Cháo vịt Thanh Đa nức tiếng và chuyện chữ 'gốc' khiến bao người Sài Gòn thắc mắc

17/04/2019 12:02 GMT+7

Cháo vịt Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) từ lâu nức tiếng ngon. Nhưng vì sao vài quán nổi bật trong số đó như quán Gốc Nhà Lá, Thu Nga Gốc… lại có tên lạ cùng có chung chữ “Gốc”?

Gốc Nhà Lá, Thu Nga Gốc và danh tiếng cháo vịt Thanh Đa

Ở Thanh Đa có rất nhiều quán cháo vịt, từ bình dân cho đến sang chảnh nhưng người dân xung quanh và khách quen ăn đều biết khu vực này có hai “ông lớn”, được coi là những quán cháo vịt ngon và lâu đời. Đó là quán Gốc Nhà Lá và Thu Nga Gốc.

Hai quán cháo vịt lớn nằm trên đường Bình Quới (Q.Bình Thạnh) nên rất dễ tìm, qua cầu Thanh Đa (cầu Kinh) nhìn bên tay phải là thấy liền. Hai quán cháo chỉ cách nhau vỏn vẹn hai căn nhà.

Điều đầu tiên gây ấn tượng với thực khách là không gian quán rộng rãi, một chiếc tủ kính lớn treo một hàng những con vịt luộc béo ngậy được đặt ngay phía cửa ra vào hấp dẫn thị giác. Hai quán đều mở từ khoảng 8 giờ sáng cho đến 22 giờ nhưng đông nhất khoảng chập tối.

Hai quán cháo vịt có tiếng lại ở cạnh nhau ANH LÊ

Bà Lê Thị Thu Ngân, chủ quán cháo vịt Gốc Nhà Lá, cho biết: “Quán cháo vịt của gia đình bắt đầu có giấy phép kinh doanh vào năm 1980 nhưng đã mở bán trước đó vài năm, bây giờ tôi là chủ đời thứ 2”.

Như vậy quán của bà Ngân năm đã bán được gần 40 năm nay. Nói về tên tuổi của cháo vịt Thanh Đa, bà Ngân cũng lắc đầu không biết cái “thương hiệu” này có từ bao giờ nhưng theo bà nghĩ đó là do chất lượng của món ăn.

Vậy vì đâu mà cháo vịt Thanh Đa lại nức tiếng gần xa đến như vậy? “Tôi nghĩ do người ta ăn ngon nên giới thiệu cho bạn bè đến ăn, với lại ở đây cũng có nhiều quán cháo vịt chất lượng gắn với địa danh Thanh Đa nên người ta gọi như vậy”, bà Ngân cho hay.

Khi hỏi về bí quyết tạo nên món vịt ngon bà Ngân chỉ cười kể cũng có rất nhiều người cũng hỏi bà câu hỏi ấy, bà giải thích: “Vịt luộc thì cũng không có bí quyết đặc biệt, nhưng cái tạo nên chất lượng món ăn chính là ở nguyên liệu. Nhà tôi không phải nhập vịt từ các trang trại nuôi vịt mà trực tiếp xuống Tây Ninh mua vịt của người nông dân. Sau đó mang về cho vịt ăn thóc thêm một tháng nữa thì mới mang đi chế biến. Như vậy con vịt của mình nó không bị mỡ và có mùi thơm”.

Vịt được xếp đẹp mắt ngay lối ra vào ANH LÊ

Bà Phạm Thị Diệu (ngụ Q.7, TP.HCM) là khách quen của quán Gốc Nhà Lá đã 20 năm. Bà chia sẻ: “Gia đình cô ở tút bên quận 7 chạy qua đây ăn do ăn quen rồi, mấy chục năm rồi thịt vịt nó vẫn ngon, ngọt, nhiều thịt và không bị dai”.

Trong khi đó, bà Ngọc Nga (người thân và cũng là quản lý của quán cháo vịt Thu Nga Gốc từ khi mới mở đến nay) cũng cho hay cách lấy vịt và chăm vịt để thịt ngon cho quán cũng giống với Gốc Nhà Lá.

“Tôi nghĩ tên tuổi cháo vịt Thanh Đa là do ở đây bán lâu năm, vịt mua ở quê rồi nuôi thêm mới mang đi làm nên nó đâu có mỡ đâu. Do không qua tay thương lái nên giá cả bình ổn và chất lượng nên người ta đến ăn nhiều”, bà Nga cho hay.

Thịt vịt ở cả hai quán được thực khách nhận xét là ngon, ngọt và không bị dai ANH LÊ

Ông Phan Thanh Hòa (52 tuổi, ngụ Q. Bình Thạnh, TP.HCM) là khách hàng thường xuyên của cháo vịt Thu Nga Gốc, chia sẻ: "Tôi được bạn bè giới thiệu đến ăn thấy ngon nên thường xuyên đưa gia đình đến ăn ở quán này. Ở đây món nào cũng ngon, từ vịt, cháo cho đến gỏi. Nhưng điểm đặc biệt tôi thích là cách lựa vịt của quán, nó mềm và nhiều thịt nhưng không bị bở. Tôi cũng có ăn thử nhiều quán khác rồi nhưng ở đây vẫn là ngon nhất”.

Sự thật về chữ “Gốc” trong tên quán

Hai quán cháo vịt nổi tiếng khu Thanh Đa đều có một đặc điểm dễ thấy đó là trên biển hiệu đều có ghi chữ “Gốc”. Ban đầu tôi nghĩ thầm do hai quán cạnh tranh nhau, quán nào cũng nhận mình là mở ra trước nên mới ghi chữ "Gốc" như vậy, nhưng sự thật không phải như thế.

Theo lời của bà Thu Ngân, lí do chính mà quán thêm chữ "Gốc" vào là do sợ bị nhầm lẫn với những quán khác. “Do mẹ tôi bán hồi xưa đến giờ sau này nhiều quán ra quá nên phải ghi chữ "Gốc" để người ta phân biệt. Cháo vịt Thanh Đa là thương hiệu nó gắn với cái địa danh này còn tên của quán mình là Gốc Nhà Lá”, bà Ngân nói.

Không gian thoáng mát, rộng rãi ở quán gốc Thu Nga ANH LÊ
Chập tối, thực khách đến các quán cháo vịt đông nghẹt ANH LÊ

Bà Ngân cũng khẳng định quán của gia đình mình là quán mở đầu tiên ở khu vực này còn quán bên cạnh hơn 10 năm sau mới mở. Hai quán cũng không cạnh tranh bởi vì quyền quyết định là ở thực khách.

Hỏi quản lý của quán Thu Nga Gốc thì tôi mới vỡ lẽ, thì ra chủ của hai quán hiện tại là chị em ruột của nhau.

Bà Ngọc Nga kể: “Ngày xưa chủ quán Thu Nga Gốc theo ba mẹ bán quán cháo vịt Gốc Nhà Lá được 10 năm, sau khi lập gia đình thì tách ra mở cửa hàng riêng. Từ đó đến nay, hai cửa hàng làm ăn riêng, mỗi quán lại có cách thu hút khách của mình nên không phải cạnh tranh gì”.

Còn việc để chữ "Gốc" là do quán cháo vịt Thanh Đa Thu Nga Gốc chỉ có một quán duy nhất, không có chi nhánh nào cả, sợ có nhiều người sử dụng tên tuổi của quán để kinh doanh ảnh hưởng đến uy tín của mình nên quán mới thêm chữ "Gốc" để khách hàng khỏi nhầm lẫn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.