Căn nhà tiền chế mẹ con cụ Vân đang tá túc được xây từ dự án nhà từ tâm cho người nghèo, dựng trên mảnh đất của một người dân địa phương cho ở đậu. Trong ngôi nhà nhỏ tồi tàn ấy, không có vật dụng nào giá trị ngoài chiếc giường và cái tủ sắt cũ kỹ.
Cụ Vân kể rằng lúc trước nhà lợp lá. Nhờ dự án nhà từ tâm và phần đất được cho ở đậu nên mẹ con cụ có chỗ để trú mưa trú nắng, nhưng giờ nhà cũng đã xuống cấp xập xệ. Tháng nắng nóng không chịu nổi, người con trai cứ ra ngoài đường hoặc ngồi ở quán cà phê trước hẻm. Tới tháng mưa, đồ đạc trong nhà bị tạt ướt nhem, khổ nhất là những lúc trời mưa đêm khuya, hai mẹ con phải lấy áo mưa che nhau ngồi co ro cho đỡ ướt người.
Cụ Vân cho biết vợ chồng cụ có 2 người con, phát triển bình thường. Trước kia, vợ chồng cụ gánh muối đi bán làm kế mưu sinh, tuy khó khăn nhưng gia đình 4 người sống rất vui vẻ hạnh phúc. Nhưng đột ngột chồng cụ phát bệnh tâm thần, rồi người con lớn cũng phát bệnh và lần lượt qua đời. Chỉ có người con út là ông Đỗ Văn Chức (nay đã 70 tuổi) kề cạnh, nhưng ngày tháng khỏe mạnh lúc trai trẻ qua rất nhanh. Khi qua tuổi đôi mươi, ông Chức cũng phát bệnh giống cha. Vậy là gần 50 năm qua, ông phải sống trong cảnh dở điên dở dại.
Để có tiền sinh sống, hằng ngày cụ Vân đi bán vé số, đến trưa thì trở về mua cơm hộp cho con. “Lúc trước nó mạnh khỏe, cao lớn, thương tôi làm việc nặng nhọc nên nó cũng đi làm làm lơ xe để phụ vô sinh sống. Năm lên 22 tuổi bỗng dưng phát bệnh rồi tâm trí đờ đẫn và ngây dại, ít nói cho đến bây giờ”, cụ Vân kể.
Mỗi ngày, cụ Vân lãnh tại đại lý khoảng 100 tờ vé số. Từ tờ mờ sáng, cụ bắt đầu lội bộ đi bán, trưa về đem cơm cho con ăn, rồi lại tiếp tục đi bán đến chiều. Mọi việc tắm rửa, vệ sinh cá nhân cho người con 70 tuổi đều do một tay cụ lo liệu. Giờ đây, dù chân tay đã yếu, lưng còng mắt mỏi nhưng cụ vẫn cố gắng kiếm tiền lo cho con. Nhiều người thấy cụ quá khổ nên khuyên đưa con vào trại, nhưng cụ nhất quyết chối từ, bởi sợ không ai chăm sóc con chu đáo được như chính bản thân mình. “Khổ thì khổ nhưng mẹ không bỏ con được. Dù có điên nhưng nó vẫn là con mình”, cụ Vân nói và cho biết thêm mấy năm nay sức khỏe ông Chức ngày càng yếu. Việc vệ sinh nhiều khi rất tùy tiện nên mỗi khi đi bán vé số về là cụ phải lau chùi, tắm rửa cho con. Tiền bán vé số bao nhiêu cũng đổ dồn hết vào việc mua thuốc thang và ăn uống tiết kiệm dữ lắm mới đủ.
Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ cụ Đỗ Thị Cẩm Vân; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến cụ Vân trong thời gian sớm nhất.
|
Chị Đinh Hồng Thơ, Trưởng nhóm Góp yêu thương (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), cho biết: “Thấy cảnh đời bi thương của cụ Vân, hằng tháng nhóm chúng tôi đều tặng quà gồm gạo và nhu yếu phẩm. Ngoài ra, các thành viên trong nhóm cũng thường xuyên mua vé số giúp cụ”.
Nhìn gia cảnh thương tâm của hai mẹ con đã già, dặt dẹo nương tựa nhau trong cảnh xế chiều, không ai cầm lòng được.
Bình luận (0)