Bi kịch trước cửa “nhà tạm lánh”

29/03/2006 22:47 GMT+7

Gọi là “nhà tạm lánh” bởi đơn giản đây là nơi lánh nạn của những người phụ nữ cùng đường khi trốn chạy những cú đấm, đá, tạt tai… của chồng. Tại căn phòng đặc biệt, rộng chưa đầy 20m2 này, chúng tôi không khỏi xót xa trước những bi kịch cuộc đời của các chị, các mẹ trước khi họ bước vào đây.

Từ đấm, đá, tạt tai...

Ông Nguyễn Ngọc Quyết - Giám đốc Trung tâm tư vấn, chăm sóc sức khỏe phụ nữ (Sở Y tế Hà Nội) là người gắn bó với "nhà tạm lánh" từ tháng 3/2003 đến nay. Trong suốt thời gian đó, ông Quyết và các đồng nghiệp đã tiếp đón vài trăm nạn nhân, người thì mặt mũi bầm dập, người bị gãy tay, vỡ đầu... nhưng đều có chung tâm trạng sợ hãi, âu lo. Ông Quyết là người cẩn thận nên đã ghi chép đầy đủ "những điều trông thấy mà đau đớn lòng" vào tập sổ tay dày trên trăm trang giấy và gọi đó là "Nhật ký nhà tạm lánh". Lật từng trang nhật ký, sau những con chữ tròn trịa, đều tăm tắp là những số phận bất hạnh đến cùng cực.

"Ngày... tháng... năm... Ngồi trước mặt tôi là chị P.T.K, 28 tuổi, ngụ tại Gia Lâm (Hà Nội) bị chồng đánh khiến mặt mày sưng tấy, toàn thân đau nhức. K. ngồi bất động, hai mắt đỏ hoe nhưng ráo hoảnh nhìn lên trần nhà, không nói một lời trong suốt 1 giờ đồng hồ rồi mới nghẹn ngào: "Chồng em là một người đàn ông háo sắc. Hắn đã ngoại tình lại còn thường xuyên đánh đập vợ dã man. Lúc nào hắn cũng tìm cớ để đánh em. Em đánh vỡ cái bát, hắn đấm vào ngực, đạp vào bụng. Em đi làm đồng về muộn, chưa kịp nấu cơm đã bị hắn túm tóc, tạt tai, đấm đá túi bụi... Hắn tuyên bố: "Mày sống với tao, tao cũng cho mày sống dở chết dở, còn mày bỏ tao, tao sẽ cho cả nhà mày phải điêu đứng. Tao đánh chưa đủ, tao sẽ huấn luyện cho con tao đánh tiếp...". Tôi hỏi: "Sao chị lại cam chịu trong

Theo ông Quyết, những người phụ nữ thường xuyên bị bạo hành nên xây dựng cho mình một kế hoạch an toàn: phán đoán được khi nào thì bị đánh để chạy thoát thân, căn dặn con cái kêu mọi người xung quanh can ngăn, đặt "túi an toàn" (gồm: tiền, quần áo...) ở những chỗ dễ lấy hoặc gửi hàng xóm để sẵn sàng di tản khi có nguy cơ bị đánh đập, nhớ địa chỉ và số điện thoại của các trung tâm tư vấn hoặc "nhà tạm lánh" để tìm tới.

suốt thời gian dài như vậy?" thì nhận được câu trả lời của nạn nhân: "Suốt 7 năm trời, em phải sống trong đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhưng là phụ nữ, hiểu biết nông cạn và thương con cái nên em phải cắn răng nhịn nhục sống để nuôi các cháu".

"Ngày... tháng... năm... Nạn nhân T.T.T, 42 tuổi, làm ruộng, bị chồng dùng dao rạch vào má phải một đường dài 15 cm, sâu 0,3 cm và một đường vào má trái dài 10 cm, sâu 0,3 cm chỉ vì cái tội... "pha nước chè mời thằng cha cấy thuê uống".  T. cho biết, chồng chị ta là người đàn ông có máu ghen kinh khủng. T. đi đường, đám trai làng chọc ghẹo là về nhà bị chửi bới, đánh đập. Sang nhà hàng xóm chơi mà... quên xin phép chồng, lúc trở về thể nào T. cũng bị tra hỏi, rồi hứng chịu những quả đấm vào mặt, khúc gỗ đập vào người... Hơn 4 năm chịu trận, lúc T. chạy sang nhà hàng xóm, khi bồng con về nhà mẹ đẻ chạy trốn những trận đòn thừa sống thiếu chết nhưng anh chồng vũ phu vẫn chẳng chịu buông tha, tìm tới tận nơi để tiếp tục thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, bất chấp sự can ngăn của mọi người.

"Ngày... tháng... năm... Nạn nhân Vũ Thị H., 32 tuổi, quê Hà Nội bị chồng đánh vì không chịu ký vào đơn ly hôn. Chị H. kể, khi đang xây nhà  thì chồng bị bệnh lao phải vào viện điều trị một thời gian. Kinh tế quá khó khăn, khiến anh chồng trở nên cộc cằn và hay chửi bới vợ. Chửi chưa đã, chồng H. quay qua đánh vợ mỗi khi không có tiền mua thịt, mua ti vi, mua... máy giặt... Với cái lý lẽ rất... Chí Phèo: "Tao chẳng nhờ bên vợ được cái gì cả. Người ta đi lấy chồng thì có của nả mang theo còn mày đi về nhà chồng chỉ với hai bàn tay trắng. Tao sẽ bỏ mày". Chồng H. ép cô ký vào đơn ly dị. Người đàn ông ưa bạo lực quyết tâm: "Tao đánh cho đến khi nào ký vào đơn ly hôn mới thôi" nên trên người H. vết thương cũ chưa lành lại thêm những vết thương mới. Chồng H. có cách đánh vợ... rất riêng: đóng cửa lại, vớ được cái gì là đập vào người vợ cái đó. Vợ không nói gì, hắn bảo là khinh hắn rồi lại đánh tiếp còn cãi thì hắn cho là hỗn, và lại xông vào đánh!"...

...Đến khủng bố tinh thần

Dẫn chúng tôi đi thăm "điểm đến cuối cùng" của các phụ nữ là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình, ông Quyết giới thiệu vắn tắt: "Các chị, các mẹ gặp "nạn" sẽ tạm lánh ở đây một thời gian để tránh nguy cơ tiếp tục bị bạo hành và tìm kiếm sự trợ giúp của cộng đồng". "Đấm, đá, thụi, bịch chỉ là bạo hành cấp 1, nguy hại hơn là dạng bạo hành khủng bố tinh thần" - ông Quyết cho biết. Dạng bạo hành này thể hiện rất phức tạp, tinh vi, dai dẳng khiến nạn nhân chịu một sức ép tinh thần rất lớn, nếu không được giải thoát kịp thời rất dễ dẫn đến trầm cảm nặng. Biểu hiện "lâm sàng" của  khủng bố tinh thần là "chiến tranh lạnh". Ông Quyết dở tiếp những trang nhật ký, đọc cho tôi nghe những câu chuyện của các khách hàng đã đến "nhà tạm lánh" như để chứng minh cho lời mình nói. Chị M. (ngụ tại Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) lấy chồng là một cử nhân kinh tế đang làm thuê cho một công ty nước ngoài. M. là người phụ nữ ham học, quyết tâm thi đỗ thạc sĩ nhưng người chồng không đồng ý. Lời qua tiếng lại mãi chẳng đi đến kết cục gì, hai vợ chồng quyết định... im lặng. Và rồi suốt hai năm trời, hai vợ chồng không hề nói với nhau một câu khi không có khách khứa, bạn bè. Muốn trao đổi với nhau điều gì, họ ghi ra giấy để trên mặt bàn. Khổ cho chị vợ là trong suốt thời gian xảy ra cuộc nội chiến, anh chồng đi "cải thiện" bên ngoài, để chị vợ vò võ những đêm trắng. Hậu quả là M. bị mắc bệnh trầm cảm rất nặng. Lại có anh chồng nọ khủng bố vợ bằng cách đòi sống ly thân rồi ngày ngày cố tình đèo người tình dạo qua cho vợ mình nhìn thấy. Một anh chồng ở Đức Giang (Gia Lâm, Hà Nội) lại áp dụng “độc chiêu”: Lấy con cái ra để ép vợ. Anh này nhốt con ở nhà, không cho đi học, đi chơi để đưa ra yêu sách đòi vợ “phải ký vào đơn ly hôn thì cậu con mới được đi học”!...

Gấp những trang nhật ký lại, ông Quyết lưu ý đến một hiện tượng: đa số phụ nữ bị ngược đãi đều cam chịu một cách nhẫn nhục khiến tình trạng bạo hành kéo dài và ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Khảo sát các nạn nhân đến "nhà tạm lánh" cho thấy, các chị, các mẹ hoặc là lo cho tương lai con cái, hoặc sợ chồng mất việc, hoặc sợ hạnh phúc gia đình tan vỡ nên mới cắn răng chịu đựng.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.