Bình trà đá miễn phí đầy xích giữa Sài Gòn vì sợ bị trộm lấy mất

13/11/2019 08:45 GMT+7

Bức ảnh bình trà đá miễn phí đặt bên lề đường được quấn quanh bằng dây xích và khóa lại khiến cư dân mạng chia sẻ và đặt câu hỏi: Vì sao? Phải chăng lòng tốt cũng cần được “bảo vệ” trước kẻ cắp?

3 lần bị mất cắp
Những năm gần đây, người lao động nghèo ở TP.HCM phần nào cảm thấy ấm lòng bởi những hành động nhân văn xuất phát từ tấm lòng muốn sẻ chia. Bình trà đá miễn phí, bánh mì miễn phí hay cơm chay 0 đồng... được lan tỏa và trở thành nét đẹp đặc trưng trong cách đối xử của người Sài Gòn.
Ông Nguyễn Lưu Duy (53 tuổi, chủ một tiệm sửa xe máy bên đường Nguyễn Thái Học) cũng đặt bình trà đá miễn phí trước cửa tiệm 3 - 4 năm nay. Thấy người đi đường chịu cảnh nắng nóng, ông đặt bình nước để ai cần ghé uống, giải khát rồi tiếp tục mưu sinh. Điều khiến ai đi ngang cũng nhìn bình trà đá của ông Duy là chằng chịt dây xích quấn quanh bình và cột điện gần đó.
Thùng nước giúp nhiều người đi đường giải cơn khát 
Trả lời PV Thanh Niên, ông Duy cho hay từ khi đặt bình trà đá miễn phí đến nay, ông đã mất tất thảy 3 bình, cả bình inox lẫn bình nhựa. “Tiệm tôi buổi tối đóng cửa, người ta đến phá hay lấy đi thì không ai biết. Họ không có ý thức mà. Làm thì làm vậy thôi chứ người ta đi qua lấy cũng đành chịu”, ông chia sẻ.
Bị mất bình hoài, ông mới lấy dây xích và khóa vào trụ điện bên cạnh. Nhờ vậy, chiếc bình này đã tồn tại được hơn 1 năm. “Cái bình đó cũng lâu rồi, tôi đang tính mua bình mới vì nó hư cái vòi rồi. Khổ nỗi, tôi khóa bình lại mà giờ tìm không thấy cái chìa để mở”, ông Duy nói và cho biết thêm: “Ngày trước, nước trà tôi để đá viên cho lạnh nhưng nhiều người đến lấy nước thậm chí còn thọc tay vào bình để lấy đá. Làm như vậy dơ lắm! Bây giờ, tôi phải mua đá cục lớn thả vào”.

“Tôi vẫn làm vì niềm vui giúp đỡ mọi người”

Bà Xíu (45 tuổi, bán đồ ăn vặt gần đó) cho biết thỉnh thoảng bà cũng lấy nước từ bình trà đá của ông Duy để uống. “Tôi từng tận mắt thấy người ta đến uống nước mà làm rớt ca xuống đất, lượm lên nhưng không lau chùi gì cả. Rồi có người uống nước mà nhúng cả tay vô trỏng, cái ca nó có quai, cầm quai rồi múc thì không chịu cứ phải nhúng cho ướt cả bàn tay vào bình nước mà nhiều người khác uống chung. Làm như vậy là không có ý thức, như kiểu cố tình phá nước của người ta vậy”, bà Xíu bức xúc.
Một công ty từng liên hệ để hỗ trợ đặt bình nước miễn phí nhưng đòi hỏi
nhiều quyền lợi nên anh Duy từ chối
Một bác tài xe ôm gần đó cũng cho biết việc phải khóa bình lại là “chẳng đặng đừng”. “Người tốt để nước cho uống rồi lo làm công chuyện chứ đâu có ở đó mà canh bình được. Mấy người nghiện hút đi qua là lấy à. Dù biết cái bình bán chẳng được bao nhiêu nhưng họ vẫn lấy đi. Khóa này chỉ khóa người ngay thôi chứ làm sao khóa được người gian”.
Mặc dù vậy, những người làm từ thiện nói chung hay ông Duy nói riêng vẫn tiếp tục công việc của mình. Với ông Duy, pha trà, châm đá nước mỗi ngày vào bình đã trở thành thói quen, thú vui khó bỏ. Ông chia sẻ: “Sáng tôi pha cà phê rồi tiện pha bình trà. Làm vậy lại thấy vui vì nó là thói quen rồi. Có mấy người đến sửa xe nói góp chút đỉnh với tôi, 5.000, 10.000. Tiền thì không nhiều nhưng quan trọng là cái tình người với nhau, như vậy lại càng vui hơn”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Duy cho biết một công ty từng liên hệ với ông để hỗ trợ việc đặt bình trà đá miễn phí nhưng họ đòi hỏi nhiều quyền lợi về hình ảnh nên ông từ chối: “Tôi nói thôi. Mình làm từ thiện chứ có phải kinh doanh đâu mà giấy tờ, tiền bạc phức tạp đâm rề rà”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.