Các lò bún làm khổ cuộc sống người dân Đà Nẵng

21/09/2018 10:06 GMT+7

Nhiều lò làm bún tại Đà Nẵng ô nhiễm, “tra tấn” người dân sinh sống xung quanh, nhưng hiện chưa thể khắc phục.

UBND Q.Hải Châu (TP.Đà Nẵng) vừa tạm đình chỉ lò sản xuất bún Ông Thạnh (156 Thanh Long, P.Thanh Bình) cho đến khi hết ô nhiễm mới được tái hoạt động.
[VIDEO] Những lò bún thử thách tình nghĩa láng giềng ở Đà Nẵng
Trước đó, người dân kiệt 68 Mai Am bị “tra tấn” bởi mùi hôi thối nồng nặc của nước thải lò bún Ông Thạnh. Người dân thử đục tường kiểm tra thì nước thải tuôn tràn, chảy thẳng vào 2 nhà dân và ra đường Mai Am gây hôi thối toàn bộ khu vực. Các hộ xung quanh lò bún không thể kinh doanh buôn bán vì mùi hôi. Nhà ông Phạm Hữu Vỹ và ông Lê Bá Tâm ở sát bên cũng bị nước bẩn lò bún thấm tường, hỏng tủ bếp và hệ thống âm tường.
Đáng nói, lò bún này cũng từng bị Đội cảnh sát kinh tế Công an Q.Hải Châu, Phòng Y tế quận xử phạt 16,5 triệu đồng do các vi phạm: nguồn nước, nguyên liệu không đảm bảo... hồi tháng 10.2016. Mới đây, Q.Hải Châu đã xử phạt, buộc khắc phục ngay ống xả xì nước thải, cho cơ sở 3 ngày để sản xuất hết nguyên liệu tồn đọng rồi đình chỉ để khắc phục. “Quận sẽ hậu kiểm, nếu không đủ điều kiện thì buộc phải chấm dứt. UBND P.Thanh Bình phải chịu trách nhiệm giám sát việc này”, ông Nguyễn Minh Huy, Phó chủ tịch UBND Q.Hải Châu, khẳng định.
Còn tại kiệt 192 Tô Hiệu (P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng), người dân cũng đang kêu cứu về lò bún của ông Đặng Văn Bường. Anh Trần Văn Nhanh (36 tuổi) than thở: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị các cấp từ phường đến quận di dời lò bún nhưng không được giải quyết dứt điểm, thậm chí cho đến tháng 12.2017, lò bún vẫn chưa có giấy phép kinh doanh nhưng không bị dẹp hẳn mà cho bổ sung giấy phép”.
Đến tháng 3.2018, UBND Q.Liên Chiểu vào cuộc, đình chỉ lò bún nhưng sau đó người dân phản ánh vẫn lén lút hoạt động ban đêm, “tra tấn” người dân.
Trao đổi với PV Thanh Niên, UBND P.Hòa Minh thừa nhận từ 2012 đến tháng 12.2017, lò bún không có giấy phép. Tháng 1.2018 được cấp phép nhưng hiện nay đang bị đình chỉ 3 tháng để khắc phục, nếu kết quả kiểm tra nước thải không đạt thì chắc chắn di dời.
Bà Phạm Thị Như Hồng, Phó chủ tịch UBND P.Hòa Minh, cho biết thêm mặc dù phường chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc giám sát, giải quyết ô nhiễm nhưng việc cấp phép và rút phép các cơ sở này lại không thuộc thẩm quyền của phường. “Nếu khi cấp phép có tham khảo ý kiến địa phương thì chắc chắn phường sẽ ngăn chặn ngay từ ban đầu”, bà Hồng nói.
Ông Nguyễn Minh Huy, Phó chủ tịch UBND Q.Hải Châu, cũng cho biết sản xuất bún là một trong 19 ngành nghề mà TP đã có chủ trương hạn chế hoạt động trong khu dân cư, có định hướng di dời ra khỏi trung tâm để tránh ô nhiễm. Tuy nhiên, việc chuyển đổi các nghề ô nhiễm, hoặc di dời hiện nay chủ yếu nhờ sự vận động và hợp tác của chủ cơ sở. Tại Q.Hải Châu, trong hai năm 2016 - 2017 đã giảm được 98 cơ sở, còn 89 cơ sở không tự chuyển đổi được nên phải chờ hỗ trợ.
Ông Huy và bà Hồng cùng quan điểm đề xuất TP bên cạnh hình thành cụm công nghiệp nhỏ tập trung, cần có cơ chế hỗ trợ di dời đồng bộ thì mới nhanh chóng đưa được toàn bộ các hộ sản xuất ra khỏi khu dân cư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.