Câu chuyện gia đình bé trai Trần Minh Hoàng (9 tuổi, bị tử vong khi va vào tấm tôn trên xích lô) viết đơn bãi nại đối với cựu binh Đinh Ngọc Thạch khiến nhiều người chia sẻ. Câu chuyện lý - tình cũng được một CSGT chia sẻ.
Một số người vi phạm bật khóc khi CSGT ‘tuýt còi’ vì chở hàng cồng kềnh bằng xe lôi, xe ba gác khiến những CSGT làm nhiệm vụ này cũng không khỏi xót xa, 'đấu tranh' giữa lý và tình.
Mới đây, Cơ quan điều tra Công an Q.Hoàng Mai (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam ông Đinh Ngọc Thạch (52 tuổi, quê Hà Nam, hiện trú tại Hà Nội) để điều tra về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, theo điều 202, bộ luật Hình sự.
Như Thanh Niên đã thông tin, ông Thạch là người điều khiển xe xích lô chở tôn, dừng ở ven đường Tân Mai; bé trai Trần Minh Hoàng (9 tuổi, ở đường Tân Mai, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) trong lúc chạy xe đạp đã va vào tấm tôn trên xích lô bị tử vong vào ngày 23.9. Cơ quan CSĐT xác định, lỗi của lái xe xích lô là vô ý, nhưng để lại hậu quả nghiêm trọng, nên đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh tạm giam để điều tra.
Một lãnh đạo Đội CGST Bình Triệu, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) cho biết việc xử lý xe thô sơ 3 - 4 bánh chở hàng cồng kềnh rất khó khăn vì nhiều khi CSGT phải “đấu tranh” giữa tình và lý.
Bầu chọn
Theo bạn, có nên xử lý triệt để xe thô sơ 3 - 4 bánh chở hàng cồng kềnh, quá khổ?
Biết vi phạm nhưng vẫn… phải làm
Sau hai vụ tai nạn thương tâm do xe thô sơ chở hàng cồng kềnh quá khổ xảy ra mới đây, sáng 29.9, tổ công tác thuộc Đội CSGT Bình Triệu thực hiện chuyên đề xử lý xe thô sơ 3 - 4 bánh vi phạm luật giao thông.
VIDEO: Lái xe ba gác bật khóc khi bị CSGT lập biên bản - Thực hiện: Lê Nam - Vũ Phượng
Chỉ trong một buổi sáng, lực lượng CSGT đã xử lý nhiều trường hợp xe thô sơ 3 – 4 bánh vi phạm như: chở hàng cồng kềnh, không giấy đăng ký xe, tự chế xe lôi,…
Hình ảnh được chú ý nhiều nhất trong ngày sáng 29.9 là hình ảnh một người đàn ông khuôn mặt khắc khổ bật khóc khi bị CSGT lập biên bản xử phạt hành chính.
Anh S. cho biết anh quê ở Bến Tre, vì hoàn cảnh khó khăn nên anh đưa vợ con lên TP.HCM mưu sinh. Hàng ngày, anh lấy dừa ở chợ đầu mối về để đi bán dọc đường, thu nhập mỗi ngày chỉ hơn 100.000 đồng.
Ông Thạch từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Vị Xuyên (Hà Giang) từ năm 1984 - 1986 tại Sư đoàn 356. Theo bà Phương, ông Thạch rời chiến trường Vị Xuyên vào năm 1986, rồi kết duyên với bà. Do hoàn cảnh khó khăn, ông vẫn bám trụ ở Hà Nội đi làm mướn.
Sau khi bị CSGT lập biên bản, anh S. nhìn vào xe dừa rồi bật khóc: “Em biết em sai nhưng mà không còn cách nào khác, mua xe thì quá đắt, tiền làm ngày nào là lo cơm gạo hết ngày đó. Giờ bị phạt em không biết đóng phạt sao, mấy ngày tới cũng không biết cơm gạo cho con như thế nào”.
Anh S. rơm rớm nước mắt khi bị xử phạt Ảnh: V.P
Anh N.V.H. thì chia sẻ rằng anh và tất cả mọi người chạy ba gác đều biết rằng chở hàng cồng kềnh là phạm luật nhưng không còn cách nào khác, vốn thì không có. Một chuyến hàng từ chợ đầu mối Thủ Đức về Biên Hòa được trả 150.000 đồng.
Một số người ở quê lên TP làm ăn, họ không có vốn liếng gì nên phải tự chế xe lôi để lấy trái cây hoặc rau củ về rồi đi bán dạo. Những người này thì thường một người làm nuôi cả gia đình nên rất nhiều trường hợp đàn ông rớt nước mắt khi bị lập biên bản. Thấy vậy tôi cũng không đành…
Một lãnh đạo Đội CSGT Bình Triệu
“Tôi biết tôi sai nên chạy ngoài đường cũng cẩn thận nhìn trước ngó sau chứ đâu dám chạy nhanh sợ ảnh hưởng đến người khác. Mỗi lần để dành được gần đủ tiền mua xe đàng hoàng thì lại bị phạt, bị thu xe nên mãi vẫn chưa mua xe được”, anh H. bức xúc.
‘Thấy vậy cũng không đành…’
Một lãnh đạo Đội CSGT Bình Triệu cho biết, theo chỉ đạo của PC67, từ tháng 5.2016, Đội CSGT thực hiện chuyên đề xử lý xe thô sơ 3 - 4 bánh vi phạm luật giao thông như: xe tự chế, chở hàng cồng kềnh, quá khổ, đi vào đường cấm…
Địa bàn mà Đội CSGT đảm nhận có chợ đầu mối Thủ Đức, đây là một trong những chợ đầu mối lớn trên địa bàn TP. Hàng ngày chợ này có tới hàng ngàn lượt xe ba gác chở hàng trái cây, rau củ về để bán hoặc phân phối cho các cửa hàng.
Vị lãnh đạo này kể: “Một số người ở quê lên TP làm ăn, họ không có vốn liếng gì nên phải tự chế xe lôi để lấy trái cây hoặc rau củ về rồi đi bán dạo. Những người này thì thường một người làm nuôi cả gia đình nên rất nhiều trường hợp đàn ông rớt nước mắt khi bị lập biên bản. Thấy vậy đôi lúc tôi cũng nghẹn lòng…”
Theo vị CSGT này, bên cạnh việc xử lý nghiêm những xe thô sơ chở tôn, thép thì việc xử lý những xe tự chế (xe lôi) cũng gặp rất nhiều khó khăn vì có những hoàn cảnh rất khổ. Anh nhớ lại một trường hợp cách đây vài ngày mà anh vừa “tuýt còi”, người đàn ông trong dáng vẻ thấp bé, mặc bộ quần áo lấm lem, mồ hôi nhễ nhại xuất trình giấy tờ xe nhưng mặt lộ rõ vẻ lo lắng.
Người đàn ông nói rằng vợ anh vừa mới mất vì bệnh ung thư, tiền lo chữa bệnh còn chưa trả hết, lại đang phải nuôi con nhỏ nên phải tự chế xe lôi để chở trái cây về bán.
Một trường hợp xe "tử thần" bị CSGT lập biên bản vi phạm Ảnh: Độc Lập
“Họ nói vậy rồi rơm rớm nước mắt, tôi cũng không biết phải làm sao nên phân tích cho họ hiểu, họ chở hàng như vậy là phạm luật và sẽ gây nguy hiểm cho những người đi đường khác. Sau đó, tôi động viên rồi để họ đi, xử lý triệt để nhưng cũng không thể ép họ vào đường cùng được”, vị CSGT này tâm sự.
Anh tiếp lời, nhiều người lấy trái cây về bán lời có vài ngàn bạc 1 kg nên CGST cũng khó tạm giữ phần hàng này, trái cây sẽ hư, bao nhiêu vốn liếng của họ lại mất hết.
Nhưng theo luật thì những người vi phạm sẽ phải gỡ ra khỏi phần tự lắp ráp rồi thuê ô tô chở về, một chuyến hàng vậy cũng gần bằng tất cả vốn của họ. Đây chính là khó khăn khi xử lý xe thô sơ 3 - 4 bánh vi phạm của không chỉ người CSGT này, mà của nhiều CSGT khác. Lực lượng CSGT phải làm sao để vừa thấu tình nhưng cũng đạt lý, giúp tránh những tai nạn đau lòng xảy ra với người dân mà còn giúp người nghèo mưu sinh hiểu ra và có phương án làm ăn, sinh nhai an toàn.
Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định:
- Phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe môtô, xe gắn máy vi phạm; người điều khiển xe hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác mang vác vật cồng kềnh, xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định.
- Phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng, tước giấy phép lái xe 1 - 3 tháng đối với xe môtô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe môtô, xe gắn máy vi phạm điều khiển xe đi vào đường cấm, khu vực cấm.
-Phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng, tước giấy phép lái xe 1- 3 tháng và tịch thu phương tiện đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe môtô, xe gắn máy vi phạm điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông.
-Phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1,6 - 2 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe môtô, xe gắn máy thực hiện hành vi vi phạm như thay đổi khung, máy, hình dạng, kích thước xe.
Bình luận (0)