Chọn lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu 10 năm hay 15 năm?

12/06/2019 19:06 GMT+7

Mặc dù Chính phủ đưa ra 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu với lộ trình tăng trong 10 năm và 15 năm, song các chuyên gia, cho rằng chọn lộ trình tăng chậm sẽ giữ ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tăng từ từ tránh “gây sốc” thị trường lao động

Theo lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu (nam tăng lên 62 tuổi, nữ lên 60 tuổi), từ năm 2021, phương án 1: mỗi năm tăng 3 tháng với nam và tăng 4 tháng với nữ. Với phương án này, đến năm 2028 thì nam đạt 62 tuổi và đến năm 2035 thì nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ). Còn phương án 2 có lộ trình nhanh hơn. Mỗi năm tăng 4 tháng với nam và tăng 6 tháng với nữ. Đến năm 2026, nam đạt 62 tuổi và đến năm 2030 nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm với nữ).
Qua khảo sát, đánh giá và tham vấn ý kiến các bên trong quá trình soạn thảo, Bộ LĐ-TB-XH, cho biết đến thời điểm này đa số ý kiến đề xuất chọn phương án 1. Phương án 1 là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tăng tuổi nghỉ hưu tăng chậm tránh gây sốc đến thị trường lao động
Tăng tuổi nghỉ hưu tăng chậm tránh gây sốc đến thị trường lao động Ảnh: T.Hằng
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH chia sẻ: “Lộ trình theo phương án 1, mỗi năm chỉ tăng 3 tháng với nữ và 4 tháng với nam, như vậy “dòng chảy” của thị trường lao động sẽ chậm lại đôi chút, chứ không gây “tắc nghẽn. Việc điều chỉnh theo lộ trình này sẽ tạo tâm lý tốt hơn cho xã hội, đối với người lao động”.
Theo ông Diệp, việc điều chỉnh theo lộ trình thì cũng tạo tâm lý tốt hơn cho người sử dụng lao động. Lẽ ra người sử dụng lao động sẽ tiếp tục sử dụng người lao động lớn tuổi thêm một năm nữa, nếu theo đề xuất của Ban soạn thảo, họ chỉ phải sử dụng người lao động lớn tuổi thêm ba tháng nữa. Điều này cũng giải tỏa được khá nhiều tâm tư và những điều không mong muốn của người sử dụng lao động. “Chúng tôi vẫn quan niệm rằng việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu mang lại sự tốt đẹp chung cho cả đất nước, của tất cả các lực lượng tham gia lao động cũng như sử dụng lao động. Chính vì vậy, chúng tôi mong sự chung tay, nỗ lực của mỗi người lao động cũng như mỗi doanh nghiệp trong việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình”, ông Diệp bày tỏ.

Thu hẹp khoảng cách giới trong tuổi nghỉ hưu

Ảnh 2: Tới đây khoảng cách giới tuổi nghỉ hưu được thu hẹp lại
Tới đây khoảng cách giới tuổi nghỉ hưu được thu hẹp lại Ảnh: T.Hằng
Về việc xác định mốc tuổi nghỉ hưu của nam là 62 và nữ là 60, ông Doãn Mậu Diệp cho biết, qua nghiên cứu từ quốc tế, có 54 quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu của nữ dưới 60 tuổi, có 66 quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu của nữ từ 60 đến 62 tuổi, còn 56 quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu từ 63 tuổi trở lên.
Đối với nam thì trong 176 quốc gia chỉ có 13 quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu dưới 60 tuổi, có 83 quốc gia quy định tuổi nghỉ hưu từ 60 đến 62 tuổi, và 80 quốc gia còn lại thì quy định tuổi nghỉ hưu từ 63 tuổi trở lên.
Qua số liệu trên có thể thấy rằng, rất ít nước trên thế giới quy định tuổi nghỉ hưu của nam là dưới 60 tuổi. Khoảng 1/3 số nước trên thế giới quy định tuổi nghỉ hưu của nữ là dưới 60 tuổi. Xu hướng chung của các nước trên thế giới là sẽ nâng dần tuổi nghỉ hưu lên từ 65 đến 67 tuổi. Ngay cả các nước trong khu vực như Malaysia và Indonesia họ cũng bắt đầu điều chỉnh để đến năm 2045 thì tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau là 65 tuổi.
Xu hướng chung của các nước trên thế giới nâng dần tuổi nghỉ hưu lên 65-67 tuổi
Xu hướng chung của các nước trên thế giới nâng dần tuổi nghỉ hưu lên 65-67 tuổi Ảnh: Ngọc Thắng
Trong khi đó số liệu khảo sát trong năm 2018 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá về chỉ số sống khỏe mạnh sau 60 tuổi của 183 quốc gia, VN xếp thứ 41 và đứng trên 142 nước. Số năm sống khỏe mạnh sau tuổi 60 của Việt Nam là 17 năm, quốc gia có chỉ số cao nhất là Singapore với 21 năm và Nhật Bản đứng thứ ba với 20,8 năm. Tại 46 quốc gia trong khu vực châu Á, đánh giá về chỉ số sống khỏe mạnh sau tuổi 60, Việt Nam đứng thứ 5 sau Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel. “Chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động VN ngày càng tăng. Tuổi thọ bình quân của nam hiện là 72,1 tuổi, của nữ là 81,3 tuổi; và cả hai giới tính là 76,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới là 72 tuổi.
Ông Diệp lý giải: “Việc tuổi nghỉ hưu của nữ tăng lên 5 năm, của nam tăng lên 2 năm vì chúng ta muốn thu hẹp khoảng cách giới trong tuổi nghỉ hưu. Chúng tôi đã tham gia một số lần điều trần của Chính phủ trước Ủy ban về thúc đẩy bình đẳng phụ nữ, rất nhiều kiến nghị, đề xuất tuổi nghỉ hưu của nam và nữ cần phải bằng nhau và bước đầu tiên là điều chỉnh cho gần lại, nam 62 tuổi và nữ 60 tuổi. Các đề xuất như vậy chúng ta cũng tham khảo của các nước. Các nước điều đầu tiên là họ thu hẹp lại khoảng cách nghỉ hưu của nam và nữ, sau đó họ sẽ điều chỉnh cho bằng nhau đó là lý do trong dự thảo Bộ luật Lao động đề nghị nâng dần tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60, của nam nâng dần lên 62”.
Ý kiến chuyên gia:
Ông Nuno Cunha, chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội (ILO):
Ông Nuno Cunha, chuyên gia ILO
Ông Nuno Cunha, chuyên gia ILO Ảnh: Thu Hằng
       
Chúng tôi ủng hộ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu một cách từ từ, bắt đầu tăng từ năm 2021, mỗi năm tăng 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ. Việc tăng tuổi nghỉ hưu từ từ như vậy cho phép người dân và nền kinh tế điều chỉnh theo.
Chỉ có một vấn đề chúng tôi thấy là vẫn còn sự khác biệt giữa tuổi nghỉ hưu của nam và nữ. Nếu nghỉ hưu sớm, phụ nữ sẽ có lương hưu thấp hơn (lương hưu của đàn ông) do thời gian đóng góp ít hơn, và thông thường phụ nữ có lương thấp hơn với nam giới (trong cùng công việc), trong khi thực tế là phụ nữ lại sống lâu hơn nam giới. Do vậy, cách công bằng nhất là cần phải tiến tới cân bằng tuổi nghỉ hưu nam và nữ, cho phép phụ nữ nghỉ hưu với mức lương hưu cao hơn. Hy vọng trong tương lai, nếu có thể tăng, tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ đều là 65.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.