Chia tay Sài Gòn về quê vì Covid-19: '6 năm không về, không ngờ lần này về tránh dịch'

29/07/2021 10:35 GMT+7

Hơn 400 người dân Quảng Trị chia tay Sài Gòn về lại quê hương . Họ vỡ òa hạnh phúc nhưng cũng ngậm ngùi vì nhiều người đã gạt bỏ giấc mơ mưu sinh ở TP này mà quyết định sẽ không bao giờ quay trở lại.

Mong sớm ổn, để đón con chào đời

Chiều 28.7, chuyến tàu SE74 xuất phát lúc 15 giờ 20 phút tại Ga Sài Gòn đưa hơn 400 người dân Quảng Trị về quê. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên từ 12 giờ, nhiều người đến Ga Sài Gòn (Q.3, TP.HCM) mang đồ bảo hộ được phát và nhận vé tàu. Chuyến tàu về quê đầu tiên ưu tiên cho phụ nữ mang thai, trẻ em có người lớn đi kèm và người lớn trên 60 tuổi ốm đau.

Bên chuyến tàu từ Ga Sài Gòn đưa người Quảng Trị hồi hương từ tâm dịch Covid-19

Ngồi nghỉ mệt đợi lấy vé tàu, chị Lê Thị Pờ (38 tuổi, hiện đang mang thai 8 tháng, một mình ra ga tàu) cho biết cùng chồng rời quê vào Sài Gòn làm công nhân tại TP Thủ Đức được 6 năm. Hai vợ chồng thuê nhà trọ, làm nhiều công việc khác nhau để xoay xở. Hiện cả hai vợ chồng đều thất nghiệp vì công ty ngừng hoạt động.

Chị Pờ khá mệt khi đang mang thai nhưng phải một mình về quê

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Cuộc sống khó khăn, hai vợ chồng vui mừng khi nghe thông tin có chuyến tàu miễn phí về quê. Chị Pờ thuộc diện ưu tiên nên có trong danh sách về đợt 1, chồng chị sẽ về các chuyến sau.
Xa quê vào Sài Gòn mưu sinh, đồng lương ít ỏi tháng thiếu tháng đủ còn phải gửi về quê, vợ chồng chị Pờ đã 6 năm nay không về, kể cả dịp lễ tết vì không đủ tiền. Lần đầu tiên về quê sau 6 năm lại là tránh dịch. Khóe mắt đỏ hoe, chị tâm sự: “Giờ chỉ mong tình hình dịch ổn định, ba nó về quê sớm để cùng mẹ con vào bệnh viện, cùng đón con chào đời. Chắc hai vợ chồng sẽ ở quê luôn không tính chuyện quay trở lại nữa, về quê nuôi con lớn một xíu rồi tính tiếp”.

Bà Lênh xúc động khi cầm tấm vé tàu được phát trên tay

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Anh Vũ Ngọc Hải (41 tuổi) đưa vợ và 3 con ra nhà ga, đợi 4 mẹ con lên tàu mới rời ga để về phòng trọ. Anh tâm sự gia đình đã vào Sài Gòn 10 năm nhưng gần 5 năm không về quê ăn Tết vì không đủ tiền. Anh Hải làm tài xế xe tải, vợ làm công nhân tại nhà máy.
Dịch bùng phát khiến vợ anh Hải thất nghiệp, lại vừa sinh em bé được 5 tháng, anh Hải tuy vẫn còn việc làm nhưng bữa có bữa không. Để giảm bớt gánh nặng chi phí ăn uống thuốc men, hai vợ chồng bàn nhau để 4 mẹ con về trước, anh Hải ở lại tiếp tục công việc. 

Những em bé được bố mẹ mặc đồ bảo hộ cho

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Hành lý chỉ gói gọn trong 4 ba lô, nhưng anh Hải cho biết 4 mẹ con sẽ về quê luôn, đợi dịch ổn định anh sẽ sắp xếp thu dọn hành lý đồ đạc trả phòng trọ rồi về quê sống.
“Trước giờ đi làm đều để dành cho con đi học, giờ thêm một đứa nữa chắc không trụ nổi ở thành phố, thôi thì về quê còn có anh em họ hàng có gì còn có người giúp đỡ”, anh nói.
Lấy tay che mưa để vợ cho con bú, anh Hải tâm sự ở Sài Gòn nhiều năm nên tình cảm dành cho vùng đất “hoa lệ” này cũng rất nhiều. Đây là nơi anh gặp gỡ vợ, hai người nên duyên vợ chồng rồi xây dựng gia đình nhỏ 5 người.

Một phụ nữ ở Quảng Trị mắc Covid-19 sau gần 1 tháng cách ly

“Buồn vui lẫn lộn”

14 giờ 30, các hành khách được kiểm soát vé để lên tàu và ổn định chỗ ngồi. Những người chồng, người cha ở lại bên ngoài, tạm biệt vợ con rồi ra về. Nhiều người mang theo hành lý nặng được lực lượng chức năng hỗ trợ vận chuyển đến toa tàu ghi trên vé.

Chị lớn phụ mẹ dắt em vì mẹ bật xách hành lý

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Tạm biệt con trai để chuẩn bị lên tàu, bà Lê Thị Lênh chia sẻ bà vào thăm con cháu từ tháng 4, dự tính tháng 5 sẽ về quê nhưng bất ngờ dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến bà “mắc kẹt” lại Sài Gòn.
Cầm tấm vé tàu trên tay, bà rưng rưng: “Người ta trẻ khỏe người ta chạy xe máy về chứ tôi già rồi xe khách không có, máy bay không có biết về bằng phương tiện gì. Giờ có chuyến xe miễn phí về như vậy thật sự rất mừng và cảm ơn”.

Cán bộ ở ga tàu phụ xách hành lý cho người dân

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Niềm hạnh phúc của hai mẹ con khi sắp được về quê

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Cảm xúc của bà Lênh vừa vui mà cũng vừa buồn, vui vì được về quê, buồn vì con cháu còn ở lại Sài Gòn chưa về được. Bà Lênh tâm sự có 5 người con (3 trai 2 gái) đều vào TP.HCM sinh sống và lập nghiệp, nhưng hiện tại đều thất nghiệp ở nhà hơn 1 tháng nay, cầm cự qua ngày vì còn đóng tiền nhà trọ.
Anh Nguyễn Trường An (Cán bộ Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Trị tham gia công tác trong Đoàn đặc biệt của UBND tỉnh Quảng Trị vào đón công dân từ TP.HCM trở về địa phương) cho biết trước đó UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Sở LĐ-TB-XH phối hợp các địa phương tiến hành rà soát các đối tượng đang sinh sống, lao động, học tập tại TP.HCM có nhu cầu trở về địa phương để làm cơ sở xây dựng kế hoạch đưa công dân từ TP.HCM trở về.
Số lượng bà con đăng ký trở về rất lớn. Hiện tại các cơ sở cách ly trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đều đã được trưng dụng để thực hiện cách ly đối với các công dân trở về từ Lào và một số địa phương có dịch từ trước nên không thể đưa số lượng lớn bà con từ TP.HCM trở về Quảng Trị cùng một lúc.
Chính vì vậy, đợt 1 có hơn 400 người, trong đó ưu tiên phụ nữ mang thai, trẻ em có người lớn đi kèm và người lớn trên 60 tuổi ốm đau bệnh tật, danh sách được rà soát và xây dựng trong vòng 2 ngày.
Ngay sau khi vê quê trở về địa phương, các công dân sẽ được cơ quan chức năng đưa đi cách ly tập trung tại 3 địa điểm tại thị xã Quảng Trị, huyện Hải Lăng và huyện Gio Linh. “Tỉnh sẽ hỗ trợ cho bà con chi phí xét nghiệm, chi phí sinh hoạt. Còn chi phí ăn uống 80.000 đồng/ngày bà con tự chi trả. Đối với những đối tượng ảnh hưởng do dịch thì có thể viết đơn để xin hỗ trợ một phần”, anh cho biết.
Bà cho biết con bà đều đã đăng ký để về quê tránh dịch và đang mong đợi chuyến tàu tiếp theo. “Nếu không có cơ hội thì cũng phải ráng bám trụ lại tự mình phòng tránh, ở nhà không ra ngoài có gì thì ăn đó, hiện nay thì sức khỏe là quan trọng nhất”, bà nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.