Buổi giao lưu "37 năm - Ngày gặp lại" tổ chức vào chiều ngày 20.12 với ba nhân vật chính trong bức ảnh "cô bộ đội bế em bé" khiến nhiều cựu chiến binh, người dân cả nước và các chiến sĩ Cao Bằng xúc động.
Buổi gặp gỡ khoảng 2 tiếng đồng hồ, trực tiếp trên Báo Thanh Niên tại địa chỉ Thanhnien.vn và Fanpage Báo Thanh Niên (www.facebook.com/thanhnien) dường như không đủ cho những cảm xúc tuôn trào. Tình quân dân, mẹ - con và khoảnh khắc trùng phùng đúng 37 năm về trước như một cái kết đẹp của bức ảnh lịch sử, được tập thể Báo Thanh Niên kể lại ngay trước ngày 22.12 - ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam như một sự tri ân sâu sắc tới lịch sử dân tộc ngay tại tỉnh Cao Bằng.
VIDEO: TƯỜNG THUẬT TOÀN BỘ BUỔI GIAO LƯU "37 NĂM - NGÀY GẶP LẠI" TẠI CAO BẰNG CHIỀU 20.12 - THỰC HIỆN: TRUYỀN HÌNH BÁO THANH NIÊN
Trước buổi giao lưu 2 tiếng đồng hồ, Ban biên tập báo Thanh Niên đã tổ chức cho ba nhân vật trên cùng gặp nhau tại cầu Tài Hồ Sìn - địa điểm 37 năm về trước cuộc chiến tranh biên giới đang nổ ra ác liệt, nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường đã ghi lại được bức ảnh lịch sử cô Bùi Thị Mùi bế em bé Hoàng Thị Thu Hiền trong làn đạn bom mịt mù.
37 năm sau, mỗi người mỗi nơi, Bà Bùi Thị Mùi từ Phú Thọ lên Cao Bằng trên xe cứu thương, còn nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường - người chụp bức ảnh năm xưa đã phải vượt gần 300 cây số từ Hà Nội lên lại chiến trường xưa.
Bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, nhà báo Mai Thanh Hải cùng ba nhân vật chính trong bức ảnh lịch sử: bà Bùi Thị Mùi - cô bộ đôi, chị Hoàng Thị Thu Hiền - "em bé" năm xưa và tác giả bức ảnh nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường, năm nay đã 81 tuổi. Ảnh Độc Lập
Toàn bộ khoảnh khắc trùng phùng trên cây cầu lịch sử được Ekip truyền hình báo Thanh Niên ghi hình và hoàn thành trước buổi giao lưu... 5 phút. Khi clip được phát sóng trên hai màn hình lớn, rất nhiều người đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến cái nắm tay thật chặt của mẹ con bà Mùi, chị Hiền trước ống kính của người nhiếp ảnh gia ngoài 80 tuổi.
VIDEO: KHOẢNH KHẮC TRÙNG PHÙNG TẠI CẦU TÀI HỒ SÌN - THỰC HIỆN: MAI THANH HẢI, ĐẶNG SINH, LÊ NAM
Nhớ lại những ngày đầu tiên thực hiện loạt bài về cô bộ đội bế em bé, nhà báo Mai Thanh Hải kể: "Năm 2013 chúng tôi triển khai loạt bài về biên giới phía Bắc, tôi có phát hiện bức ảnh cô bộ đội bế em gái do nhiếp ảnh giả Trần Mạnh Thường chụp lại rất ấn tượng. Tôi tìm đến nhà bác Thường để hỏi về thông tin hai nhân vật chính trong bức ảnh và bắt đầu cuộc tìm kiếm. Trải qua rất nhiều thời gian, đến tháng 2.2014 thì chúng tôi tìm được chị Hiền - là em bé trong bức ảnh lịch sử. Sau đó có đi nhiều tỉnh, nhiều đơn vị chiến đấu, gặp mấy chục nhân vật từ Thái nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, thậm chí có thông tin cho rằng cô bộ đội trên đang ở TP.HCM, tuy nhiên các nỗ lực đều không cho ra kết quả".
Thanh Niên đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa 3 nhân vật lịch sử: nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường, cô bộ đội năm xưa Bùi Thị Mùi và "em bé" Hoàng Thị Thu Hiền sau 37 năm xa cách trên cầu Tài Hồ Sìn.
Đến tháng 2.2016, báo Thanh Niên có đăng bài viết "Tìm cô bộ đội 37 năm về trước" thì ngay lập tức nhận được tin nhắn của một độc giả rằng cô Mùi đang ở Hanh Cù, Thanh Ba, Phú Thọ. "Chúng tôi lập tức lên đường và đã gặp được bà Mùi", nhà báo Mai Thanh Hải kể.
Cô bộ đội năm xưa Bùi Thị Mùi bước ra sân khấu Ảnh Độc Lập
Chị Hoàng Thị Thu Hiền - "em bé" trong bức ảnh bên cạnh nhà báo Mai Thanh Hải Ảnh Độc Lập
Ông Trần Mạnh Thường xuất hiện với bức ảnh lịch sử năm xưa Ảnh Độc Lập
Sau đó, chị Hiền - em bé năm xưa, tay cầm bức ảnh lịch sử được cắt từ bài viết đăng trên báo Quân đội nhân dân và vẫn giữ bên mình suốt nhiều năm qua bước lên sâu khấu. Chiếc xe lăn đưa bà Mùi chầm chậm tiến ra, nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường từ phía sau cánh gà xuất hiện. Ba người một lần nữa hội ngộ ngay tại mảnh đất Cao Bằng năm xưa, trước tình cảm của hàng trăm cựu chiến binh, chiến sĩ và quân dân Cao Bằng.
"Tôi nhập ngũ năm 1976, vừa tròn 18 tuổi. Chiến tranh bùng nổ, tôi cùng đơn vị chiến đấy kiên cường 2 ngày 2 đêm ở Năm Tấn đến khi súng cạn đạn thì được lệnh rút về tuyến sau. Khi đến Bản Tấn thì gặp em bé và bà mẹ bị thương nặng lắm, máu bết hết ra rồi, mẹ em bé ra nhiều máu người đã ngất đi rồi, em bé ngồi đó, lấm lem máu hết chân tay. Tình thế cấp tốc nhưng đồng đội chúng tôi quyết tâm bế em bé và cõng bà mẹ về tuyến sau, luồn giữa các chốt địch để cứu em bé và bà mẹ.
Cầu Tài Hồ Sìn là nơi hội ngộ xúc động giữa nhà báo Trần Mạnh Thường với “cô bộ đội và em bé”, nhân vật trong bức ảnh cách đây 37 năm anh chụp, để viết lên câu chuyện đẹp về tình quân dân.
Hôm sau đến dốc Tài Hồ Sìn không tiến sâu được nữa thì gặp đoàn xe thương binh đến trợ giúp. Đây cũng là thời điểm mà chúng tôi gặp gỡ nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường. Khi giao em bé cho y tá cùng mẹ ở gần nhau thì bé không muốn rời, bé bấu chặt cổ áo, gỡ mãi mới được cho y tá bế. Mình đã cầm vũ khí trong tay phải quay trở lại chiến đấu. Sau đó tôi nghĩ mãi, em bé có sao không, mẹ em bé có sau không vì không có thông tin", bà Mùi nhớ lại.
Bà Mùi nói thêm: "Năm 1980 tôi ra quân, làm kế toá hợp tác xã, 1981 xây dựng gia đình tôi cũng có lúc tôi nghĩ ước gì gặp được em bé ấy, chỉ biết là ở biên giới. Tháng 2.2016 nhà báo Mai Thanh Hải tìm tôi và nhận ra người trong bức ảnh 37 năm về trước."
Bà Bùi Thị Mùi không khỏi xúc động khi trở lại chiến trường năm xưa Ảnh Độc Lập
Những giây nghẹn ngào trên sân khấu Ảnh Độc Lập
"Cô bộ đội và em bé" năm xưa, nay gọi nhau là mẹ xưng con đầy ấm áp Ảnh Độc Lập
Nhìn chị Hiền âu yếm, bà Mùi lại nghẹn ngào chia sẻ: "Tôi không có con, mà đến tuổi xế chiều, có bé gọi làm mẹ, tự nhiên em bé ngày xưa đến gọi tôi bằng mẹ cho tôi động lực kiên cường để sống thêm."
Khi được một người dân Cao Bằng đặt câu hỏi "Cảm xúc của cô ra sao khi trở lại đất Cao Bằng?", bà Mùi nói: "Mừng không thể tả được, lưu luyến đất Cao Bằng. Người dân quý bộ đội lắm, tôi cũng coi đây quê hương thứ hai của mình. Ngày xưa, nếu tôi không may hy sinh để lại xương hồn ở Cao Bằng thì chắc giờ này không ngồi đây ôn lại những câu chuyện cũ với mọi người. Tôi cứ ngỡ mình đang sống lại ở mảnh đất Cao Bằng 37 năm về trước."
Đồng đội cũ ôn lại câu chuyện năm xưa với bà Mùi Ảnh Độc Lập
Rất nhiều quân dân Cao Bằng đã không khỏi nghẹn ngào khi lắng nghe câu chuyện của bà Mùi, chị Hiền và ông Thường Ảnh Độc Lập
Bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó tổng biên tập báo Thanh Niên nói: "Chứng kiến câu chuyện chiến tranh, có mất mát, đau thương nhưng có những câu chuyện đầy tình nghĩa, câu chuyện đẹp nhân văn như câu chuyện bức ảnh. Nhiệm vụ của người làm báo làm lan toả những câu chuyện này, để Ban Biên tập có thể thực hiện loạt bài này, và để có cái kết đẹp như ngày nay."
Khi trở về cuộc sống đời thường, gia đình bà Mùi gặp nhiều khó khăn, bản thân bà Mùi nằm liệt, chồng già yếu một tay chăm sóc, lại không có con cái đỡ đần. Khi câu chuyện này được chia sẻ trên báo Thanh Niên, rất nhiều độc giả và các nhà hảo tâm đã chung tay ủng hộ và giúp đỡ gia đình bà Mùi.
Cái kết đẹp của câu chuyện tình nghĩa quân dân, tỏa sáng khí phách bộ đội Cụ Hồ Ảnh Độc Lập
Bình luận (0)