Sáng 29.5, Bệnh viện Q.Bình Thạnh đóng cổng tạm ngưng tiếp nhận người đến khám, chữa bệnh. Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện Q.Bình Thạnh tiếp nhận 1 ca nghi nhiễm và 2 ca F1 liên quan chuỗi lây nhiễm tại Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (có trụ sở ở hẻm 415 Nguyễn Văn Công, P.3, Q.Gò Vấp). Tất cả được sàng lọc và cách ly trước.
Khoảng 10 giờ 30 phút, cổng bệnh viện vẫn đóng kín, phía cổng chính và cổng giữ xe có bảng thông báo “Dừng việc thăm người bệnh tại bệnh viện để phòng chống dịch bệnh Covid-19”. Nhiều người tới khám thấy thông báo ngơ ngác nhìn xung quanh, tìm người hỏi thăm để chắc chắn thông tin rồi quay về, một số người khác mang đồ ăn tới cho người nhà phải gửi nhờ bảo vệ.
“Đóng cửa mấy bệnh viện rồi mà…”
Bên trong cánh cổng Bệnh viện Q.Bình Thạnh được đóng kín, nhiều nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ ngồi chờ phía trước để làm nhiệm vụ. Bên ngoài, một xe cứu thương đậu ngay khu vực cổng. Những người qua lại ngó biển thông báo, nhìn nhân viên y tế thì hốt hoảng hỏi thăm nhau.
|
Một cụ già ngoài 70 tuổi, dáng người nhỏ, mặc bộ đồ vải, lưng hơi còng, đeo bên vai chiếc túi vải bố ghi chữ Bệnh viện Q.Bình Thạnh lom khom tới trước cổng bệnh viện. Thấy cổng đóng, bà gọi bảo vệ mở cửa thì được thông báo quay lại sau, vì hôm nay bệnh viện ngưng nhận bệnh.
“Ủa bác sĩ hẹn tôi hôm nay mà, đóng vầy thì lại đi bộ về chứ biết sao, mất thời gian đi ra đi vô”, cụ bà nói. Lúc đó, bà Hồ Thị Thanh Thúy (54 tuổi) – nhà ở hẻm dân cư gần bệnh viện đạp xe ngang qua, dừng lại hỏi: “Trời lại đóng cửa bệnh viện hả bà?”. Cụ già chỉ vào bảng thông báo, đáp: “Đó, coi đi”.
|
Thấy vài người chạy xe máy tới cổng bệnh viện, bà Thúy thông báo: “Đóng cửa rồi, có ca nghi nhiễm tới đây khám bệnh".
Nhắc nhau ý thức phòng dịch
10 giờ 45 phút, bà L. chạy xe máy đến cổng bệnh viện mang theo một ba lô đồ, rồi nhờ bảo vệ gửi vào cho con là bác sĩ của bệnh viện. Bà L. cho hay, con bà vừa về công tác tại Bệnh viện Q.Bình Thạnh cách đây không lâu, mỗi ngày tiếp xúc với mấy trăm ca bệnh khiến bà vừa thương vừa lo. Sáng nay, khi vừa nghe tin phải cách ly, bà mang đồ đến nhờ bảo vệ gửi cho con.
|
Bà Hà Thị Lệ (45 tuổi, bán súp cua hơn 10 năm trước cổng bệnh viện) thì kể, sáng sớm bà bán ở khu vực khác, 11 giờ về tới cổng bệnh viện thì nhìn thấy thông báo dừng nhận bệnh khiến bà nơm nớp lo sợ.
“Nói không lo là nói xạo, mình phòng thì phòng chứ lo vẫn lo. Nay lỡ rồi tôi ráng đứng thêm một chút để bán cho hết để mai nghỉ chờ tình hình mới”, bà Lệ nói. Cũng chính vì không có ai ra vô bệnh viện mà xe súp cua của bà gần 2 tiếng đồng hồ vẫn chưa bán được suất nào.
|
Bà Lê Thị Thanh Hương (62 tuổi, bán tạp hóa sát bệnh viện) cũng kể, lúc hơn 9 giờ, bà thấy bệnh viện đang nhận bệnh thì đột ngột đóng cửa, đưa thông báo ra ngoài. Lát sau, có 1 người được đưa lên xe cứu thương chở đi, nhân viên y tế mặc bảo hộ kín mít xịt khuẩn khắp bệnh viện, cả khu vực cổng.
Chỉnh khẩu trang cho kín sống mũi, bà Hương chia sẻ, từ khi dịch quay lại sau kỳ nghỉ lễ, hàng tạp hóa của bà vắng khách hẳn, đa phần người mua là khách quen và vài người ở trong bệnh viện. Sau mỗi lần bán hàng bà lại vội rửa tay với cồn 70 độ như một thói quen.
Mấy ngày trở lại đây, vừa bán bà vừa đọc báo thấy thông tin một số bệnh viện phải tạm dừng nhận bệnh, đóng cửa vì liên quan đến ca nghi nhiễm Covid-19 nên có chút lo nghĩ. Dù vậy, bà vẫn mở cửa tiệm mỗi ngày, được đồng nào hay đồng đó.
|
“Cứ nay bệnh viện này, nay bệnh viện kia, mình ở ngay bệnh viện nên cứ cố gắng mà tự phòng vệ thôi”, bà bộc bạch.
Bà Thanh (45 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) vừa mang cháo đến cho mẹ ruột nằm viện thấy bảng thông báo dừng nhận bệnh của bệnh viện cũng lo sợ nói: “Mẹ tôi nằm điều trị trong đó mấy bữa nay, may có người nhà chăm trong đó nữa. Qua tôi vẫn còn mang cơm vào bên trong được, nay đóng cửa nên gửi bảo vệ đưa vô giùm. Nghe nói có ca nghi nhiễm Covid-19 từng khám cũng lo cả nhà lo sáng giờ, bà 71 tuổi rồi”. Nói rồi, bà Thanh ráng đứng lại nhìn qua cánh cổng sắt vào bên trong tìm người nhà.
Bình luận (0)