Cầu xin Thánh thần

1. Tôi và hai anh em nhà văn Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Quang Vinh có quen một người tên Thành, quê ở Quảng Thuận, Quảng Trạch cách đây hơn 25 năm rồi.

Thành buôn trầm, giàu có tiếng.
Năm đó ra tết, Thành mời về nhà cúng đưa ông bà. Ba chúng tôi ngồi uống nước trà. Thành thắp hương khấn vái, giọng sang sảng, có đoạn thế này: “Năm mới, cầu mong ông bà tổ tiên phù hộ độ trì cho con lừa trên thắng trên, lừa dưới thắng dưới, lừa cú nào thắng cú đó”. Ba đứa nghe muốn té xỉu.
Đến khi bàn luận về chuyện này, Thành bảo, mình làm nghề buôn trầm, không lừa thằng khác để trầm loại 3 thành loại 1 thì lấy đâu ra lời lãi. Lừa thì nói lừa, xin ông bà cho mình lừa thắng. Có chi nói thẳng cho rồi, úp mở quanh co làm gì. Ông bà thương cái tính thẳng thắn thật thà mà phù hộ. Thành thật thà với người đã khuất nhưng xin lừa đâu thắng đó tức là không thật thà với người khác, vậy mà vẫn tâm niệm thật thà thì được phù hộ. Con người lạ thế đó.
2. Năm 1997, về nhà anh chị ở Nam Định, cũng dịp tết, anh tôi dắt đi đền Trần.
Lần đầu tiên thấy một chị U.50 và hai đứa con độ tuổi thanh niên “bao sô” ông thầy ngồi khấn cho gia đình suốt 2 tiếng. Ông thầy khấn nhiều, bài bản. Đến đoạn chị khấn thì chị khấn cầu cho một người nào đó bị trời đánh để chồng chị lên thay. Nghe kinh luôn. Xong, chị và hai cậu con trai cứ thế cầm xấp tiền tờ 100 USD đi nhét hết chỗ này đến chỗ khác trên các bàn thờ. Bà con đứng nhìn lác mắt.
Chị ta vừa quay đi thì bao nhiêu người xông vào cướp tiền.
Ra về, tôi hỏi anh mình, anh này, nếu chị ấy khấn thế là ứng nghiệm thì thần thánh gọi là linh thiêng à?
Anh cười méo xẹo.
3. Tôn giáo nào sinh ra cũng để đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người. Người VN lại rất có khát vọng làm giàu. Vì thế, đi chùa không phải để tịnh tâm mà là để cầu xin. Chủ yếu là cầu tài lộc, bổng lộc, chức tước, địa vị... Có, nhưng người cầu an ít hơn hoặc là thứ yếu.
Cũng để đáp ứng khát vọng muốn giàu nhanh đó, trên mạng sinh ra rất nhiều trang nói về chuyện cúng bái khiến không ít người mê muội. Cái gì cũng làm theo, tốn kém nhiêu khê mấy cũng làm. Nhưng tôi đồ rằng, trong số họ, rất ít người thắp một cây nhang rồi dừng lại một chút cho tịnh tâm. Gọi là thắp nhang có tâm. Họ chỉ làm đúng chừng đó thủ tục, làm cho nhanh rồi ngồi... chờ giàu.
Nếu họ làm thế mà giàu thì thần linh có linh thiêng không?
4. Một người học hành chữ nghĩa đầy mình, một quan chức được trang bị bao nhiêu là kiến thức để lãnh đạo, quản lý... ngồi run rẩy trước một người mù chữ, một dạ thầy, hai dạ thầy... bảo đập nhà là về đập nhà, bảo bỏ vợ là bỏ vợ, bảo từ con là từ con? Thần linh hiển linh là thế sao?
Có ông bà tổ tiên nào lại không yêu thương con cháu mình, không muốn phù hộ độ trì mà lại quở phạt, đày đọa người sống? Vậy mà bao nhiêu người tin theo, nghèo khó đến mấy cũng phải vay mượn để sắm lễ nghĩa nhờ thầy cúng bái hết lần này đến lần khác, đổ nợ vì cúng bái để mong ông bà thôi quở phạt.
Có ông bà nào muốn thế không?
Người dân thì tranh nhau cướp lộc, bao nhiêu lễ hội đâm trâu, chém lợn, địa phương nào cũng thi nhau làm bánh khủng, rượu khủng, bia khủng… để dâng thánh thần. Đã thánh thần thì thanh tao, ai lại ăn nhiều đến thế? Thánh thần nào coi chuyện máu me đâm trâu, chém lợn là chuyện tiêu khiển?
Cán bộ thì dùng xe công, đi đền chùa miếu mạo trong giờ hành chính, thánh thần sao lại có thể phù hộ những người đó chứ?
Bao nhiêu người chầu chực dưới trời mưa rét để chờ đến luợt vào chùa giương sao giải hạn, sao các bậc thánh thần không giương sao giải hạn hết cho tất cả mọi nguời, kể cả những nguời không có thời gian và không có cả tiền để đến đây?
Thánh thần chả phải sinh ra để làm phước đức sao?
Mấy năm trước, một người giúp một khu tâm linh 15 tỉ đồng để làm một tượng Phật khá lớn. Bà này bắt sửa đi sửa lại, cho đến khi mặt của tượng Phật bà giống bà mới được. Vậy thì cuối cùng ai mới là Phật?
5. Tôi đã chứng kiến không ít lần người khác đưa tiễn người thân đến nơi yên nghỉ vĩnh hằng và cũng chứng khiến khi họ về rồi thì hương tàn tro lạnh. Chưa hề thấy ai quay trở lại đốt một nén nhang.
Đành rằng, ai cũng phải sống cho mình chứ không, thời gian đầu mà sống cho người chết, nhưng hình ảnh đó rất đời, nó phũ lắm.
Đôi khi tự hỏi, vậy người chết có linh thiêng không?
Bản thân tôi không theo một tôn giáo nào, cũng không đủ trình độ hiểu biết để nói rằng có một thế giới tâm linh đang tồn tại, thế nhưng tôi tin quy luật vạn vật hấp dẫn. Nếu anh suy nghĩ tích cực, hướng thiện thì vũ trụ sẽ hấp dẫn năng lượng tích cực cho anh.
Xét về mặt tâm lý thì điều đó cũng có cơ sở. Nếu người có góc nhìn tích cực thì họ sẽ sống tích cực và ngược lại.
Nếu gọi năng lượng đó là thần linh, hoặc giả, có thần linh hiển linh thì tôi cầu mong:
Hỡi các vị thần linh, những hương hồn linh thiêng, hãy phù hộ độ trì cho những người mưu sinh lam lũ. Trước mặt con đây, có nhiều người, ngày nắng cũng như ngày mưa đi lượm từng mẩu sắt vụn, từng vỏ chai nước. Họ là những người chăn bò thuê; những người kiếm củi, những người quét vôi, dọn dẹp, tưới tắm cho cây cối, ai thuê gì làm nấy trong nghĩa địa để kiếm sống. Họ không cầu xin lừa đâu thắng đó, không cầu cho người khác bị trời đánh, họ thay mặt những người bận rộn chăm sóc quý ngài; có người hết ngày này sang tháng khác đi thắp từng cây hương, sửa từng cây hoa mà không cần ai nhờ đến, không có thù lao đặng để mua hương, chừng đó không đủ để quý ngài động lòng sao?
Con cầu xin các ngài đấy!
Những người già và những đứa trẻ ngồi bên đống lửa từ 3 giờ sáng. Họ ngồi như thế để chờ một tiếng gọi, một cuộc điện thoại kêu việc...
Con tự hỏi, nếu không có đống lửa thì họ ngồi đâu?
Để họ khổ cực mãi thế kia, con xin hỏi, đời nó thế, chẳng lẽ chốn không đời các ngài cũng đời như thế?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.