Đêm mồng một chị mới bay vào Sài Gòn. Chị cho vợ chồng tôi quà tết: 5 cái bánh khúc – phân nửa số bánh chị mang vào.
Gần đây tôi cũng hay thấy những thùng bánh khúc được bán bên đường. Không biết có phải là bánh khúc tôi được ăn hồi bé?
Bánh khúc được làm từ bột nếp xay. Sau khi ngâm nếp khoảng vài giờ, tráng nước lạnh cho sạch rồi cho vào cối để xay. Bột nước được đưa vào trong miếng vải mịn và cột lại để tách nước, khi vội có thể đặt gói bột nước vào cái thúng chứa tro bếp - tro bếp hút nước nhanh làm cho bột trở nên mềm và chứa ít nếp hơn. Khi nếp vừa tay, mềm và có thể nặn thành hình là được.
tin liên quan
Người Sài Gòn trắng đêm nấu bánh chưng, bánh tét trên vỉa hè ăn TếtNhư một truyền thống, trong những ngày cận tết, người Sài Gòn lại tự tay gói bánh chưng rồi mang ra vỉa hè trước nhà để nấu, giúp không khí tết càng rộn ràng.
Bánh khúc quan trọng là lá khúc. Lá được hái trên các luống khoai lang. Khúc chỉ có vào cuối đông đầu xuân. Vào xuân nhờ mưa nên cây khúc có vẻ tươi tốt hơn. Khúc giống cây cải cúc dại, cao chừng vài phân, cây cái thấp nhiều lá, giữa các đốt lá có những lớp lông mượt như tơ, cây đực cao gấp đôi cây khúc cái, mảnh khảnh.
Bọn trẻ chúng tôi thường hái khúc vào buổi chiều khi không còn sương trên cây. Phải một rổ to hoặc một cái thúng đầy khúc mới đủ làm bánh. Lá khúc được rửa sạch và phơi cho héo rồi chặt thành khúc, trộn với bột cho vào cối giã cho nhuyễn là được.
Chúng tôi lấy những cái lá mít to bằng bàn tay, rửa sạch để mẹ gói bánh. Bánh khúc là loại bánh dễ gói nhất: Lấy một nắm bột, kéo dẹt trên lòng bàn tay, cho đậu vào làm nhân, túm bột lại, vo tròn và lăn trên những hạt gạo nếp, đặt vào mặt trên của lá mít rồi cuộn lại, cài bằng cuống lá thế là xong.
Bánh khúc được đưa vào nồi hấp, quê tôi gọi là cái chõ (dùng để đồ xôi), đồ cho chín là được.
Bánh khúc có mùi thơm của nếp, của đậu xanh, mùi thơm ngái của lá khúc... Bánh khúc thường được ăn khi còn nóng, vừa ăn vừa thổi. Thời tiết đầu xuân còn lạnh, được ăn miếng bánh khúc buổi sáng thì không còn gì tuyệt bằng!.
Dù là món ăn của nhà nông, nhưng tôi dám chắc nó không dân dã chút nào!
Bình luận (0)