Một thực tế hiện nay là, trên nhiều tuyến đường nội ô thành phố có ngã tư và đèn tín hiệu giao thông đặt ngay dốc cầu hoặc dưới chân cầu, gây tiềm ẩn nguy cơ kẹt xe, tai nạn giao thông.
Ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ luôn trong tình trạng ùn ứ vào giờ cao điểm khi xe từ cầu Nguyễn Văn Cừ đỗ xuống - Ảnh: Phạm Hữu |
Dừng xe trên dốc cầu
Cầu Chánh Hưng nằm trên đường Phạm Hùng bắt ngang kênh Đôi nối P.9 và P.5, Q.8 TP.HCM. Trạm đèn tín hiệu giao thông tại đây được đặt ngay dưới dốc cầu.
Bầu chọn
TP.HCM là đô thị lớn nhất cả nước, theo bạn vì sao chưa thể xây đủ cầu cho người dân?
Theo ghi nhận của Thanh Niên, nhiều người khi lưu thông hướng đường Phạm Thế Hiển về cầu Nguyễn Tri Phương phải đột ngột thắng gấp, dừng xe ngay giữa dốc cầu Chánh Hưng bởi một trụ đèn tín hiệu giao thông án ngữ giao nhau với đường Hưng Phú.TP.HCM là đô thị lớn nhất cả nước, theo bạn vì sao chưa thể xây đủ cầu cho người dân?
Qua quan sát, cầu có độ dốc khá lớn. Đường dẫn xuống cầu nhỏ chỉ đủ hai làn xe lưu thông nhưng không có vạch vôi phân làn. Lúc đèn đỏ, hàng trăm người chạy xe gắn máy chen nhau đứng chờ, chân không dám rời phanh, trong khi nhiều xe ô ô cũng dừng nối liền phía sau.
Xe cộ lúc nào cũng dồn ứ bên dưới dốc cầu Nguyễn Văn Cừ (hướng về trung tâm Q.1) - Ảnh: Phạm Hữu
|
Ông Thành (62 tuổi, ngụ P.9, Q.8) lái xe ôm tại đây cho biết, một chiếc xe tải hay xe buýt qua cầu, xuống dốc gặp đèn đỏ thắng gấp, nếu lỡ trượt bánh hay mất lái thì không biết điều gì xảy ra. “Không chỉ những người đứng chờ đèn đỏ mà hàng nghìn người lưu thông qua lại đường Hưng Phú ngay dưới chân cầu cũng bị nguy hiểm”, ông Thành nhận xét.
Còn theo anh Thanh Tùng, thanh niên xung phong trực chốt giao thông dưới chân cầu Chánh Hưng, va quẹt giao thông tại đây ngày nào cũng có. Vào giờ cao điểm, nhu cầu người dân cùng phương tiện di chuyển qua lại hai bên cầu cao, trường hợp người đợi đèn tín hiệu phía trước bị người chạy sau ủi tới cũng hay xảy ra.
Theo bà Ánh (sống trên đường Phạm Hùng P.9, Q.8), cách đây không lâu, một chiếc xe khách chạy từ cầu Chánh Hưng hướng về trung tâm TP, khi xe vừa xuống dốc cầu bất ngờ bị trượt bánh, mất lái lao thẳng vào con lươn sát lề đường, cà một đoạn dài mới dừng lại.
“Cũng may lúc đó đường vắng người, nếu người dân lưu thông đông thì không biết hậu quả thế nào”, bà Ánh kể.
Tín hiệu giao thông được đặt ngay chân cầu chỗ nút giao lộ Hưng Phú - Phạm Hùng - Ảnh: Phạm Hữu
|
Ngã tư ngay chân cầu
Cầu Nguyễn Văn Cừ bắc qua rạch Bến Nghé và kênh Tẻ, nối Q.4 và Q.1, trạm đèn tín hiệu giao thông cũng đặt ngay dưới chân cầu, giao với đường Trần Hưng Đạo (Q.1). Hằng ngày, lượng người di chuyển từ Q.7, Q.4 theo đường Dương Bá Trạc qua cầu Nguyễn Văn Cừ hướng về trung tâm TP đông như hội, giao thông cũng thường xuyên ùn ứ tại đây.
Ông Nguyễn Hữu Huân (51 tuổi, ngụ P.1, Q.5) lái xe ôm tại khu vực, cho biết: “Ùn ứ giao thông từ ngã tư Trần Hưng Đạo hướng về đường Dương Bá Trạc (Q.8) giờ cao điểm ngày nào chẳng xảy ra, từ đầu tuần đến cuối tuần, nhiều hôm xe gắn máy và ô tô xếp hàng dài hơn 300m trên cầu. Tất cả phương tiện như đứng lại hoặc bò qua cầu. Ngã tư ngay chân cầu hỏi sao không kẹt”.
Các phương tiện phải dừng đèn đỏ ngay tại dốc cầu - Ảnh: Phạm Hữu
|
Còn chị Nguyễn Thanh Hà, nhân viên văn phòng một công ty trên đường Sư Vạn Hạnh, Q.10 (38 tuổi, ngụ đường Dương Bá Trạc, Q.8) cho biết từ nhà qua công ty chưa đầy 1,5km nhưng ngày nào cũng mất hơn 30 phút mới tới nơi.
“Tôi thường xuyên dính kẹt xe nhất là đoạn qua cầu Nguyễn Văn Cừ. Nhiều hôm lượng người đi quá đông, phải dừng ngay giữa dốc cầu, xe buýt lại lù lù phía sau rất nguy hiểm. Không chỉ đoạn này mà vòng xoay Ngã Sáu Cộng Hòa (Q.10) cũng thường xuyên kẹt”, chị Hà chia sẻ.
Còn tại cầu Trần Khánh Dư, bắc ngang kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, nối giữa đường Hoàng Sa (P.Tân Định, Q.1) – Trường Sa (P.2, Q.Phú Nhuận), hàng ngày vào những giờ cao điểm sáng và chiều, hàng loạt phương tiện giao thông di chuyển qua đây phải nhích từng chút một bởi lượng phương tiện di chuyển qua lại hai bên cầu quá đông. Trong khi cả hai bên đầu cầu này đều có ngã tư đèn tín hiệu giao thông.
Nhiều người bất chấp nguy hiểm băng ngang khu vực ngã tư Phạm Hùng - Hưng Phú - Ảnh: Phạm Hữu
|
Theo ghi nhận của Thanh Niên, đầu cầu Trần Khánh Dư (Q.Phú Nhuận) có lượng xe di chuyển về đông vì đây được xem là điểm tập kết nhiều tuyến đường như Trần Tế Xương, Phan Xích Long, Hoa Lan, Hoa Hồng, Hoa Phượng, Cù Lao… mỗi khi người dân trong khu vực đi vào trung tâm TP thì đây là tuyến đường gần nhất.
Ngược lại, đầu cầu Trần Khánh Dư (P.Tân Định, Q.1), hàng loạt tuyến đường cũng kết nối về đây như Trần Khắc Chân, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải… Lượng xe di chuyển qua cầu lớn, trong khi mặt cầu nhỏ không đủ mặt bằng di chuyển.
Cầu Trần Khánh Dư luôn xảy ra ùn ứ vào giờ cao điểm - Ảnh: Phạm Hữu
|
Ông Lê Văn Long (56 tuổi, ngụ đường Cù Lao, Q.Phú Nhuận) lái xe ôm tại chân cầu này cho biết, xe ùn ứ hai bên cầu đã mấy năm nay và ngày càng trầm trọng hơn. Đèn giao thông tại hai ngã tư này quá ngắn, trong khi xe đi đông, không đủ thời gian di chuyển hết nên cũng hay kẹt.
“Đèn vàng thì nên chạy chậm lại, nhưng tại đây hễ tới đèn vàng thì ai cũng tranh nhau phóng xe như cướp. Người sau thấy người đi trước vậy cũng nối đuôi theo nên hay xảy ra đụng xe. Có nhiều vụ tôi chứng kiến hai xe quẹt nhau, nhưng cả người sai và người đúng không bên nào nhường, đứng ra cãi lộn làm kẹt xe cả hai chiều”, ông Long thêm.
Giải quyết thế nào?
Theo TS. Phạm Sanh - chuyên gia giao thông, việc người dân dừng xe ngay dốc cầu Chánh Hưng (Q.8) là bất hợp lý. Luật giao thông đường bộ không cho phép tụ họp trên cầu, bởi nếu xe mất thắng hoặc trượt bánh trôi xuống, trong khi cầu rất hẹp chỉ có một làn xe thì tiềm ẩn rủi ro cao.
Theo tiêu chuẩn giao thông thế giới, thì ngã tư chân cầu phải có hầm phía dưới làn đường. Riêng cầu Chánh Hưng khi xưa thiết kế không nối thẳng, về mặt tiêu chuẩn là sai. Trước mắt chân cầu này phải có kế hoạch phân luồng giao thông, không cho xe cắt qua nữa mà chỉ cho xe lên xuống hai chân cầu. Tương lai, có thể trổ một đường hầm xuống dưới lòng đường Phạm Hùng nối giao thông qua lại đường Hưng Phú.
Còn cầu Nguyễn Văn Cừ, giao thông hay ùn ứ là do lượng xe đi lại quá đông. Nhưng chân cầu trạm đèn giao thông không giải quyết lượng người đi hết, nên sẽ dồn lại trên cầu. Trước mắt, cơ quan chức năng nên coi lại tổ chức giao thông dưới chân cầu như: giải quyết lấn chiếm lòng lề đường, mở ra những đường cua rộng để thoát xe nhanh hơn. Đồng thời, nếu lề đường còn rộng thì nên mở thêm 1 -2 m tăng diện tích xe lưu thông. “Về lâu dài từ 5 – 10 năm sau, thì TP nên chọn giải pháp lắp cầu vượt hoặc xây hầm chui trên đường Trần Hưng Đạo để không cắt ngang Nguyễn Văn Cừ”, ông Sanh nói.
Về việc ùn ứ giao thông thường xuyên hai bên cầu Trần Khánh Dư là do bản thân cầu này quá nhỏ. Nếu người dân chọn lộ trình để lên cầu Hoàng Hoa Thám thì đỡ, nhưng tiếc là cầu này thiết kế không đúng luồng xe chạy, nên người dân chọn hướng qua cầu Trần Khánh Dư. Trong khi bản thân cầu Trần Khánh Dư chỉ là cầu phụ nối Q.1 và Q.Phú Nhuận.
Ông Sanh nhấn mạnh, muốn hết ùn ứ hai chân cầu thì đi đôi với việc mở rộng cầu Trần Khánh Dư cần phải mở rộng mạng lưới giao thông khu vực đường Trần Quang Khải (Q.1). Còn nếu mở cầu rộng bao nhiêu nhưng đường dẫn vào cầu chật thì cũng sẽ kẹt. Đồng thời cảnh sát giao thông chú ý điều tiết giao thông khu vực hai bên cầu vào giờ cao điểm.
|
Bình luận (0)