Còn ai nhớ ngày hội cá leo

04/03/2017 12:12 GMT+7

Đã vào mùa câu cá leo nhưng giờ đây khi đi theo các mé sông lớn như sông Tiền, sông Hậu của các tỉnh An Giang, Đồng Tháp hiếm thấy ai còn giữ được thú ngồi câu cá leo.

Con cá leo vẫn còn trên sông nước miền Tây nhưng mùa cá leo lên ruộng vào hội giao hoan ở An Giang đã là chuyện của ngày xưa.
Loài cá… dữ dội
Cá leo là loài cá trắng, da trơn, có ngạnh mềm, đầu to, miệng rộng, thân cá dẹp dần từ đầu xuống đuôi. Ở miền Tây, cá sống nhiều ở vùng đầu nguồn sông lớn An Giang, Đồng Tháp, càng về hạ lưu thì xuất hiện lưa thưa.
Trong các loài cá nước ngọt, cá leo rất kỳ lạ, khi giao phối chúng không làm dưới nước sâu mà bắt cặp dắt nhau leo lên đồng ruộng. Chính lối giao hoan dữ dội đó đã đưa tên cá leo thành loài cá kỳ lạ lưu truyền trong dân gian cùng đêm trăng mật “chết chóc”.
Dù là dân miền sông nước nhưng không phải ai cũng rõ tháng nào và vùng đồng bãi nào cá leo vào hội. Mới đây, anh Huỳnh Phúc Hậu - nghệ sĩ nhiếp ảnh sống ở TP.Châu Đốc tổ chức triển lãm ảnh An Giang - Mùa nước nổi tại TP.HCM và An Giang. Hỏi anh Hậu về ảnh mùa cá leo hội thì anh cho biết hiện nay hiếm ai có ảnh đó.
Vùng cá hội ở An Giang là vùng nào? Mấy năm trước, chúng tôi về TP.Châu Đốc gặp nhà nghiên cứu Liêm Châu, bạn học của cố nhà văn Sơn Nam tìm hiểu chuyện này. Lúc ấy, ông Liêm Châu đã hơn 85 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Ông nói muốn nắm rõ thì nên về vùng Bà Bài, xã Vĩnh Tế, Châu Đốc.
Theo ông Liêm Châu, cá leo là loài mở đầu cho câu chuyện mùa nước nổi. Những bộ ảnh hay các thước phim về mùa nước nổi miền Tây như mùa len trâu, mùa cá ra, chài cá trên đồng… mà thiếu mùa cá leo thì chưa trọn vẹn.
Còn ai nhớ ngày hội cá leo 1
Ông Chơn - nhân chứng sống của mùa cá leo hội vùng Bà Bài
Nhớ lời ông, chúng tôi về ấp Bà Bài, nằm ven con kinh Vĩnh Tế. Phải hỏi rất nhiều người về mùa cá leo, chúng tôi mới gặp được ông Huỳnh Văn Chơn, 74 tuổi. Ông Chơn kể, ông sống ở Bà Bài từ lúc 6 tuổi và thời trẻ đã cùng bạn bè trong đêm trăng đi săn cá leo.
Ông nói gọi cá leo là con cá “mở hàng” cho mùa nước nổi là không ngoa vì cứ đầu tháng 5 âm lịch, nước vừa chuyển màu đỏ ối tràn vào ruộng ngập cao hơn mắt cá chân là mùa cá leo hội. Ông Chơn nhớ lại: “Ban ngày chúng nằm sâu dưới nước, đợi đến đêm chúng bắt cặp leo lên ruộng, từng cặp giao phối đập đuôi ầm ĩ quậy nước gây tiếng động lớn.
Hồi đó gọi chúng là con cá dại tình, vì nếu chúng ở mép bờ ruộng thì rất khó bắt vì hễ bị rượt là chúng phóng xuống nước kinh trốn thoát, đằng này chúng thích đi tuốt vào ruộng sâu nên bị đuổi chạy trở ra không kịp”.
Anh Đặng Công Mạo từ Hà Tĩnh vào An Giang sống từ năm 2013 nghe kể chuyện cá leo cũng không khỏi bồi hồi.
Mạo cho biết vùng quê anh ở Hương Khê ngày xưa vào tháng 7 mưa dầm cá leo từ sông suối hay leo lên ruộng bắt cặp. Mạo nói ban đêm rất nhiều người cầm đèn soi chụp cá leo. Mạo kể: “Cá rất khỏe, đặc biệt hàm răng cá nhọn như cây kim nên tay mà bắt trúng miệng cá sẽ bị đâm chảy máu.
Ở vùng tôi, cá leo rất cao giá và thịt ngon nên rất được ưa chuộng. Người dân rất thích ăn đầu cá và đuôi cá nên phần này thường dành cho người cao tuổi”. Rồi Mạo tặc lưỡi cho biết 10 năm nay ngày hội cá leo ở vùng anh đã tuyệt tích, vài năm nữa thôi, sẽ chẳng còn ai nhớ đến ngày hội cá leo.
Theo ông Chơn, nước trên đồng cạn nhưng cá leo rất khỏe, “leo” chạy nhanh hơn cá lóc, cá rô nên rượt bắt cá toát cả mồ hôi.
Ông Chơn cho biết không thể chụp cá bằng tay mà dùng nơm chụp, một người cầm hai cái nơm mới chụp kịp.
Cá này có điểm lạ, khi lên ruộng chúng đi thành cặp song song, còn khi bị rượt đuổi chúng cũng chung tình chạy cùng về một hướng nên thường bị bắt là dính cả đôi, mỗi con thường từ 2,5 kg trở lên.
Ông Chơn nhớ lại, ngày xưa cá nhiều nên những đêm trăng đi bắt cá leo chủ yếu là vui chơi. Cả cánh đồng sôi động tiếng người, tiếng rượt đuổi cá leo gây huyên náo đêm trường, cá leo lên ruộng vô số con nên đêm nào rượt bắt hoài cũng không hết.
Mùa bắt cá leo kết thúc vào tháng 6 âm lịch, khi ấy nước vào đồng, ruộng ngập trong nước hơn nửa thước.
Theo ông Chơn, thân cá leo từ thân mình trở về chóp đuôi càng hẹp dần nên ngày xưa người dân Bà Bài chỉ ăn đầu cá với thân cá. Họ nấu canh chua hoặc kho lạt ăn. Nhắc đến chuyện xưa, ông Chơn chép miệng: “Hồi đó ăn cá này thấy lạt nhách, giờ thấy ngon miệng quá, nay kiếm cá ăn không có. Ngày đó coi thường cá giá rẻ còn nay cá 1 kg trên 100.000 đồng rồi”.
Ai nhớ hội xưa !
Ông Quản Ngọc Minh, nghệ sĩ nhiếp ảnh sống ở An Giang và là tay câu cá kỳ cựu nhìn nhận không những mùa hội cá leo đã mai một mà mùa câu cá cũng dần tan do lượng cá leo ngày càng ít. Theo ông Minh, tháng 12 là thời điểm câu cá leo, người câu cá leo thường dùng mồi câu là cá chạch cơm vì cá leo mê mồi này. Cá leo câu được thường nặng từ 2 kg mỗi con trở lên.
Bây giờ cá leo ít nên những người mê cái thú câu cá leo cũng giảm dần, ngư dân thả lưới hiếm lắm mới dính được vài con cá leo to. Loài cá một thời tạo nên sự kỳ thú của sông ngòi Mê Kông đang trôi dần vào quên lãng. Mà đâu gì cá leo, các loài cá khác cũng thưa dần như loài cá rô biển sống vùng nước ngọt từng một thời lội bầy bầy ở An Giang.
Cá rô biển là loài cá mà ngư dân gọi là con cá cuối cùng trong mùa nước nổi. Vì bởi lẽ, tháng 11 - 12 hằng năm, khi cá trên đồng ruộng ồ ạt lội trở ra sông. Ngư dân chài hay giăng lưới bắt cá sôi động nhưng khi thả lưới dính được cá rô biển thì biết rằng ấy là điềm báo mùa cá trong năm sắp hết. Bởi cá rô biển là loài cá trầm lại trong đồng ruộng, khi các loài khác đi hết, nước trên đồng sắp cạn, nhắm không trú được nữa chúng phải bơi ra sông.
Bây giờ, ra chợ quê hay chợ tỉnh, gặp cá rô biển nhiều người mừng rỡ mua ngay dù giá cá không dưới 130.000 đồng/kg.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.