Bếp ăn tình thương cho học sinh

28/03/2019 13:06 GMT+7

Từ ngày bếp ăn tình thương đi vào hoạt động, nhiều học sinh và người nghèo ở TT.Núi Sập (H.Thoại Sơn, An Giang) đã có được bữa cơm ấm lòng.

Buổi trưa, tiếng trống tan trường vang lên, rất nhiều học sinh Trường tiểu học B TT.Núi Sập, Trường THPT Nguyễn Văn Thoại kéo đến bếp ăn tình thương chuyên nấu món chay nằm cách điểm trường chỉ vài trăm mét.
Đến nơi, từng em trật tự vào bên trong nhà bếp, lấy các khay thức ăn chứa cơm nóng, canh chua, đồ xào, đồ kho, tàu hũ... mang ra bàn. Ăn xong, các em lại trật tự mang khay trả lại nhà bếp... Cứ thế, đến 12 giờ trưa cùng ngày, khi không còn học sinh, người nghèo đến, bếp ăn mới đóng cửa.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo TT.Núi Sập, cho biết bếp ăn trên do Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo TT.Núi Sập phối hợp Ủy ban MTTQ VN TT.Núi Sập tổ chức nhằm chia sẻ khó khăn với học sinh và người nghèo trong khu vực. Bếp ăn có diện tích trên 60 m2 đi vào hoạt động từ tháng 11.2018, kinh phí hoạt động do các nhà hảo tâm đóng góp, người giúp gạo, người giúp rau củ quả…
Có 20 người tự nguyện thay nhau nấu ăn, bếp ăn hoạt động trong các buổi trưa hằng ngày, chỉ nghỉ vào ngày chủ nhật. Ban đầu, chỉ vài học sinh đến ăn cơm miễn phí, sau đó các em truyền miệng rủ nhau đến nên số lượng tăng dần, mỗi buổi phục vụ hơn 150 suất ăn.
Ông Sơn tâm sự, học sinh các cấp tại TT.Núi Sập rất đông, có rất nhiều em xa nhà hàng chục cây số, nên nhiều em phải ở lại trường buổi trưa để chiều học tiếp. Có em ăn qua loa, có em ít tiền nên nhiều bữa nhịn ăn trưa làm ảnh hưởng sức khỏe… Thấy vậy, Ban quản trị Phật giáo Hòa Hảo TT.Núi Sập đã bàn bạc với Ủy ban MTTQ VN TT.Núi Sập xin phép Đảng ủy, UBND TT.Núi Sập mở bếp ăn nấu cơm trưa miễn phí cho các em. Khi hay được chuyện làm tình nghĩa này, rất nhiều nhà hảo tâm trong tỉnh đã ủng hộ lúa gạo, rau củ quả...
Những đóng góp của các nhà hảo tâm đều được ghi lại trong sổ sách. Ban đầu học sinh tới ăn, rồi những người nghèo, người bán vé số trong vùng hay được cũng đã tìm đến, thế là, nhà ăn lại tăng thêm khẩu phần. Bất cứ ai đến đây, các thành viên trong bếp ăn đều niềm nở, nhắc: “Cơm còn nhiều, cứ ăn no bụng đừng ngại”.
Suốt mấy tháng nay, buổi trưa nào em Lê Mỹ Hạ, học sinh lớp 4, Trường tiểu học B TT.Núi Sập, cũng đến quán cơm ăn. Hạ nói, ba em đi làm công xa, đến tối mới về nhà nên nhiều khi buổi trưa em hay nhịn đói. Từ ngày có bếp ăn này, Hạ được no lòng, cha em cũng yên tâm hơn không lo con no đói thất thường.
Còn Nguyễn Hồng Thịnh, học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Văn Thoại, chia sẻ nhà em ở Mỹ Hội Đông, cách xa trường mấy chục cây số nên đi về nhà rồi quay lại học buổi chiều rất bất tiện. Khi ở lại buổi trưa, Thịnh tốn từ 15.000 đồng trở lên cho phần ăn. Từ ngày có bếp ăn, em tiết kiệm được phần nào tiền để mua sách vở. Thịnh nói: “Tuy ăn cơm chay miễn phí nhưng thức ăn các cô chú nấu ngon lắm, thay đổi món liên tục nên ăn không ngán”.
Còn bà Nguyễn Thị Tôi (68 tuổi, ngụ ấp Sơn Đông) sống neo đơn bộc bạch, nhờ những bếp ăn như vầy mà những người nghèo như bà được ấm lòng, no bụng nên bà mong sao ngày càng có nhiều bếp ăn như thế để người già neo đơn bớt vất vả...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.