Chuyện những người cùng cực tặng lại cả trăm triệu cho người nghèo khó hơn mình

09/09/2019 09:32 GMT+7

Dù trong tình cảnh cùng cực, nhưng khi được cộng đồng giúp đỡ qua cơn nguy khốn, họ vẫn sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ những người khó khăn như mình...

Tặng lại 300 triệu đồng từng được giúp

Một ngày giữa tháng 8.2019, khi Thanh Niên chia sẻ câu chuyện về hoàn cảnh cô bé học sinh qua bài viết Xin cứu giúp cô bé học sinh giỏi bị bệnh hiểm nghèo, thì nhân vật chính là Trần Ngọc Anh Thi (15 tuổi, ngụ Đà Nẵng) vẫn đang hôn mê và phải sử dụng hệ thống màng tim phổi nhân tạo ECMO. Trước đó, số tiền điều trị bệnh cho Thi đã lên đến 300 triệu đồng. Đó là cả gia tài của gia đình với người bố làm lái xe, mẹ bán hàng ở chợ nuôi ba chị em ăn học.
Chỉ hơn 1 tuần sau khi bài báo được đăng, gia đình Anh Thi đã được bạn đọc và cộng đồng hỗ trợ hơn 600 triệu đồng, cũng là lúc cô bé đáp ứng tốt điều trị và bình phục. “Đó là những ngày quá kinh hoàng đối với gia đình. Con đối diện với cái chết mà gia đình thì không thể tìm đâu ra khoản tiền lớn như vậy để cứu con…”, anh Trần Ngọc Cường, bố của Anh Thi, xúc động nhớ lại.
Khi bé bình phục, anh Cường đã đại diện gia đình chia sẻ hơn 300 triệu đồng còn dư sau khi điều trị cho Khoa Hồi sức nhi (Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng) làm quỹ giúp đỡ những bệnh nhi có hoàn cảnh ngặt nghèo khác.
“Chúng tôi mong số tiền này có thể giúp những cháu bé có hoàn cảnh khó khăn, trao cho các cháu một cơ hội được sống như con tôi đã may mắn nhận được”, anh Cường chia sẻ.
Tình người trong cơn ngặt nghèo1

Gia đình anh Bùi Tấn Linh tặng 50 triệu đồng giúp các bệnh nhân nghèo tại BV Đà Nẵng

Ảnh: AN QUÂN

Mình nghèo nhưng họ đang quá ngặt

Chỉ một tuần sau khi bình phục, anh công nhân nghèo Bùi Tấn Linh (P.Phước Mỹ, Sơn Trà, Đà Nẵng), nhân vật trong bài viết Hai vợ chồng phải vay nóng tiền chữa bệnh trên Thanh Niên ngày 13.6.2017, trở lại Bệnh viện Đà Nẵng hỗ trợ số tiền 50 triệu đồng cho các trường hợp khó khăn.
Trước đó, anh Linh bị viêm màng não mủ, chi phí điều trị lên tới gần 2 triệu đồng/ngày, trong khi không có bảo hiểm y tế. Khi số tiền điều trị cho anh Linh lên đến gần 30 triệu đồng, vợ anh đã phải đi vay nóng để cứu chồng. Linh là lao động chính của gia đình nên khi bệnh hiểm nghèo, cả nhà thiếu trước hụt sau. Sau khi thông tin về anh công nhân nghèo này được chia sẻ, bạn đọc Thanh Niên đã giúp gần 120 triệu đồng.
“Mình nghèo nhưng họ giờ quá ngặt, cũng như mình lúc trước. Nếu như không được mọi người giúp đỡ chắc mình đã…”, bỏ lửng câu nói, anh Linh vội trao số tiền gần 50 triệu đồng cho các bệnh nhân nghèo.
Hay một trường hợp đặc biệt khác là Trần Thị Dạ (26 tuổi, ngụ P.An Hải Bắc, Q.Sơn Trà, Đà Nẵng), nhân vật trong bài viết Không tiền chữa bệnh, sợ hai con thơ côi cút đăng trên Thanh Niên ngày 24.7.2018. Chị Dạ là một trong rất nhiều trường hợp bệnh nhân nghèo được Bệnh viện Đà Nẵng chủ động chạy màng tim phổi nhân tạo ECMO để giữ tính mạng. Nhưng chi phí thuốc men, lọc máu và ECMO lên đến gần 30 triệu đồng mỗi ngày vượt quá khả năng của mẹ con chị. Chị đã được bạn đọc hỗ trợ gần 300 triệu đồng, đủ để trang trải chi phí ECMO. Khó khăn là vậy, nhưng chị vẫn sẵn sàng tặng 15 triệu đồng trong số tiền còn lại cho một trường hợp khó khăn khác đang nguy kịch.
Tương tự chị Dạ là câu chuyện về sản phụ Trần Thị Thúy Hồng (22 tuổi, ở Đại Lộc, Quảng Nam) được cứu sống cùng với thai nhi trong bụng, nhân vật trong bài viết Cứu sống mẹ con thai phụ suy hô hấp, trụy mạch bằng phương pháp ECMO, đăng trên Thanh Niên ngày 13.3.2018. Dù hoàn cảnh khó khăn, sắp sinh con nhỏ, nhưng chị Hồng vẫn tặng gần 17 triệu đồng cho một hoàn cảnh ngặt nghèo khác…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.