Những con đường "oằn" lưng gánh cao ốc ngày càng nhiều và trở thành nỗi ám ảnh với người dân TP.HCM.
"Bi kịch" đường ven sông
Chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm trở lại đây, từ con đường thoáng đãng, gió mát lộng cho cả vùng phía trong, giờ đây, đường Bến Vân Đồn (Q.4) trở thành một hàng rào đan kín bởi các cao ốc căn hộ.
tin liên quan
Hạn chế dự án 'ăn ké' hạ tầngThực tế thời gian qua ở TP.HCM nở rộ các dự án “ăn” theo hạ tầng. Đơn cử dọc tuyến metro, tuyến cao tốc, xa lộ Hà Nội, những tuyến đường dự phóng, các tuyến sẽ mở rộng lộ giới... dự án mọc lên như nấm.
Nhưng con số này vẫn chưa dừng lại bởi các khu đất trống trước đây là kho bãi đang tiếp tục được các doanh nghiệp (DN) “khui” ra xây chung cư do lợi thế nằm kế bên sông Sài Gòn. Theo tính toán sơ bộ, với gần 20 cao ốc cả trực tiếp và gián tiếp sử dụng hạ tầng của đường Bến Vân Đồn đã có khoảng chục ngàn căn hộ. Tính bình quân mỗi căn hộ khoảng 4 người thì số lượng người sống tại các cao ốc này khoảng 40.000 người, trong khi dân số toàn Q.4 chỉ 200.000 người.
Trục đường Nguyễn Hữu Thọ đoạn từ Q.7 đến H.Nhà Bè hàng loạt dự án bất động sản mọc lên chen đặc hai bên đường khiến tình trạng kẹt xe trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân sống ở khu Nam TP khi di chuyển vào trung tâm. Ước tính hai bên đường đã có hàng chục dự án với khoảng 100.000 căn hộ, chưa tính số lượng nền đất khổng lồ.
Đó là chưa kể hàng loạt trường đại học nằm mặt tiền như Đại học Cảnh sát, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Sài Gòn, Đại học Rmit, Đại học Marketing và hàng triệu dân sống trên địa bàn Q.7, H.Nhà Bè. Chỉ tính riêng dọc hai bên đường hiện nay đang có khoảng 400.000 dân sống trong các cao ốc chung cư, gấp 2 lần dân số Q.4.
“Cõng” số lượng dự án quá lớn trong khi đoạn đường Nguyễn Hữu Thọ từ Nguyễn Văn Linh đến cầu Kênh Tẻ mỗi bên chỉ có một làn ô tô và một làn xe máy, dù chỉ dài khoảng 2,5 km nhưng để di chuyển qua điểm nóng này, buổi sáng người đi xe ô tô phải mất gần 1 giờ mới có thể đến được trung tâm TP.
tin liên quan
Hiến kế chống ùn tắc giao thông tại TP.HCM: Giãn dân bằng khu trung tâm mớiViệc nén các cao ốc vào lõi trung tâm trong khi hạ tầng không theo kịp là một trong những nguyên nhân góp phần làm ùn tắc giao thông.
Đường không còn “khoảng thở”
Ngay đầu đường 3 Tháng 2 đoạn bùng binh Dân chủ giao với hàng loạt tuyến đường khác thường xuyên xảy ra kẹt xe nhưng tại đây TP cũng cấp phép cho một tập đoàn xây dựng dự án rộng đến gần 7 ha, với 8 tòa tháp chung cư, gồm 2.187 căn hộ và 115 căn nhà phố liên kế.
Với bình quân mỗi căn hộ chỉ 4 người ở, thì dự án này đã kéo gần 10.000 dân về đây sinh sống, chưa tính khách vãng lai đến vui chơi, mua sắm tại các trung tâm thương mại của dự án. Cạnh đó là khu tòa nhà văn phòng của Tập đoàn Viettel được xây dựng trên khu đất 112.000 m2, với 2 tòa cao ốc cao 28 tầng...
Đường Phổ Quang (Q.Tân Bình) là một trong số những con đường siêu nhỏ nhưng cũng phải “gánh” số cao ốc khổng lồ trên “lưng”. Đoạn đường gần 2 km, 2 làn xe mà có đến hơn chục tòa chung cư với khoảng hơn 3.000 căn hộ.
Từ phía Phan Đình Giót chạy vào Phổ Quang, ngay bên cạnh cao ốc của Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng cấp thoát nước là 3 tòa chung cư đang dần hoàn thiện thuộc dự án Sky Center. Chạy một đoạn chưa đầy 50 m nữa, một dãy dài 6 chung cư đang được xây dựng hai bên đường.
tin liên quan
Không xây cao ốc nơi chưa hoàn chỉnh hạ tầng giao thôngCác cơ quan chức năng sẽ không giải quyết cấp phép xây dựng cho những công trình cao ốc tập trung đông người trên các trục đường, khu vực chưa đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch được duyệt.
Chị Lan, bán nước trên đường Phổ Quang, than thở: “Khu vực này có rất nhiều văn phòng nên bình thường đã rất hay kẹt xe. Từ ngày hàng loạt các công trình được khởi công, dân xây dựng đổ ra giờ cao điểm khiến tình trạng kẹt ngày càng dữ dội. Đoạn này còn có một trường học. Khi các chung cư kia hoàn thành, dân đổ về đây sống thì chắc bước chân ra đường không được, kẹt cả người chứ đừng nói kẹt xe”.
“Có lợi ích nhóm”
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, hiện nay việc cấp phép xây dựng của TP đang được thực hiện tràn lan, không khoa học, nguyên nhân chính là do 3 cơ quan nhà nước gồm Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng chưa có sự phối hợp tốt.
Cách làm hiện nay là cấp phép theo quy hoạch hạ tầng tương lai chứ không phải theo hạ tầng hiện hữu nên hạ tầng không theo nổi. Khi kẹt xe, ách tắc, bên giao thông lại “nhảy” vào xử lý kiểu theo đuôi, tắc đâu chữa đấy, tạo nên một bức tranh giao thông đô thị nhếch nhác, chồng chéo, lộn xộn.
|
“Đơn cử như khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh, tuyến metro chưa biết bao giờ mới hoàn thành, cầu Tôn Đức Thắng cũng chưa thấy, đường Nguyễn Hữu Cảnh thì ngập lụt xuống cấp bao năm rồi nhưng đã có rất nhiều dự án xây dựng được cấp phép quanh khu vực này. Đành rằng các dự án giao thông hạ tầng đều đã có trong quy hoạch của TP, nhưng chưa hiện hữu, nhà cao tầng mọc lên, dân cư đổ đến rồi sao giao thông, hạ tầng theo kịp?”, ông Sơn đặt vấn đề.
Đồng tình, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học kỹ thuật môi trường - Ủy ban MTTQ TP.HCM, nói thẳng trong quá trình phát triển mấy chục năm qua, kinh tế - xã hội trên địa bàn TP phát triển tới đâu thì địa bàn khu dân cư tự phát “nở” ra theo tới đó.
tin liên quan
TP.HCM mở thêm cầu, đường có hết kẹt xe?TP.HCM đã và đang chủ trương triển khai nhiều dự án mở đường, xây cầu vượt tại các điểm nóng giao thông. Tuy nhiên theo ý kiến một số chuyên gia, nếu chỉ mở đường, xây cầu, giao thông không vì thế mà bớt tắc nghẽn.
Không cấp phép khi hạ tầng không đảm bảo
Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các cơ quan chức năng không cấp phép xây dựng cao ốc, khu chung cư khi hệ thống hạ tầng giao thông tại khu vực không đảm bảo, nhằm tránh ùn tắc giao thông ngày càng tăng. Điều này theo các chuyên gia là cần thiết, bởi hiện nay việc cấp phép xây dựng cao ốc thường căn cứ vào quy hoạch hạ tầng. Tuy nhiên có một thực tế đường thì đứng im, không triển khai đầu tư theo quy hoạch trong khi cao ốc mọc nhanh như nấm sau mưa.
|
Bình luận (0)