'Bóng hồng' chạy Grab: 'Con mồi' của bọn cướp; giảng hòa cùng xe ôm truyền thống

08/03/2019 13:06 GMT+7

Những nữ tài xế Grabbike tâm sự, dù vất vả và có nhiều bất tiện hơn đàn ông, họ vẫn kiên trì bám nghề vì... 'chạy riết bị ghiền'. Trên những cung đường, các 'bóng hồng' cũng cùng viết nên muôn mặt chuyện... Grab.

Rủ xe ôm truyền thống… chạy Grab

Có thâm niên chạy xe ôm công nghệ đã 3 năm nay, chị Thái Thảo (38 tuổi, ngụ Q.5) chia sẻ, hầu hết xe những người phụ nữ chạy xe ôm công nghệ đều thích sự tự do và có phần cá tính.
“Trước đây mình làm bếp trong một nhà hàng Hàn Quốc ở Phú Mỹ Hưng, thu nhập cũng ổn nhưng không có thời gian ở bên ba mẹ nhiều. Ông bà lớn tuổi rồi, bệnh tật cũng nhiều. Sau khi qua chạy Grab mình thấy thoải mái lắm, tuy suốt ngày ở ngoài đường nhưng nhà không may ba mẹ té ngã hay có gì gấp là mình nghỉ, chạy về được ngay, không phải xin phép ai”, chị Thảo chia sẻ.
Là chị cả trong gia đình, cũng là một người thuộc cộng đồng LGBT, chị Thảo có mái tóc cắt ngắn và vẻ ngoài khá rắn rỏi. Nếu giới xe ôm công nghệ và xe ôm truyền thống thường có những mâu thuẫn xảy ra, thì chị lại kể về câu chuyện vui của mình: “Ai không biết, chứ mình ra châm thuốc mời mấy ổng hoài. Kiểu mình cứ biết trước biết sau, tùy tình huống mà xử lý, đừng xấc xược với ai thôi. Xong mình còn tỉ tê rủ mấy ổng lên văn phòng Grab đăng ký chạy luôn mà”.
"Đơn giản là mình muốn tự do, có nhiều thời gian cho gia đình", chị Thái Thảo chia sẽ lý do chọn nghề xe ôm công nghệ HOÀI NHÂN
Phụ nữ chạy Grabbike cũng cứng cỏi chẳng kém cánh đàn ông! HOÀI NHÂN
Thế nhưng, giới tài xế xe ôm công nghệ cho biết, họ thường là những “con mồi” nằm trong tầm ngắm của các đối tượng cướp giật. Vì đặc trưng nghề phải sử dụng điện thoại ngoài đường, vô số vụ giật điện thoại đã xảy ra, đặc biệt với tài xế nữ. Thâm niên 3 năm trong nghề cầm lái, dù đã rất cẩn thận, chị Thảo cũng đã mất đến… 2 chiếc điện thoại!
“Một lần là mình vừa hoàn thành cuốc xe, đứng trước cửa nhà của khách luôn, có cô khách còn đứng đó luôn. Lúc đó cũng hơi vội ghi phiếu để nộp về công ty nên sơ hở, nó chạy qua rồi nó quay đầu lại từ đằng sau giật phăng cái điện thoại, mình đơ người luôn. Lần thứ 2 thì ở đường Phan Xích Long, mình đang đứng trên lề với nhiều anh em tài xế luôn, vừa nhận cuốc xong chưa kịp ngẩng đầu lên thì nó chạy ngược chiều giật nhanh như chớp, ai cũng há hốc mồm luôn”, chị kể lại những tình huống nguy hiểm.
Do đặc thù sử dụng điện thoại ngoài đường, nhiều nữ tài xế Grabbike dễ trở thành "con mồi" của bọn cướp giật ANH LÊ
Tài xế là nữ càng phải cảnh giác, đề phòng rủi ro trong những chuyến đi ANH LÊ
 

Thậm chí, nhiều nguy hiểm còn đến ngay trên xe, nhất là khi thấy tài xế là nữ. Chị Thảo cho biết, sau nhiều năm trong nghề, chị cũng như các đồng nghiệp đều phải học cách nhìn khách để đề phòng, cũng như để ý những đoạn đường nguy hiểm. Nếu có bất thường phải báo về cho tổ, đội gần nhất kịp thời xử lý.
“Lên xe thì kính chiếu hậu lợi hại lắm đó, các tài xế nữ nên để ý! Nếu gặp cướp thì mình xác định là bỏ xe, phải bảo vệ mạng sống mình trước. Vì còn người là còn có thể làm ra tiền mà. Còn sàm sỡ thì mình chưa bị, vì có lẽ thấy mình "men" quá không ai thèm”, chị Thảo cười, pha trò.

Chạy xe ôm vì mắc bệnh lạ

Chị Bùi Hồng Phương Thảo (38 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) cũng đã làm nghề cầm lái gần 2 năm nay, nhưng lý do vào nghề khá lạ. Cách đây 6 năm, trong khi làm bảo mẫu ở một trường mầm non, đột nhiên chị phát hiện mình bị mắc căn bệnh lạ, hiếm gặp là lupus ban đỏ hệ thống, phải nghỉ làm để điều trị.
Chị kể: “Lúc điều trị thì mình xin làm thời vụ trong công ty bao bì. Tới khi bệnh biến chứng gây viêm cầu thận độ 4, phải truyền thuốc liên tục từ 3 – 6 tháng, trong khi công ty không cho phép tuần nào cũng nghỉ 2 ngày như vậy. Mình đánh liều vay tiền mua xe đi chạy Grab để chủ động thời gian hơn, không ngờ nhờ vậy mà bệnh đỡ hơn”.
Chị Thảo chia sẻ, tuy bệnh xuống sức, nhưng khi ra ngoài chạy những chuyến xe, chị lại thấy tinh thần thoải mái hơn. Khi nào khỏe chị chạy, còn mệt thì nghỉ ngơi. Gặp anh chị em tài xế trong nghề giúp đỡ lẫn nhau, chị lại càng thấy vui vẻ và ít suy nghĩ về căn bệnh của mình hơn.
"Ngày xưa ba mình chạy xe ôm, lâu lâu có khách nhưng ba bận không đi được mình cũng có chạy thay. Giờ lại phải điều trị bệnh, nên mình chuyển sang chạy Grab luôn", chị Phương Thảo chia sẻ HOÀI NHÂN
Từ khi vào nghề, căn bệnh của chị Thảo lại đỡ hơn vì chị cảm thấy thoải mái, ít áp lực hơn HOÀI NHÂN
 
Những kỉ niệm khó quên với chị Thảo rất nhiều trong những tháng ngày cầm lái. Chị hào hứng kể: “Mấy bữa đội bóng Việt Nam mình thi đấu gây “bão” là thời điểm “cháy” tài luôn, đi mệt xỉu luôn! Mình nhớ hoài khi gọi xác nhận cuốc anh kia, ảnh vừa bắt máy lên đã rối rít: “Chị ơi, đừng nói chị gọi hủy nha! Em năn nỉ chị đó, đừng có hủy, 10 cuốc rồi không ai nhận chở em hết á!”. Sau khi chở ảnh về, ảnh còn dặn đi dặn lại: “Chị lo về sớm đi, chứ hồi Việt Nam thắng là không có đường về đâu. Tự nhiên mấy chuyện nhỏ nhỏ vậy làm mình “ghiền” cái nghề”.

Tìm được một nửa yêu thương

Nhưng “lời” nhất khi chạy Grab, đó là chị Thảo đã tìm được hạnh phúc muộn màng sau cuộc hôn nhân tan vỡ cách đây 1 năm. Chị kể, trong thời gian đầu, chị tham gia nhóm nữ cơ động để hỗ trợ tài xế. Sau khi kết thúc một buổi offline, mọi người đổ xô ra về, chẳng biết xui khiến thế nào mà “ảnh lại quơ quơ tay rồi nắm lấy tay mình”.
“Về thì kết bạn zalo, rồi làm quen dần dần. Nhưng mình khó lắm nha, 3 lần hẹn uống nước mình đều hủy, không chịu ra. Bữa kia tiện đường, ảnh lại nói có mấy anh em ở quán nước, mình mới ghé, ai dè ra có mình ảnh, mới biết bị dụ. Ngay bữa đó mẹ gọi nói con gái mình bị sốt, mẹ phải về ngoại, kêu mình về gấp. Ảnh cũng xin đi theo về, còn giúp chở mẹ mình về ngoại để mình chở bé đi khám”, chị Thảo thẹn thùng kể.
Chẳng biết chở mẹ chị đi thế nào, mà tối đó anh chàng rủ chị đi siêu thị mua sắm. Trong lúc ngồi nghỉ chân, anh đột nhiên nói với chị: “Sao em bệnh mà giấu anh”. “Vì mình mặc cảm nên không nói. Tưởng biết chuyện ảnh sẽ bỏ mình đi, ai ngờ ảnh còn thương và chăm sóc mình hơn. Vậy là “động lòng” từ đó”, chị Thảo cười.
Những cuộc gặp gỡ, chuyện trò khi đợi những cuốc xe HOÀI NHÂN
Nhiều "bóng hồng" còn lái cả những chuyến xe đêm HOÀI NHÂN
Mẹ đơn thân Phương Thảo và anh Từ Thành Phát (SN 1987, ngụ Q.5) nên duyên nhờ Grab và sắp về chung một nhà NVCC
Cũng từ những vui buồn nhỏ nhặt ấy, những nữ tài xế lại kiên trì bám trụ nghề cầm lái, mà như chị Thảo nói là “chạy riết bị ghiền”. Thế mới thấy các “bóng hồng” vẫn mạnh mẽ chẳng thua gì cánh đàn ông, dù là trên những cung đường Sài Gòn đầy nắng gió.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.