Quá khứ tổn thương
Mặc dù bố không tham gia chiến tranh nhưng chất độc Dioxin vẫn chẳng “chừa” gia đình chị Nguyễn Thị Nữ (26 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu). Bố và anh trai bị bệnh thần kinh, chị thì bàn tay không đủ 5 ngón. Hơn 20 năm cuộc đời, chị Nữ phải đối diện với những ánh nhìn kì thị, những lời chế giễu, trêu chọc đến từ mọi người.
Suốt những năm tháng học trò, chị không có bên mình những người bạn. Ai cũng cười nhạo ngoại hình của chị, “bạn bè hay chế giễu tôi là mặt như thỏ, chân tay bị cùi, răng bị hô. Lúc nào tôi cũng buồn hết”, chị Nữ tâm sự.
tin liên quan
Cô gái Việt lưu lạc từng bị bán làm vợ ở Trung Quốc: Cả ngàn người ra đónVì hoàn cảnh gia đình, chị nghỉ học năm lớp 9 và bắt đầu bươn chải với cuộc sống. Điều này càng khiến mối quan hệ bạn bè của chị đi vào ngõ cụt. Lủi thủi một mình ở nhà chăm mẹ tai nạn, rồi tranh thủ thời gian tập xe máy để đi chở hàng, chị Nữ bắt đầu quen với cô đơn. Một mình đem xe đi tập lái, ngã nhiều, người xây xước hết cả nhưng vì mẹ và 3 đứa em chị cố tập cho bằng được. Người bình thường, mỗi bàn tay đủ 5 ngón tập xe máy còn khó, chị thì mỗi bàn tay chỉ có 2 ngón, khó khăn tăng lên bội phần.
16 tuổi, chị lên Sài Gòn học nghề trong trường dành cho người khuyết tật ở Hóc Môn. Qua một năm học tập, chị ra trường với khao khát được đi làm công nhân may như những gì đã được học. Nhưng sự kì thị của xã hội với người khuyết tật còn đó, đã cản lại khao khát tuổi trẻ của chị. “Có chỗ họ không nhận, có chỗ họ nhận nhưng khi thấy năng lực của mình không bằng những người khác thì người ta đuổi khéo hoặc trả lương ít hơn. Tôi đi làm may từ năm 17 tuổi đến 24 tuổi, thời gian đó di chuyển công ty liên tục, thu nhập không đủ sống”, chị Nữ bùi ngùi nói.
Cảm thấy công việc may không phù hợp, chị Nữ đi làm người giúp việc, bán vé số, phụ quán ăn, bất kể công việc gì miễn có tiền trang trải cuộc sống. Đỉnh điểm của sự tổn thương trong chị là thời gian chị làm phụ quán ăn. Khách vào ăn nói với bà chủ: “Nhìn quán đẹp đẽ mà thuê con bé bị cùi vậy”. Khoảnh khắc đó, chị Nữ thấy đau vô cùng. Bản thân nỗ lực vươn lên nhưng cuộc sống và sự kì thị đã đẩy chị tới tuyệt vọng, tổn thương và tự ti với chính mình.
|
“Thấy bé bình thường, tôi nhẹ nhõm vô cùng”
Thời gian còn đi làm may tại công ty, chị gặp anh. Hai người yêu nhau 6 tháng thì kết hôn và có em bé. Cuộc sống hôn nhân nhiều khó khăn và khác biệt nên hai người đã ly hôn, chị Nữ nuôi đứa con gái năm nay tròn 6 tuổi. Chị không nói tên con gái vì bé còn nhỏ. Chị không muốn bé mất đi sự hồn nhiên, ngây thơ chỉ vì những điều không hay đó.
tin liên quan
Bé gái một tuổi bị mẹ bỏ lại chùa để 'đi lấy chồng’Nhớ lại khoảng thời gian mang thai, áp lực và lo sợ lại ùa về trong chị. Biết tin mình mang thai, nhưng chị Nữ vui thì ít, buồn thì nhiều. “Tôi đi khám thai 1 tháng 3 lần, sợ con gái bị như mình nên rất áp lực”, chị chia sẻ. Chị sinh mổ, khi bác sĩ đưa bé ra, chị chỉ chăm chăm nhìn đôi tay của con có lành lặn hay không. Chị mừng rỡ, vỡ òa hạnh phúc khi con gái không giống mình, con chị là một đứa trẻ bình thường. “Thấy bé bình thường, tôi nhẹ nhõm vô cùng. Bây giờ chỉ mong kiếm đủ tiền lo cho con ăn học tới nơi tới chốn, có công việc ổn định vì bản thân tôi không được học hành tử tế rồi”, chị mong ước cho đứa con gái nhỏ.
Mặc dù chị Nữ luôn bỏ ngoài tai những điều người khác nói nhưng trong sâu thẳm của người phụ nữ ấy là mặc cảm ngoại hình. Chị đã không ít lần gửi hồ sơ tới các chương trình phẫu thuật thẩm mĩ miễn phí, như : Hành trình lột xác, Nhan sắc mới Khởi đầu mới, Tái sinh nhan sắc với mong muốn chỉnh sửa khuôn miệng của mình. Chị bộc bạch: “Tôi rất mong muốn mình có cơ hội là người được lựa chọn để khi ra đường tôi không còn cảm thấy ngại, tự ti về miệng của mình”. May mắn vẫn chưa mỉm cười với người phụ nữ này, 7, 8 lần gửi hồ sơ là ngần ấy lần thất vọng, “lần nào không được chọn là về khóc sưng húp hết cả mắt”, chị kể.
|
Nỗ lực vươn lên
Thời gian gần đây, trên trang cá nhân của mình, chị Nữ có phát trực tiếp kể về việc bị khách bom hàng. Clip nhanh chóng nhận được nhiều sự quan tâm và ý kiến từ cư dân mạng. Hầu hết mọi người đều thương cảm cho chị khi phải chạy xe từ Q.12 sang Q.6 giao hàng nhưng khách không nhận. Đơn hàng chỉ có 2kg xoài và gần 1kg đu đủ, trị giá hơn 60 ngàn.
Tuy nhiên, sau khi câu chuyện này lan truyền thì có một tài khoản khác đăng bài tố chị Nữ lừa đảo, trộm cắp, lợi dụng khiếm khuyết của bản thân để lấy lòng thương của mọi người. Được biết, tài khoản này là con gái của chủ nhà mà chị Nữ từng giúp việc. Sau khi biết thông tin sự việc, chị Nữ và một vài người bạn đã tới nhà người này “ba mặt một lời” thì mới biết con gái chủ nhà đang làm việc ở xa và chuyện trộm cắp được ông bà chủ xác minh là hoàn toàn không có.
|
tin liên quan
Vụ con dâu đánh mẹ chồng bầm tím mắt: Xin lỗi mẹ chồng tại công an xãNhận xét về bản thân, chị Nữ cho mình là một người cả tin, ai nói gì cũng nghe theo chứ chẳng mảy may tính toán nhiều. Tiếp xúc với chị, tôi thấy chị là người có nghị lực vươn lên hoàn cảnh. Sài Gòn là thành phố lớn, một thế giới khác so với quê nhà của chị. Chính điều đó đã giúp chị mở mang đầu óc, “lúc trước ở dưới quê tôi cảm thấy buồn, tủi thân vì chỉ có một mình bị như vậy, khi lên Sài Gòn tôi mới thấy có nhiều người còn khổ hơn mình. Từ đó tôi không còn cảm thấy buồn nhiều nữa”, chị chia sẻ.
Sau khi câu chuyện bom hàng của chị được chia sẻ, nhiều người có liên hệ để giúp đỡ nhưng chị đều từ chối. Chị bày tỏ: “Tại sao phải nhận, tôi có tay có chân tôi vẫn làm được. Mình phải tự vươn lên trong cuộc sống. Thay vì đi xin người khác thì tại sao mình không tự tạo cho mình công việc đàng hoàng. Tôi không muốn mọi người nhìn tôi với ánh mắt thương hại. Ai muốn giúp thì có thể mua hàng ủng hộ chứ đừng cho tôi tiền. Tôi thích xài những đồng tiền do chính mình tạo ra hơn là đi xin của người khác”.
Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, chị vẫn luôn muốn giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Niềm vui và cảm giác được an ủi là điều chị nhận được sau mỗi lần giúp đỡ. Ai cũng có nỗi đau của riêng mình, nhưng chị mong mọi người thấu hiểu cho nỗi đau khiếm khuyết của chị, giúp chị có thêm tự tin đi về phía trước.
Bình luận (0)