Ở Cửa Đại (TP.Hội An, Quảng Nam), đúng mùa để thưởng thức còng gió là tầm tháng 7 âm lịch, thời điểm xuất hiện nhiều còng lớn, có càng có cựa to, bụng đã chuyển sang màu gạch sẫm, thịt còng béo ngậy.
Còng gió còn gọi là dã tràng, có họ hàng với cua, ăn các loại phù du trong sóng biển. Còng thường đào hang sống trên bãi cát ven biển. Anh Nguyễn Ba (ngụ P.Cẩm An, TP.Hội An), ngư dân có thâm niên trong nghề bắt còng, cho biết: “Mặc dù còng hình dạng nhỏ, chỉ bằng ngón chân cái, nhưng điểm mạnh chính là ở đôi càng của nó - thứ vũ khí hết sức đáng sợ. Càng nó rất khỏe, mép càng sắc như dao, kẹp một phát là đứt ngay. Đặc biệt, những ai không chuyên nghiệp thường khó nhận dạng bởi còng có màu vàng pha trắng điệp cùng màu cát”.
|
Để bắt còng cần phải hiểu tập tính sống của nó, chọn những ngày tối trời, vì dịp sáng trăng thịt còng không ngon. Trong đêm tối, sau khi đã no mồi, còng tự bỏ hang, vùi mình trong cát mà không cần đào hang. Nhiều người dùng xô lớn để bẫy còng. Đào một hố cát sát mép nước rồi đặt xô thấp hơn mặt đất, trong đáy xô bỏ vài con cá ươn. Đánh hơi thấy mùi cá, còng mon men tới chén và rơi vào xô. Nắm bắt được đặc tính háu ăn của còng, người đi bắt sẽ bội thu.
Anh Nguyễn Viết Tình, sinh ra và lớn lên ở làng chài sát biển Cửa Đại, chia sẻ: "Ngày xưa, đám trẻ chúng tôi đến hè là rủ nhau đi bắt còng. Lúc ấy, còng nhiều vô kể, tha hồ bắt. Bây giờ, còng ít dần và rất khôn. Chúng đào hang ngoắt ngoéo trong lòng cát có khi kéo dài hàng thước. Còng càng to càng khôn, ít khi đào hang theo đường thẳng mà thường đột ngột ngoặt rẽ. Khi bị bắt, có con còn ranh ma giả chết, nằm xuôi xị".
|
Còng bắt được đem về được tỉ mỉ làm sạch mai, vặt bỏ vuốt chân nhọn rồi rửa sạch. Gặp hôm biển động, sóng to gió lớn, còng được xào sả ớt, rang muối, cả nhà vừa ăn vừa xuýt xoa. Những hôm trời trở gió tây nam nóng bức, còng được nấu canh chua, bổ dưỡng không chê vào đâu được. Hôm nào đổi món thì sẽ có cháo còng nóng hổi vừa thổi vừa ăn.
Với món cháo, trước tiên mang còng đi xả nước để trôi hết cát biển rồi tách mai, yếm để lấy gạch. Một ít còng sẽ được đem giã nhuyễn, sau đó lọc lấy nước đặc sệt để nấu cùng cháo. Số còng còn lại ướp gia vị hành, tiêu, tỏi… cho vừa khẩu vị. Thịt còng qua sơ chế cho vào chảo đã phi dầu với hành thơm, xào chừng mươi phút. Khi nồi cháo đã nhừ, đổ thịt còng vào. Dùng vá đảo đều, nêm nếm cho vừa khẩu vị, nhắc xuống. Cháo còng múc ra ăn nóng ngay, cách điệu thêm ít hành hoa và rau mùi thái nhỏ vừa trang trí vừa thêm vị. Nồi cháo ươm màu vàng gạch còng vơi đi lúc nào không hay.
Bình luận (0)