Bóc trần đường dây bán lao động đi biển: Quá nhẫn tâm

31/03/2017 13:10 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi đọc loạt bài điều tra Bóc trần đường dây bán lao động đi biển đăng trên Thanh Niên t ừ 28 - 30.3.

Phải điều tra khởi tố
Lợi dụng sự nghèo túng, khó khăn của người khác để bắt chẹt, làm ăn trên mồ hôi công sức, bắt bớ đánh đập họ như vậy thì sao lại “khó xử lý” được. Tôi cho rằng để xã hội tốt đẹp hơn, cần phải trừng trị những kẻ buôn người này. Cơ quan điều tra nên vào cuộc và vạch trần chân tướng kiểu làm ăn kỳ quái này của bọn buôn người. Nếu không xử lý thẳng tay, bọn chúng sẽ còn tác oai tác quái.
Nguyễn Thanh
(Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Bức xúc
Đọc loạt bài về đường dây bán lao động đi biển mà tôi tưởng như đang đọc truyện trinh thám, hành động chứ không nghĩ đó là sự thật ngay trên đất nước chúng ta. Những người lao động nghèo quá đau khổ, họ bị hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần như thế thì làm sao chịu nổi. Vì đồng tiền, người lao động nghèo phải tha phương cầu thực, bỏ lại phía sau vợ con, cha mẹ... Vậy mà chẳng may rơi vào tay của những kẻ bất lương, mất nhân tính như thế thì chỉ có chết mà thôi. Mong sao chính quyền tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu làm mạnh vụ này, triệt phá hoàn toàn các đường dây bán lao động đi biển như báo phản ánh.
Huỳnh Duy Tuấn
(TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Khâm phục
Đọc loạt bài về đường dây bán lao động đi biển, tôi rất khâm phục các phóng viên Thanh Niên, đã bất chấp nguy hiểm xâm nhập vào đường dây của bọn buôn người độc ác này. Có sự dấn thân như vậy, xã hội sẽ trong sạch hơn. Tôi cũng tự hỏi điều gì sẽ xảy đến nếu các anh bị bọn chúng phát hiện? Vì vậy, chúc các anh luôn chân cứng đá mềm, để làm việc tốt đẹp hơn cho cuộc đời này.
Nguyễn Văn Thọ
(Q.Gò Vấp, TP.HCM)

Chủ tàu có tiếp tay ?
Đọc bài viết mà tôi tự hỏi, liệu chủ tàu có tiếp tay cho đường dây bán lao động đi biển? Chắc chắn là có vì họ “mua” lao động với giá 10 triệu đồng/người. Cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của chủ tàu. Họ sử dụng lao động như vậy là không hợp pháp? Nếu chủ tàu làm ăn đàng hoàng, ký lao động với ngư phủ hẳn hoi thì đường dây bán lao động đi biển không thể tồn tại. Bên cạnh đó, cần đề cập đến vai trò của bộ đội biên phòng trong việc kiểm tra nhân sự trên các tàu đánh cá. Cần kiểm tra các tàu cá thường xuyên để phát hiện, giải cứu những ngư phủ đau khổ như bài viết đề cập.
Nguyễn Đức Tuấn
(Q.8, TP.HCM)
Luật sư Nguyễn Tiến Mạnh
Luật Việc làm năm 2013 quy định: Dịch vụ việc làm được tổ chức và hoạt động dưới 2 hình thức là trung tâm dịch vụ việc làm và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm. Do đó, việc các cá nhân này tự tổ chức đường dây giới thiệu việc làm cho người lao động nêu trên là hành vi trái pháp luật. Đó là chưa kể, các đối tượng này thực hiện hành vi ép buộc người lao động ký tên vào giấy vay tiền do các đối tượng này tự lập nhằm ràng buộc người lao động; bắt, giữ, đánh đập nhằm khống chế người lao động. Dưới góc độ pháp luật hình sự, đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp điều tra làm rõ dấu hiệu phạm tội về hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; buôn bán người của các đối tượng này nhằm kịp thời giải cứu người lao động thoát khỏi đường dây hoạt động trái pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến tự do, tính mạng, sức khỏe của họ đang cần được pháp luật bảo vệ.
Luật sư Nguyễn Tiến Mạnh 
(Đoàn luật sư TP.HCM)
Huỳnh Minh Phương
Với những gì phóng viên Báo Thanh Niên ghi âm, quay hình và tường thuật qua các bài viết đã đủ cơ sở để các cơ quan chức năng khởi tố vụ án theo quy định luật Hình sự. Qua đây, các cơ quan chức năng địa phương cần nhìn nhận lại trách nhiệm của mình trong quản lý trật tự an ninh tại địa phương. Không thể có chuyện người bán hàng rong ở cảng, và nhiều người biết đến sự tồn tại của đường dây bán lao động đi biển mà cơ quan chức năng không biết.
Huỳnh Minh Phương
(H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai)
An Phong - Duy Khang
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.