Cổ thụ lại bật gốc ngã đè người: Đừng để người dân phải thêm mối lo

01/09/2016 09:16 GMT+7

Đó là những ý kiến của bạn đọc về bài viết Cổ thụ lại bật gốc ngã đè người đi xe máy trên Thanh Niên số phát hành ngày 31.8.

Năm nào cũng gây họa
Cứ đến mùa mưa bão là người dân thành phố lại sợ bị cây ngã đè chết người, hư hỏng tài sản… Đó là những tai nạn thoạt nghe tưởng lỗi tại ông trời, nhưng kỳ thực do người gây nên mà thôi. Nếu cây xanh được kiểm tra, chăm sóc thường xuyên thì làm gì có chuyện ngã đổ. Khi kiểm tra xong thì phải chặt bỏ cây yếu ớt để trồng lại cây mới. Nếu cây nào cành lá quá tốt, quá nguy hiểm thì tỉa cành… Năm nào cũng có người chết, bị thương do cây xanh gây ra là không thể chấp nhận được.
Đỗ Thành Phong
(H.Củ Chi, TP.HCM)
Chưa tin tưởng
Mỗi khi trời mưa to là tôi không dám đi trên những con đường có nhiều cây cổ thụ. Ai biết được cành cây khô, mục thậm chí cả cây đổ ập xuống mình bất kỳ lúc nào. Tôi phải đợi mưa giảm hoặc tạnh hẳn mới dám đi tiếp. Và có lẽ nhiều người dân ở thành phố cũng có cùng nỗi lo như tôi. Nói thế để thấy người dân chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng của cây xanh đô thị.
Huỳnh Quang Huy
(Q.7, TP.HCM)
Trách nhiệm
Đơn vị quản lý cây xanh ở đâu mà không thấy nhận trách nhiệm về việc này. Cây ngã là do lỗi ở đơn vị quản lý cây xanh hay lỗi do trời mưa? Nếu đã là lỗi của mình thì phải chịu trách nhiệm và khắc phục hậu quả, thăm nom, hỗ trợ các nạn nhân bị cây đè chứ. Được giao quản lý cây xanh mà để cây xanh ngã, gây hậu quả thì người đứng đầu đơn vị quản lý cây xanh phải chịu trách nhiệm. Không thể cây ngã là việc của cây, đơn vị quản lý không liên can.
Đỗ Thị Hương
(Q.Thanh Xuân, Hà Nội)
Do cây xanh bị xử tệ
Cây xanh ở đô thị bị ngã đổ bất ngờ đôi khi bắt nguồn từ nguyên nhân nó bị đối xử quá tệ, một số người không quý trọng cây xanh, nhiều hộ dân có nhà ở gần cây xanh ven đường cố tình đầu độc cây bằng nhiều cách: đổ hóa chất xuống gốc cây, bít gốc cây bằng xi măng, đóng đinh… Lý do họ làm vậy vì cây xanh che khuất tầm nhìn, mặt bằng kinh doanh của họ... Cũng có thể do thiếu ý thức nên đã làm vậy.
Nguyễn Văn Thành
(Q.9, TP.HCM)
Cần quản lý chặt
Ngoài việc mang lại những lợi ích như tạo cảnh quan, môi trường trong lành… thì cây xanh ở đô thị cũng mang đến cho người dân một số rủi ro nhất định. Do đó, đơn vị quản lý cây xanh phải có hồ sơ của từng cây, nhất là cây cổ thụ. Nếu phát hiện cây có vấn đề, không bảo đảm an toàn thì đề xuất phương án xử lý. Nếu buộc phải đốn hạ thì nên đấu giá công khai để ai có nhu cầu sẽ mua. Nếu cây yếu đi cũng phải có phương án bảo vệ, cảnh báo cho người đi đường cũng như các hộ dân sống gần đó... Quản lý chặt chẽ như vậy thì sẽ không có chuyện cây xanh gây họa cho con người như vừa qua.
Võ Văn Tạo
(Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Trần Hữu Thủy
Trước mùa mưa bão, đơn vị quản lý cây xanh đều tổ chức tỉa cành, kiểm tra các cây cổ thụ để đề phòng chuyện cây ngã đổ. Công tác này đã thực sự tốt chưa mà lại xảy ra những câu chuyện đau lòng như vậy? Công ty quản lý, chăm sóc cây xanh cần rà soát, siết chặt công việc này để không còn chuyện cây xanh gây họa cho người.
Trần Hữu Thủy 
(Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Huỳnh Minh Đạt
Hệ thống cây xanh ở TP.HCM, Hà Nội còn bị xâm hại bằng nhiều hình thức như đào đường, xây dựng nhà cao tầng, làm vỉa hè… Những việc này dễ dẫn đến nguy cơ rễ cây bị chặt đứt, không bám sâu vào đất gây mất an toàn vào mùa mưa. Cần phải kiểm tra chặt chẽ các đơn vị thi công các công trình có nguy cơ xâm hại đến cây xanh để phòng trường hợp nêu trên.
Huỳnh Minh Đạt 
(Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
T.T - Duy Khang
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.