Bất chấp lệnh của chính quyền, dân vẫn chặt bỏ cây cao su vì sợ đói

23/11/2017 09:48 GMT+7

Mặc dù UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các huyện, xã giữ diện tích, nhưng việc chặt bỏ cây cao su vẫn diễn ra ồ ạt vì người dân cần kế sinh nhai.

Giai đoạn 1994-1996, khi cây cao su đang “thịnh hành” và được xem là “vàng trắng”, sẽ đổi đời người nông dân nếu trồng. Nhiều nơi, chính quyền địa phương đã quy hoạch vùng trồng cây cao su, thậm chí xem là cây chủ lực để thúc đẩy kinh tế, tỉnh Thanh Hóa cũng không ngoại lệ.
Ồ ạt trồng, để rồi phải chặt bỏ
Thời điểm đó, hàng trăm hộ dân xã Quảng Phú (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) cũng háo hức không kém khi chính quyền thông báo dự án trồng cao su trên đất 327 (Quyết định 327 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ngày 15.9.1992 về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước) được Nhà nước hỗ trợ trồng. Hơn 144 ha đất của 202 hộ gia đình nhanh chóng được người dân, chính quyền địa phương triển khai trồng theo hợp đồng có thời hạn 50 năm, trong đó, lợi nhuận người dân thu được sẽ nộp sản cho ngân sách xã 30%.
Từng đồi cao su hơn 20 năm tuổi bị đốn hạ vì trở thành "gánh nợ" của người dân Ảnh Minh Hải
Đến khoảng năm 2009 - 2010, cây cao su cho thu hoạch mủ. Lúc này giá mủ còn cao, người dân có lời nhưng chỉ được vài năm sau đó giá xuống thấp dần, thấp đến nỗi người dân bỏ mặc cây cao su không màng đến lấy mủ, “vàng trắng” chính thức trở thành “gánh nợ”.
Gia đình chị Lê Thị T. (ngụ tại xã Quảng Phú) vừa chặt bỏ đi 13 sào (mỗi sào 500 m2) cao su và đang trồng lại dứa. Chị T. cho biết, dù không muốn chặt bỏ vì tiếc bao nhiêu công sức nhiều năm trời trồng, chăm sóc của 2 vợ chồng đã bỏ ra hơn 20 năm qua, nhưng giờ giá mủ quá thấp, không chặt bỏ cao su thì không có đất để trồng cây khác.
“Sau vài năm thu hoạch giá mủ còn cao nên có thu nhập, nhưng từ năm 2012 đến nay, nếu vợ chồng tôi ngày đi lấy mủ cũng chỉ thu được từ 100 - 150.000 đồng/ngày, trong khi đi làm thuê mỗi người cũng được 200.000 đồng/ngày. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào 13 sào đất, nếu cứ để thì không có thu hoạch, lại phải bù lỗ mỗi năm cả chục chịu đồng công chăm sóc. Do vậy, dù chính quyền không cho phép chặt bỏ nhưng đành phải liều thôi, nếu không sẽ không biết lấy gì mà sống”, chị T. nói.
Gốc cao su chất đống cho người khác lấy về làm củi Ảnh Minh Hải
Ngay đồi cao su bên cạnh của chị T. là đồi cao su của gia đình bà Đỗ Thị Sáu (60 tuổi, ngụ tại thôn 6, xã Quảng Phú). Dù gia đình bà chưa chưa chặt bỏ nhưng nhìn hơn 14 sào cao su 5 năm nay không thu được một đồng nào, bà Sáu không khỏi ray rứt.
“Giá mủ hiện tại chỉ còn 8.000 - 9.000/kg mủ tươi, cả ngày tất bật cũng không thu nổi 100.000 đồng. Các con tôi vì thế bỏ cao su đi làm ăn xa. Năm ngoái (2016) chúng tôi đã lên xã kêu 2 lần, xin chuyển đổi sang cây trồng khác nhưng không được. Xã bảo ở trên họ không cho chuyển đổi, nếu như vậy thì hàng trăm hộ dân chúng tôi biết làm gì để sống. Chúng tôi biết thời hạn hợp đồng chưa hết, nhưng cứ kéo dài tình trạng này thì người dân ngày càng kiệt quệ về kinh tế”, bà Sáu nói.
Tình trạng trên không chỉ diễn ra ở Quảng Phú, mà tại xã Hóa Quỳ (huyện Như Xuân, Thanh Hóa) cũng diễn ra tương tự. Từ năm 2016 đã xuất hiện nhiều hộ dân chặt bỏ cao su cũng với lý do giá mủ xuống thấp, thậm chí có lúc không ai mua.
Ông Hà Văn Ngân (ngụ tại thôn Đồng Quan, xã Hóa Quỳ) là một trong những hộ trồng cao su cũng đang rơi vào tình cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội” cho biết, gia đình ông dành toàn bộ phần đất vườn, đồi để trồng cao su mong xóa đói, giảm nghèo. Nhưng 4 năm gần đây không còn thuê người cạo mủ, vì nếu thuê sẽ không đủ tiền trả công. Ông cũng từng đề nghị với Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa (đơn vị đứng ra đầu tư ban đầu) xin chuyển đổi sang cây trồng khác nhưng chưa được.
Bất chấp 'lệnh' chính quyền
Người dân chặt bỏ cây cao su đang kỳ thu hoạch không chỉ diễn ra đơn lẻ ở một vài địa phương của Thanh Hóa mà ở nhiều nơi khác cũng có tình trạng chặt bỏ cao su. Không những người dân gặp khó khăn mà ngay cả các cấp chính quyền địa phương cũng rất lúng túng, hơn lúc nào hết, giờ đây các địa phương trồng cây cao su đang cần một "lời giải" cho loại cây này.
Đã đến lúc UBND tỉnh Thanh Hóa cần có lời giải cho cây cao su Ảnh Minh Hải
Ông Phạm Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú cho biết, ban đầu toàn xã có hơn 144 ha cao su, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây cao su không cho lợi nhuận nên người dân đã tự ý chặt bỏ khoảng 30 ha, và khoảng 30 ha khác do đổ gãy nên hiện nay toàn xã chỉ còn khoảng 80 ha.
“Thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền người dân giữ diện tích cây cao su, vì hợp đồng chưa hết nên nếu chặt bỏ là vi phạm. Nhưng đúng là người dân cũng khó khăn, nếu họ không chuyển đổi sang cây trồng khác thì sẽ không có nguồn thu. Chúng tôi đang cho cán bộ rà soát diện tích cao su còn lại, đồng thời sẽ gửi văn bản đến các cấp đề nghị được chuyển đổi sang cây trồng khác như cây dứa, cây cam, chứ cứ tình trạng này sẽ khó giữ được cao su”, ông Quyết nói.
Ông Quyết cũng cho biết thêm, ban đầu hợp đồng trồng cao su người dân sẽ nộp sản 30% lợi nhuận thu được cho ngân sách xã, nhưng do tình trạng cao su không có lời nên nhiều năm nay chỉ thu 100.000 đồng/sào.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Thọ Cường, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thọ Xuân cho biết, trên địa bàn huyện hiện có gần 1.000 ha cây cao su. Ông Cường cũng khẳng định hiệu quả cây cao su những năm gần đây là rất thấp.
“Nhiều xã, và ngay cả huyện cũng từng có đề nghị với tỉnh được phép chuyển đổi cây cao su sang cây trồng khác nhưng không được đồng ý. Vì vậy, theo tinh thần của tỉnh thì hiện tại chúng tôi đang chỉ đạo các xã phải bảo vệ, giữ diện tích cây cao su, người dân không được phép chặt bỏ, chuyển sang cây trồng khác”, ông Cường nói.
Khu đồi cao su giờ thành đồi dứa Ảnh Minh Hải
Còn tại huyện Như Xuân, chính quyền địa phương cho biết đã lập biên bản, xử phạt hành chính nhiều hộ gia đình tự ý chặt bỏ cây cao su. Nhưng đó không phải là giải pháp để giải quyết vấn đề kinh tế cho hàng nghìn hộ nông dân ở Thanh Hóa, trong khi thị trường mủ cao su vẫn không có thông tin khả quan.
Cây cao su tại Thanh Hóa được trồng trong 3 giai đoạn, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có gần 20.000 ha. Để khuyến khích người dân trồng và chăm sóc cây cao su tốt, UBND tỉnh này cũng đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cao su giai đoạn 2011 - 2015, với mức hỗ trợ 9 triệu đồng/ha cao su trồng mới và chăm sóc hai năm đầu. Thanh Hóa trong những năm qua cũng đề ra mục tiêu tiếp tục trồng mới cây cao su, như trong năm 2015, đề ra kế hoạch trồng mới 800 ha cao su, nhưng người dân không còn mặn mà nên chỉ trồng đúng được 1 ha.
Trước thực trạng trên, năm 2016 UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định tạm dừng trồng cao su, đồng thời yêu cầu các huyện, xã giữ diện tích cây cao su không cho người dân chặt bỏ. Nhưng việc chặt bỏ cao su vẫn diễn ra vì người dân cần kế sinh nhai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.