Mỗi quận ở TP.HCM đều có những ngôi chợ gắn liền với các tên gọi do người dân địa phương tự đặt, các tên này thường xuất phát từ đặc điểm bán hàng trong chợ. Chợ Thiếc (Q.11) cũng vậy, người Sài Gòn truyền tai nhau gọi đây là chợ “cõi âm” vì có nhiều cửa hàng bán đồ vàng mã nằm san sát nhau.
Nhà lầu, xe hơi nằm ám bụi
|
|
Nhà lầu đầy màu sắc có chiếc xe hơi đậu sẵn ở cửa, đến ô tô riêng lẻ đủ các loại, cùng bộ trang sức vàng, vàng thỏi, iPad, Macbook, giày dép, quần áo, giỏ xách in tên và mẫu mã hàng hiệu... được treo chồng lên nhau. Tất cả đều làm bằng giấy, in đủ màu sắc, hoa văn, hình thù.
Theo ghi nhận, sạp 369 – cửa hàng bán đồ vàng mã quy mô lớn nhất khu chợ Thiếc cũng là cửa hàng đông người ra vào nhất. Kẻ bán, người mua tấp nập, chủ cửa hàng phải huy động nhiều người cùng tham gia bán để tìm đúng món hàng ở trong kho theo yêu cầu của khách.
|
|
Bà Nguyễn Thị Bé Sáu (62 tuổi, quê Tiền Giang) cho biết, năm nào đến Rằm tháng bảy nhà bà cũng đốt vàng mã cho người nhà đã khuất và cô hồn. Với bà, đây là phong tục không thể thiếu được.
“Trước khi đốt giấy tiền, xe hơi, nhà lầu là phải ghi tên lên, địa chỉ, ngày sinh ngày mất chứ không phải mua về đốt thì không ai nhận. Tôi tin rằng mình đốt cái gì thì người âm sẽ nhận được cái đó”, bà Sáu chia sẻ.
|
|
|
Dưới cái nắng gay gắt nhưng nhiều người vẫn kiên nhẫn đứng đợi nhân viên tìm đúng món cần mua và tính tiền. Dù vậy, chủ sạp này cho biết, đến thời điểm này mà khách ra vào như thế này là chưa đông, các mặt hàng bán chậm hơn mọi năm.
Chủ sạp 369 bộc bạch: “Vì dịch giá vàng mã có giảm nhưng ít người đến hỏi mua nhà, mua xe. Thay vào đó, đa phần khách mua giấy tiền để cúng ông bà và cô hồn là chính”.
Bà Hữu Tín (55 tuổi, chủ cửa hàng vàng mã số 81 Trần Quý) cũng cho rằng, vì dịch nên dù có cận rằm, lượng người mua vàng mã vẫn rất thấp.
|
|
“Ô tô tôi lấy về bày đó nằm ám bụi chứ có ai hỏi mua đâu, họa may cả tháng mới bán được một cái. Năm ngoái giờ này là rộn ràng lắm, mà coi giờ này chẳng có ai ra ai vào”, bà Tín thở dài.
Cửa hàng vàng mã của bà Tín đã phân sẵn nhiều bọc lớn, nhỏ tiền để cúng cô hồn ngoài sân với giá dao động từ 10.000 - 100.000 đồng. Thông thường, những người làm ăn lớn hay các công ty sẽ chọn mua bọc lớn để cúng, còn quy mô gia đình, nhiều người chọn các bọc nhỏ hơn.
Bà Tín giới thiệu, iPad có giá 15.000 đồng, máy tính 10.000 đồng, điện thoại iPhone 3.000 đồng, quần áo 25.000 đồng, dép 13.000 đồng, vàng thì 5.000 – 10.000 đồng một lố.
|
|
|
“Thường cúng cho người nhà mới mất độ 5 -10 năm đổ lại thì người ta mới mua quần áo và các đồ dùng. Ngày càng ít người mua hơn, chủ yếu khách chỉ mua ít giấy tiền để cúng ngoài sân. Cả năm tôi bán được nhất vào tháng 7 với cuối năm, mà coi tháng 7 này… hơi buồn”, chủ cửa hàng nói.
Cửa hàng tuy hơi nhỏ, nhưng bà Tín tiết lộ đã theo nghề này được hơn 35 năm. Ngày trước, bà được một người cô am hiểu các tích truyện, những ngày cúng trong năm nên hướng dẫn cách để bà tự cắt dán hình thù rồi thiết kế thành những bộ vàng mã cho phù hợp, bán được giá. Ngày nay, công nghệ phát triển, thay vì ngồi cắt người ta in ấn lên luôn một tờ giấy có tất cả, bán cạnh tranh nên không ai còn ngồi làm nữa.
Hết thời để hạn chế tập tục lãng phí?
Ngồi dưới nắng quạt ngóng khách, bà Linh (cửa hàng vàng mã số 121 Trần Quý) cũng thẳng thắn chia sẻ, đồ vàng mã năm nay ám bụi vì khách không còn chi nhiều tiền để sắm sửa cho người chết như trước.
Theo bà Linh, mọi năm đến Rằm tháng bảy, người dân chuẩn bị sẵn đồ cúng rục rịch trước 2 tuần, năm nay thì bà ngồi cả buổi chiều nhưng lượng khách chỉ lai rai, đếm được trên đầu ngón tay.
|
|
“Ngày trước người ta còn đặt nhà giấy giá 3 - 4 triệu đồng để đốt cho người chết, chưa nói gì đến giấy tiền rồi các đồ dùng khác đó nha. Có những người chụp hình căn nhà lầu ra, nói đặt làm y chang, là người ta làm y màu sắc, kiểu dáng vậy luôn. Nay thì căn nhà 180.000 đồng làm sẵn để đó chưa ai mua, ai đặt tôi mới lấy về”, bà Linh kể.
Tự lý giải về việc buôn bán vàng mã ngày càng vắng vẻ, bà Linh nói: “Giờ người ta mua ít cũng là có lý do, mua về đốt hàng xóm kế bên la um sùm. Giờ đốt là phải mua cái lưới quây lại đốt chứ không bay tùm lum ai chịu nổi”.
Hòa thượng Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang 2. Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, đốt vàng mã là một tín ngưỡng của dân gian từ ngàn xưa, không biết chính xác bắt đầu từ khi nào.
Theo lời Hòa thượng, Phật giáo không có chủ trương đốt vàng mã vì đốt vàng mã có thể ảnh hưởng đến môi trường sống, bụi bặm, chưa kể nguy cơ cháy nổ và lãng phí. Rằm tháng bảy để thể hiện tấm lòng hiếu hạnh với cha mẹ. Vị Hòa thượng cho rằng mỗi người chỉ cần làm các việc thiện thiết thực, sống đẹp, như vậy là người đã khuất vui lòng, tạo nên một xã hội lan tỏa những điều tích cực.
|
Bình luận (0)