Cô gái bật khóc nhận trái sầu riêng ‘không gai’ bố mẹ tiếp tế giữa dịch Covid-19

15/09/2021 10:00 GMT+7

Mới đây, hình ảnh trái sầu riêng được gọt sạch gai mà chị Thanh Tình (ở TP.HCM) chia sẻ nhận được ‘bão tim’ của cư dân mạng. Xúc động hơn khi biết đó là đồ tiếp tế của bố mẹ cô gái giữa dịch Covid-19 .

Nhận đồ tiếp tế, càng thêm nhớ nhà

Chia sẻ với Thanh Niên, chị Lê Thị Thanh Tình (28 tuổi, quê ở Đắk Nông) cho biết mình được bố mẹ "đi chợ hộ" ngót 10 năm nay. Bao giờ cũng vậy, thùng đồ ăn tiếp tế cho con gái được chuẩn bị chu đáo với đủ loại thực phẩm. Trong mỗi bó rau, phần thịt gà, thịt heo đã ướp sẵn gia vị… luôn chứa đựng tình yêu to lớn của người gửi.
Mùa dịch, việc gửi đồ trở nên khó khăn, phí vận chuyển tăng cao, dễ thất lạc hàng hóa. Có hôm đóng hàng xong xuôi, nhà xe báo hoãn chuyến, bố mẹ lại tốn công soạn ra. Tuy nhiên, lo con gái ở thành phố đi chợ khó khăn nên bố mẹ chị vẫn gửi đều đặn. Lần này, nhìn thấy trong thùng đồ ăn có nhét mấy quả sầu riêng đã được bố gọt gai cẩn thận, chị bật khóc.

Bố mẹ chị Tình trồng đủ loại cây trong vườn nhà ở Đắk Nông

NVCC

“Để tiện nhét vào thùng và lo con gái khui không khéo sẽ đâm vào tay nên bố mới cắt gọt từng cái gai một. Lúc đó, mình nhớ nhà và bố mẹ nhiều lắm”, chị xúc động nói. Trước đó, chị Tình nói với gia đình khoan hẵng gửi do đi lại khó khăn. Nhưng thấy mẹ buồn, bảo là chịu khó đi lấy để có cái mà ăn nên không thể không nhận được.
Sở dĩ chị Tình thường xuyên nhận quà quê như vậy là vì gia đình làm nông. Vườn tược rộng rãi nên có thể vừa trồng trọt vừa chăn nuôi. Mỗi đợt gửi đồ cho con gái, bố mẹ còn gửi thêm thịt thà, rau trái cho chị bán hộ để có thêm thu nhập. Thay vì tự đi chợ, chị Tình sẽ “mua lại” đồ của nhà rồi gửi tiền về cho bố mẹ trong nhiều dịp khác nhau.

Mỗi tuần, bố mẹ chị Tình đều gửi thịt thà, rau củ quả cho con gái

NVCC

Chị Thanh Tình chia sẻ: “Nhà mình không có chuyện bố mẹ nói “yêu con” hay con cái nói “yêu bố mẹ”. Tình yêu của bố mẹ được chuyển hóa thành những cuộc gọi hỏi thăm và thùng đồ ăn như thế. Còn mình, bên ngoài chỉ biết cảm ơn nhưng trong lòng lại thương bố mẹ rất nhiều”.

Xe buýt và xe khách dỡ ghế, chở hàng trăm tấn nông sản từ Đà Lạt tiếp tế TP.HCM

“Ngàn lời cảm ơn cũng không đủ”

Cô gái quê Tây Nguyên cho biết mình là chị cả trong gia đình 4 chị em. Ngày nhỏ, đi học về chị phải trông em, nấu rượu, nuôi heo, lên rẫy trồng trọt… rất vất vả. Lúc bấy giờ, chị chỉ mong lớn thật nhanh, đi thành phố học để… không phải ở nhà nữa.
Lên đại học, chị Tình bắt đầu nhận ra bố mẹ lo và thương mình nhiều thế nào qua mỗi cuộc điện thoại. Vốn là người sống tự lập, chị từng trải qua nhiều việc làm thêm từ năm nhất như gia sư, nhà hàng tiệc cưới, phụ bếp, giúp việc để có tiền trang trải chi phí học tập và phụ bố mẹ nuôi các em. Ngoài 2 em trai đã đi làm, hiện chị Tình còn lo cho em út đang học lớp 9 ở quê.

Bên cạnh tự cung tự cấp, mảnh vườn này còn mang lại thu nhập cho gia đình chị Tình

NVCC

Chị Tình đang làm quản lý cho một công ty vận chuyển ở TP.HCM. Biết công việc của con gái bận rộn, phải đi sớm về khuya mỗi ngày nên bố mẹ lúc nào cũng lo lắng, nhất là trong đợt dịch này.
“Bố mẹ đã hy sinh cho mấy chị em rất nhiều nên ngàn lời cảm ơn không bao giờ là đủ. Lúc nào mình cũng canh cánh nỗi lo rằng cứ mãi làm việc mà không có nhiều thời gian dành cho bố mẹ. Những gì mình đang cố gắng là để có thật nhiều tiền lo cho bố mẹ, chỉ mong họ luôn khỏe mạnh”, chị Thanh Tình bộc bạch.

Bản tin Covid-19 ngày 15.9: Cả nước 10.585 ca | Số ca nhiễm mới ở TP.HCM có xu hướng giảm mạnh

Trao đổi với Thanh Niên, Lê Mỹ Hiền (27 tuổi, là đồng nghiệp và bạn chung nhà của chị Tình) cho biết: “Có lần bác gái xuống đây thăm Tình, qua trò chuyện thì mình hiểu được việc gửi đồ ăn cho con gái là niềm hạnh phúc với cả gia đình. Bố mẹ bạn ấy làm nông, bạn đi làm rồi gửi tiền về mua phân bón và lo cho em út đi học hằng tháng. Tình không chỉ giỏi giang, chịu khó mà còn đặc biệt thương gia đình nữa”.

Nhiều loại rau trái được bố mẹ chị Thanh Tình gieo trồng thay phiên nhau

NVCC

Còn anh Lê Ngọc Thương (26 tuổi, em trai chị Tình) chia sẻ: “Chị hai lúc nào cũng yêu thương bố mẹ và lo lắng, dạy bảo các em. Từ khi mình xuống Sài Gòn học, chị vất vả hơn khi phải vừa học vừa làm. Mình xem chị giống như người mẹ thứ hai vậy”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.