dụng chữ Hán, nó tương đồng về mặt văn tự với Đài Loan nên tôi có thể đọc và hiểu được, do vậy tôi rất hứng thú với văn hóa Việt Nam. Tuy vậy tôi cũng rất đau lòng trước thực trạng bảo quản ở Việt Nam, những hiện vật đem đến đây bị hư hỏng rất nặng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.