Cứu được người là chuyện nên làm
Trong suốt hành trình tìm hiểu, ghi nhận để viết loạt bài về hiến tạng, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện đẫm nước mắt về hoàn cảnh của những người không may gặp nạn trên đường mưu sinh. Và những người là cha là mẹ tự nguyện làm đơn hiến một phần thân thể của con mình để giúp người khác tìm lại ánh sáng lẫn sự sống.
Trường hợp của chị Võ Thị Anh Phụng (48 tuổi, quê Bến Tre) là một lát cắt trong bức tranh hiến tạng mang đậm tính nhân văn trong xã hội hiện nay. Theo đó, hơn 20 năm trước, chị Phụng lấy chồng và sinh được hai người con (con gái đầu và người con trai thứ hai). Ngày ngày chị mang lúa, mang rau ra chợ bán kiếm tiền nuôi ba miệng ăn. Hôn nhân đứt đoạn, chị Phụng dắt con lên Sài Gòn thuê trọ tìm kế sinh nhai. Những ngày đầu, chị đạp xe rong ruổi khắp nơi nhặt ve chai. Hai đứa con nhỏ thì bỏ ở phòng trọ được dựng bằng mấy miếng tôn sơ sài trong khu đất giải tỏa bên quận 2. Khi ấy, niềm vui của hai chị em là mấy món đồ chơi cũ kỹ mà mẹ nhặt được ở đâu đó trên đường phố, bãi rác.
Cứ thế, mười mấy năm dài đằng đẵng, hai đứa con lớn lên trong môi trường không được học hành tử tế. Nhưng không vì thế mà chúng không hiếu thảo với mẹ và lễ phép với các cô chú cùng khu trọ.
Khi con gái lớn có chồng, chị Phụng bước thêm bước nữa và có thêm người con trai thứ ba. Chị tiếp tục mưu sinh đủ thứ nghề để nuôi hai đứa con trai ốm yếu. Thấy mẹ khổ cực, con trai thứ hai đi phụ quán ăn rồi làm phụ hồ ở tuổi 19 và mang trong mình căng bệnh máu loãng bẩm sinh. Mỗi khi con đi làm, chị đều căn dặn phải cẩn thận đừng để đứt tay giập chân vì sợ vết thương khó lành. Suốt gần 2 năm làm phụ hồ, được bao nhiêu tiền con trai đều mang về đưa mẹ. Thế nhưng, một lần nữa sự nghiệt ngã của số phận lại đổ ập lên người phụ nữ có khuôn mặt khắc khổ và làn da đen sạm ấy. Con trai chị Phụng bị tai nạn khi đang trên đường đến công trình làm việc.
|
Rồi chị Phụng nhớ lại: "Nghe tin, chị chạy vô trạm xá thì thấy chân nó bị trầy, đầu sưng lên. Lúc đó nó cũng đi đứng nói chuyện đàng hoàng. Đến lúc đưa vô Bệnh viện Quận 2 chụp CT thì thấy nó ói, nói mệt rồi bất tỉnh. Rồi người ta chuyển nó lên bệnh viện Chợ Rẫy".
Tại đây, các bác sĩ thông báo một tin "sét đánh", con trai chị đã chết não. Tim còn đập nhưng không còn tia hi vọng cứu sống nào cả.
Chị Phụng như ngã quỵ. Mọi thứ xung quanh nhòe đi trong đôi mắt của người phụ nữ quanh năm nhọc nhằn, âu lo. Vậy là đứa con trai hiền lành, luôn biết giúp đỡ người khác của chị đã trút hơi thở cuối cùng. Bao nhiêu câu hỏi cứ bủa vây, đè nặng lên tâm can của người mẹ một đời lam lũ.
Khi được các bác sĩ an ủi và tư vấn, chị Phụng quyết định làm một việc có ý nghĩa với cuộc đời. Chị ký đơn hiến tạng của con trai để giúp người khác thoát khỏi cái chết. Hơn hết là mong muốn một phần cơ thể con trai mình sẽ được "hồi sinh" trong thân thể người khác.
"Khi ấy mình cũng suy nghĩ nhiều và đắn đo nhưng dù gì con mình cũng không còn. Lấy giác mạc, tim, gan, thận của con mà cứu được nhiều người là chuyện nên làm và cũng là cái phước của con chứ tôi không nghĩ gì hơn", chị Phụng nói.
"Có cơ hội tôi cũng hiến tạng"
Sau khi hỏa táng cho con trai, chị mang tro cốt gửi ở một ngôi chùa bên quận 9. Cũng kể từ đây, cuộc sống của chị bắt đầu bị xáo trộn bởi những hoài nghi từ người thân về việc chị bán tạng con.
|
"Mấy anh chị em trong nhà họ không biết nên nói mình đẻ con nuôi lớn lên không biết thương mà lại đem bán tạng và làm ầm ĩ lên. Nghe nói vậy mình rất là đau. Nhưng chị nói mình đâu có bán gì đâu. Thực sự mình không có bán. Bán cái gì mà bán. Con nó mất rồi mà mình đem đốt đi cũng mất hết. Thôi thì lấy cái đó mà cứu người", chị Phụng như bất lực trước những lời ra tiếng vào của người thân.
Rồi thời gian qua đi, những người trong gia đình cũng hiểu và thông cảm cho quyết định của chị. Bây giờ, hằng ngày chị Phụng lại tiếp tục mưu sinh bằng việc dọn dẹp, rửa chén bán thời gian ở một quán bar bên khu Thảo Điền (quận 2) để nuôi đứa con trai (là em cùng mẹ khác cha với người con trai đã mất) cũng bị bệnh máu loãng, ăn học đến nơi đến chốn.
Chị đến thắp một nén hương lên bàn thờ con trai và nói chị không bao giờ hối hận vì quyết định của mình. Bởi với chị, dù con trai đã mất nhưng nghĩ lại một phần thân thể vẫn đang ở đâu đó trong cuộc đời này.
"Mình không nghĩ nó mất. Cứ nghĩ nó vẫn ở đâu đó bên cạnh mình. Nếu sau này có cơ hội nào đó thì chị cũng có thể hiến tạng của mình cho người khác. Vì mình chết là hết rồi. Làm phước được gì cứ làm", chị Phụng khẳng định.
Sau những mất mát, đớn đau, với chị thứ quý giá nhất trong căn phòng trọ ọp ẹp ấy có lẽ là Kỷ niệm chương do Bộ trưởng Bộ y tế tặng, được đặt trang nghiêm trên bàn thờ người con trai luôn ấm áp khói hương.
Bình luận (0)