"Chê" cầu đi bộ, người dân băng ngang đường sắt đi
|
Theo tìm hiểu của chúng tôi, do nút giao thông quốc lộ 217B nằm ngay cửa ngõ thị xã Bỉm Sơn (hướng từ thành phố Thanh Hóa ra Hà Nội), nên trước đây UBND thị xã Bỉm Sơn đã quy hoạch nút giao thông này nhằm tạo thuận tiện cho các phương tiện lưu thông, đồng thời tạo điểm nhấn về cảnh quan cho thị xã.
Đến năm 2016, khi có nguồn vốn để đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Thanh Hóa và các ngành liên quan khảo sát thực địa đã quyết định di chuyển vị trí xây dựng cầu vượt quốc lộ 1A và vượt đường sắt vào quốc lộ 217B cách vị trí cũ hơn 400 m (hướng về thành phố Thanh Hóa). Đồng thời, triển khai xây dựng cây cầu đi bộ bằng sắt để vượt đường sắt (ở vị trí cũ Km 143+250) chiều dài 14 m, cao 6 m, với tổng đầu tư 2 tỉ đồng.
|
Các cơ quan chức năng quyết định di chuyển vị trí xây dựng nút giao do nếu đầu tư ở nút giao cũ thì phải giải phóng nhiều công trình, nhà dân, đền bù đất…, tổng mức đầu tư khoảng 500 tỉ đồng, trong khi di chuyển vị trí cách vị trí cũ hơn 400 m thì chỉ đầu tư hết 226 tỉ đồng.
Ngày 31.7.2018, sau khi công trình hoành thành đưa vào sử dụng, các cơ quan chức năng đã tiến hành đóng gác chắn đường sắt tại nút giao cũ, các phương tiện cơ giới từ quốc lộ 217B nhập vào quốc lộ 1A và ngược lại phải đi vòng để lên cầu bê tông. Riêng người đi bộ muốn qua đường sắt phải đi qua cầu vượt đường sắt tại vị trí cũ.
Thực tế, đã hơn 4 tháng đóng đường, hằng ngày có rất ít người dân đi qua cầu, mà chủ yếu chui qua hàng rào để vượt đường sắt, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn đường sắt. Đáng chú ý, điểm giao cắt với đường sắt này nằm giữa xã Quang Trung, một bên gồm UBND xã, các trường cấp 1 và cấp 2, bên còn lại là chợ, trạm y tế và trường mầm non, nên ngày nào cũng có rất đông người dân qua lại, mang vác các vật dụng, hàng hóa, thậm chí vác cả xe đạp để vượt hàng rào đi trực tiếp qua đường sắt chứ không đi qua cầu đi bộ.
|
Bà Hoàng Thị Nhung (54 tuổi, ngụ tại thôn 6, xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn), cho biết ngày nào bà cũng vượt qua đường sắt bằng cách chui qua hàng rào chứ không đi trên cầu. “Tôi đi chợ mỗi ngày và thường đi bằng xe đạp. Cứ qua đây tôi lại nhờ các chú lái xe ôm vác xe đạp qua hàng rào, còn người thì chui qua chứ già rồi, không vác xe leo lên cầu được”, bà Nhung nói.
|
Còn bà Hoàng Thị Anh (53 tuổi, ngụ tại xã Quang Trung), thì nói: “Cầu làm xong nhưng có thấy ai đi đâu, người ta chui qua cho nó nhanh. Nhà tôi ở bên này, nhưng bên kia đường tàu là công sở, trường học nên ngày nào cũng phải qua lại dăm bảy lượt. Giờ muốn đến UBND xã có việc, nếu đi xe đạp cũng phải vòng vèo khoảng 2 km, trong khi leo qua hàng rào chỉ mất vài trăm mét. Nói thật là biết nguy hiểm, nhưng xưa nay đi lại quen rồi”.
|
Ông Nguyễn Văn Huynh, nhân viên gác chắn của Công ty cổ phần đường sắt Thanh Hóa làm nhiệm vụ tại nút giao Km 143+250, cho biết tình trạng người dân qua đường tàu bằng cách chui qua hàng rào là chủ yếu, rất ít người đi bộ qua cầu.
“Khoảng từ 6 giờ 30 đến 7 giờ 30 hằng ngày, rất đông học sinh, người đi chợ đi qua nút giao này, nhưng chủ yếu họ chui qua hàng rào chắn hai bên đường sắt chứ không đi bộ qua cầu. Từ khi đóng gác chắn, nhiều vụ người dân vượt hàng rào suýt nữa đã gây tai nạn. Nếu sắp tới bỏ trạm gác chắn, chúng tôi không còn túc trực ở đây để cảnh báo người dân nữa thì rất dễ xảy ra tai nạn đường sắt”, ông Huynh nói.
|
Trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Huy Hùng, Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn, cho biết trước đây quy hoạch của thị xã Bỉm Sơn điểm nút giao thông này được quy hoạch xây dựng cầu vượt cả đường sắt và quốc lộ 1A. Nhưng khi dự án được đầu tư thì lại thay đổi vị trí.
“Nếu thực hiện được đúng như quy hoạch ngày trước là tốt nhất, nhưng do tiền giải phóng mặt bằng quá lớn, nên quyết định chuyển vị trí cầu vượt cách vị trí cũ hơn 400 m để xây dựng vừa nhanh vừa rẻ, đỡ tốn tiền cho nhà nước", ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng thừa nhận, sau khi đóng gác chắn đường sắt đã gây bức xúc cho nhân dân, vì hằng ngày bà con đưa con cháu đi học, đi làm ruộng qua đây nên không thể đi xe đạp, xe máy qua. Nếu đi vòng thì lại xa.
"Trước đây, chúng tôi đã đề nghị nếu xây dựng cầu vượt ở nút giao cũ thì tính toán làm sao cho ít nhất xe máy có thể đi được, chứ không phải cầu đi bộ như bây giờ. Hiện chúng tôi vẫn phải tổ chức tuyên truyền cho người dân dần dần quen chứ giờ có làm lại cũng không được”, ông Hùng cho biết thêm.
Bình luận (0)