Mạng xã hội không ngớt chia sẻ câu chuyện cứu người đầy xúc động ở H.Phước Sơn (Quảng Nam) khi hơn 30 trai làng thay phiên nhau khiêng chị Hồ Thị Phiêu (20 tuổi, dân tộc Bh'noong, trú thôn 4, xã Phước Thành) vượt núi, xuyên rừng đi cấp cứu do chị bị động thai sau khi đi gùi cõng gạo về.
Chồng đi giúp dân, vợ theo làng gùi gạo
Trao đổi với PV Thanh Niên qua điện thoại, anh Hồ Văn Luông (26 tuổi, dân quân xã Phước Thành) cho biết hiện anh đang chăm sóc vợ tại Trung tâm y tế H.Phước Sơn. Vợ chồng anh lấy nhau được hơn 3 năm và chị Phiêu mang thai con đầu lòng 4 tháng.
|
Nhiều ngày qua, anh Luông không ở nhà mà cùng chính quyền địa phương tham gia công tác cứu hộ, giúp người dân khắc phục thiệt hại sau mưa lũ cũng như tham gia gùi cõng gạo về chia cho dân làng đang bị cô lập.
Trong khi đó, gia đình anh sau nhiều ngày bị cô lập đã cạn kiệt lương thực nên chị Phiêu cùng dân làng vượt núi đến điểm tập kết lương thực tại xã Phước Kim để gùi gạo về. Do đường xa, lại gùi nặng, nên khi về tới nhà chị bị động thai.
Nhận tin báo, anh Luông đã bỏ dở công việc, bất chấp nguy hiểm băng qua nhiều khe suối, hàng trăm điểm sạt lở chạy về nhà. “Trưa 4.11, sau khi cõng gạo về, vợ mình bị động thai. Thời điểm này toàn xã đang bị chia cắt do sạt lở nên mình đã nhờ hầu hết thanh niên trong làng với hơn 30 người cùng mình khiêng vợ đi cấp cứu”, anh Luông nói.
Do phải vượt qua hàng chục điểm sạt lở, vượt núi cao, băng qua nhiều khe suối... với quãng đường hơn 20 km nên anh Luông cùng hàng chục thanh niên làng xuất phát từ 11 giờ nhưng mãi đến 16 giờ mới đưa được chị Phiêu tới UBND xã Phước Kim. “Từ đây, xe cấp cứu chờ sẵn chở vợ mình ra Trung tâm y tế huyện cấp cứu nhưng con mình vẫn không giữ lại được”, anh Luông nói trong nước mắt.
Chưa biết lấy tiền đâu lo viện phí
Theo anh Luông, hiện sức khỏe chị Phiêu đã ổn định, nhưng vì sốc khi mất con nên từ hôm qua đến giờ vợ anh cứ nằm khóc, không ăn uống gì. Anh Luông nghẹn ngào cho biết thêm trong người cả hai vợ chồng không có đồng bạc nào, hôm đưa vợ đi hàng xóm cho vay được 200.000 đồng. “Không biết tới đây lấy tiền đâu lo viện phí cũng như tiền ăn uống nữa”, anh Luông lo lắng.
Là người khiêng chị Phiêu, anh Hồ Văn Thiêng (25 tuổi, ở thôn 4) cho biết thời điểm chị Phiêu có biểu hiện động thai toàn xã đang bị chia cắt. Mọi người thống nhất dùng một chiếc võng buộc 2 đầu vào một thanh luồng khiêng chị Phiêu đi. “Trên đường đi vì phải băng qua ngọn núi dựng đứng, khe suối cũng như các điểm có nguy cơ sạt lở nên bọn mình phải cắt cử một số anh em đi trước dò đường để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc trong quá trình di chuyển”, anh Thiêng kể.
|
Ông Hồ Văn Phức, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, cho hay hoàn cảnh của vợ chồng anh Luông rất khó khăn, nhưng anh luôn cùng anh em dân quân xã làm tốt nhiệm vụ giúp dân trong mưa lũ. “Sau lũ, đường sá trên địa bàn bị chia cắt nặng nề, đi lại rất khó khăn. Không còn cách nào khác, hàng chục thanh niên đã dùng võng khiêng chị Phiêu đi cấp cứu. Tiếc là trời thì mưa gió, đường núi lại trơn trượt, thanh niên làng dù đã cố gắng hết sức khiêng bộ hơn 20 km từ Phước Thành đến Phước Kim nhưng vẫn không giữ được thai nhi”, ông Phức chia sẻ.
Bình luận (0)