Bật gốc, cây đè chết người: Công ty quản lý cây xanh nói gì?

25/09/2020 18:47 GMT+7

Thông tin một người đàn ông bị cây xanh bật gốc đè trọng thương trên đường Nguyễn Tri Phương (Q.10, TP.HCM) rồi sau đó tử vong trong bệnh viện khiến cư dân mạng bàng hoàng, lo sợ về những tai nạn trên trời rơi xuống trong mùa mưa bão này. Bật gốc, cây đè chết người là hiện tượng đã từng xảy ra đặc biệt trong mùa mưa.

Khoảng 15 giờ ngày 24.9, trong lúc trời đang mưa to kèm gió mạnh, cây xanh trên đường Nguyễn Tri Phương (P.5, Q.10) bất ngờ bật gốc, đè trúng anh B.M.G (35 tuổi). Nạn nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu nhưng không qua khỏi vì bị đa chấn thương nặng.
Hai tháng trước, một cây xanh trên đường Tô Hiến Thành (Q.10) cũng bất ngờ tét nhánh trong mưa gió đè chết người đàn ông 62 tuổi. Trước đó, một số sự vụ tương tự cũng xảy ra khi trời mưa khiến dân mạng lo sợ và gọi đây là tai nạn trên trời rơi xuống.

AI CHỊU TRÁCH NHIỆM?

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Anh, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh (gọi tắt là Công ty Cây xanh) cho biết, cây bật gốc đè chết người trong tối 24.9 là cây dầu, được đánh mã số 108 (phân loại 3). Cây đổ còn làm hư hỏng 2 biển quảng cáo của địa chỉ nhà số 216-218 và 1 xe máy biển số 71-B3 376.45 hiệu Yamaha Exciter.

Trong cơn mưa lớn, cây dầu bật gốc làm người đi đường bị thương nặng

Ngay khi xảy ra sự việc, công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương, cảnh sát phòng cháy chữa cháy giải tỏa hiện trường cây đổ vào lúc 17 giờ cùng ngày. Đồng thời, công ty cử người vào bệnh viện thăm hỏi người bị nạn cùng thân nhân. Đến sáng 25.9, nạn nhân tử vong, nhân viên Công ty Cây xanh người cùng thân nhân đưa người bị nạn về quê lo hậu sự.

Cây xanh ngã bật gốc vào tối 24.9

Ảnh: Kim Anh

Bà Huỳnh Anh cho hay cây dầu mã số 108 có tán cân đối, thân thẳng, nằm ở vị trí gần ngã ba giao lộ Nguyễn Tri Phương – Đào Duy Từ. Cây được chăm sóc duy tu lần gần nhất vào ngày 1.8.2020. Trước đó, vào tháng 12.2017, công ty đã phát hiện hàng cây này bị xâm hại đào sát gốc làm đứt rễ. Từ tháng 5.2020 - 8.2020, khu vực này được xây dựng kết nối liền bồn.
Nhận định về nguyên nhân cây đổ, bà Huỳnh Anh nói: “Có thể do một luồng gió rất mạnh bị ảnh hưởng bởi tòa nhà mới xây dựng làm cho hệ rễ bị xoắn, đứt gãy. Quan sát tại hiện trường, công ty nhận thấy cây ngã có hệ rễ bị hư hỏng, có dấu hiệu sam mục”.
Ông Vũ Văn Điệp (Giám đốc Trung tâm Hạ tầng Kỹ thuật, thuộc Sở Xây dựng TP.HCM) cũng chia sẻ: “Cây đổ là rủi ro, tai nạn bất khả kháng nên không thể quy trách nhiệm cho Công ty Cây xanh. Trường hợp xác định được nguyên nhân là do bên công ty không kiểm tra cây thường xuyên mà để xảy ra sự cố thì mới quy trách nhiệm về phía công ty duy tu, quản lý được”.

Hiện trường vụ cây xanh bật gốc trên đường Nguyễn Tri Phương (Q.10)

Ảnh: Huy Toàn

MUỐN ĐỐN CÂY CŨNG GẶP KHÓ

Theo ông Điệp, TP.HCM hiện có hơn 3.000 cây cổ thụ, tức là cây có tuổi đời trên 50 năm, trong đó có những cây được trồng gần trăm năm. Về nguyên lý, những cây cổ thụ trên đường phải được thay thế dần vì đã hoàn thành “sứ mệnh” lịch sử. Mặt khác, các hoạt động đào đường, làm cống đều ảnh hưởng đến môi trường phát triển của rễ nên càng phải thay thế.
“Việc đốn hạ cây cổ thụ rất là khó khăn vì nhiều lần bị phản ứng rất gắt từ dư luận, nhiều người cho rằng đốn cây là không biết giữ gìn cây xanh vì nhìn cây vẫn còn khỏe, cành lá tươi tốt. Nhưng đó là mặt nổi, còn rễ cây có khỏe hay không, có đảm bảo bám chắc hay không thì người dân không thấy được. Nhân viên cây xanh cũng chỉ kiểm tra, đánh giá bằng kinh nghiệm chứ không thể đào rễ lên để xem được. Nhiều khi rễ cung cấp dinh dưỡng đủ nhưng rễ chịu lực thì không đủ. Đoàn chuyên gia của Pháp cũng khuyên nên thay thế dần cây cổ thụ trên đường phố”, ông Điệp nói.
Vì thế, ông Điệp cho biết trung tâm đang đề xuất chủ trương thay thế dần các cây cổ thụ, đồng thời xin ý kiến chuyên gia, nhà nghiên cứu lĩnh vực cây xanh về việc thay thế này cũng như lộ trình cụ thể về tuổi đời của cây xanh nhằm đảm bảo an toàn khi mùa mưa bão đến. Hiện nay, theo quy trình chăm sóc cây xanh, trước và trong mùa mưa, nhân viên thường phải làm các công tác kiểm tra chặt cành, hạ tán, thu gọn cho bớt khả năng nguy hiểm. Trường hợp phát hiện cây bệnh khiếm khuyết thì làm đề xuất duyệt để đốn hạ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.