Mê tò he, sống nhờ tò he
Nhắc đến tò he là nói về những ký ức tuổi thơ bình dị gắn bó với bao thế hệ người Việt. Giữa sự vội vã, nhộn nhịp của cuộc sống, nét đẹp văn hóa này vẫn âm ỉ sống trong lòng Hà Nội. Làng Xuân La (xã Phượng Dục, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) có anh Đặng Văn Hậu (34 tuổi) vẫn say sưa, tỉ mỉ tạo ra những hình khối ngộ nghĩnh cho trẻ em suốt 16 năm qua.
Sinh ra trong một gia đình làm nghề tò he truyền thống, tuổi thơ của anh Hậu là những ngày tháng theo ông đi lễ hội xem ông nặn “con giống” từ nhiều thứ bột. Dần dần, với niềm đam mê và được ông chỉ dạy tận tình, anh quyết định gắn bó với nghề nặn tò he, giữ gìn làng nghề truyền thống trước sự “lên ngôi” của đồ chơi công nghệ.
Nói về quyết định theo nghề nặn “con giống”, anh Hậu cho biết: “Tôi tự hào với nghề này, nó mang lại niềm vui cho mọi người. Mỗi người có quyền chọn cho mình mỗi nghề khác nhau nhưng tôi cảm thấy nghề tò he hợp và có duyên với tôi. Tính cách khá trầm nhưng thích giao lưu, mang lại niềm vui cho mọi người, tôi nghĩ nghề nặn tò he là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình”.
Giữa rất nhiều sự lựa chọn nhưng anh Hậu vẫn quyết định theo đuổi niềm đam mê, lấy đó làm thu nhập nuôi bản thân và gia đình. Hằng ngày, anh nặn bán tò he trên phố đi bộ Hồ Gươm và các khu phố du lịch ở Hà Nội.
Anh quan niệm muốn giữ được nghề phải phát triển được nó. Theo anh Hậu, nặn tò he không khó, quan trọng nhất cần sự tỉ mỉ và tâm huyết.
“Làm bông hoa nên làm từ trên xuống dưới, làm hình người thì nặn từ dưới lên trên, các con vật thì làm từ trong ra ngoài. Theo quan niệm dân gian đồ chơi trẻ con luôn có màu sắc theo quy luật “nhất đỏ nhì vàng” nên sản phẩm có màu tươi tắn sẽ hấp dẫn trẻ, dễ bán hơn. Không riêng gì nghề làm tò he, các nghề khác cũng vậy, cứ để tâm huyết của mình khi làm vào đó thì sản phẩm sẽ đẹp”, anh Hậu cho hay.
|
“Tôi luôn thay đổi mẫu mã, hình giống có màu sắc hấp dẫn để gần gũi với cuộc sống trẻ con bây giờ. Cả phụ huynh và nhà trường đều mong con tiếp xúc đồ chơi mang tính giáo dục, do đó tò he vẫn có đất để phát triển”, Anh Hậu nói.
Truyền nghề miễn phí
Mặc dù chứa đựng những giá trị sâu sắc về cuộc sống nhưng tại làng Xuân La, các nghệ nhân nặn bột chủ yếu là người già. Đó cũng là điều khiến anh Hậu trăn trở, tìm cách để giữ gìn làng nghề truyền thống trong nhiều năm qua.
Những năm gần đây, anh Hậu mở lớp dạy miễn phí cho các em học sinh từ lớp 6 - 12 với mong muốn nhiều người trẻ tiếp nối truyền thống cha ông, gìn giữ hồn cốt của làng nghề. Anh muốn đào tạo, chỉ dạy tận tình để các bạn trẻ cùng anh gắn bó, sống bằng chính nghề nghiệp cha ông để lại.
“Để nặn được tò he, người học phải biết cách tạo hình tốt, có sự kiên trì, tỉ mỉ mới làm được. Một tháng có thể học được, nhưng thời gian đòi hỏi phải liên tục. Các bạn trẻ còn vướng bận việc học nên không thể học thời gian lâu dài. Nếu không có sự rèn luyện thường xuyên sẽ nhanh quên và phải học lại từ đầu”, anh Hậu nói về những khó khăn khi nhiều người trẻ tiếp cận với nghề tò he.
Cũng theo anh Hậu, các nghề khác có thể đào tạo từ ba – sáu tháng là kiếm được tiền nhưng nghề nặn tò he phải lâu hơn. Do vậy, anh Hậu đang tìm cách liên hệ với các tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ tiền học, tiền lương cho những người trẻ mong muốn gắn bó với nghề.
Những năm gần đây, anh Hậu còn nhận lời mời đến dạy và biểu diễn cho các em học sinh vào những buổi học ngoại khóa. Vừa chỉ dẫn cho các em từng đường nét, anh vừa kể cho các em nghe những bài học sâu sắc ẩn chứa trong từng “con giống bột”.
Nói về những dự định trong thời gian tới, anh Hậu cho biết bản thân sẽ xây dựng giáo trình dạy nghề để sau này có thêm tư liệu cho những ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu sâu nghề tò he.
“Song hành với đó, tôi vẫn tiếp tục đi dạy ở ngoại khóa trường học, làm workshop cho khách nước ngoài, bán hàng trên phố đi bộ Hồ Gươm, làm bột để bán cho mọi người trong làng, bột năng, bột nếp,… Tôi cũng muốn đưa tò he giới thiệu với khách du lịch để văn hóa tò he được nhiều người biết đến hơn”, anh Hậu cho hay.
Nét đẹp văn hóa của nghề tò he luôn động lực để nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu miệt mài tìm cách lưu giữ, bảo tồn làng nghề truyền thống giữa sự phát triển của xã hội hiện đại.
Bình luận (0)